(Baonghean) - Tham gia bảo hiểm nhân thọ để tích cóp một khoản tiền là nhu cầu hết sức chính đáng. Vậy nhưng, để tránh “tiền mất tật mang”, người mua cần tìm hiểu kỹ về các công ty bảo hiểm, các quy định tại hợp đồng, luật bảo hiểm và đừng quá tin vào những lời “vàng ngọc” của nhân viên tư vấn. Câu chuyện của bà P.T.T ở xã DT, huyện D là bài học cảnh giác cho nhiều người...
Tháng 9/2015, bà P.T.T, một nông dân nghèo ở xã D.T, huyện D có đơn gửi Báo Nghệ An với nội dung sau: Chúng tôi là nông dân, hoàn toàn không hiểu gì về bảo hiểm nhân thọ. Nghe nhân viên tư vấn thuyết phục mua bảo hiểm, chồng tôi (ông V.T.H) hỏi: “Tôi đang điều trị bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì có tham gia được không?” nhân viên tư vấn trả lời: “Ông cứ tham gia bảo hiểm. Nếu ông sống được một năm, một ngày thì bảo hiểm có hiệu lực” nên chồng tôi đồng ý mua bảo hiểm của công ty.
Ngày 17/4/2013 nhân viên tư vấn đã lập hợp đồng và thu phí 5,8 triệu đồng. Ngày 17/4/2014, một nhân viên khác đến nhà tôi thu phí năm thứ 2 (cũng số tiền là 5,8 triệu đồng) và thông báo: “Bây giờ thì ông yên tâm rồi nhé. Bảo hiểm của ông đã có hiệu lực…”. Lần thứ 3, ngày 17/4/2015, cô tư vấn lần hai đã đến thu tiền, tôi và chồng tiếp tục đóng 5,8 triệu đồng. Ít ngày sau chồng tôi trở bệnh và đến ngày 5/5/2015, ông ấy qua đời. Chúng tôi đã thông báo cho nhân viên tư vấn và cô ấy đã xuống nhà lấy toàn bộ giấy tờ để “Công ty bảo hiểm làm thủ tục chi trả”.
Ngày 7/8/2015, cô tư vấn đến nhà thông báo: “Hồ sơ đã làm xong. Số tiền gia đình được nhận là 100.000.000 đồng. Ít ngày nữa công ty sẽ trao tại hội trường xã nhân dịp tổ chức hội thảo khách hàng”. Vậy nhưng ít hôm sau, gia đình tôi nhận được thư của công ty bảo hiểm với nội dung hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của chồng tôi không được giải quyết, khoản tiền phí đã đóng cũng không được trả lại vì ông ấy đã không trung thực, không khai báo tình trạng bệnh tật đã có trước đây tại hợp đồng giao kết giữa hai bên…”.
Về xã D.T tìm gặp bà P.T.T. tại chợ bà kể lại những gì đã xảy ra với gia đình bà như tại đơn đã viết. Hỏi về hồ sơ liên quan để chứng thực sự việc, bà P.T.T cho biết, ông V.T.H qua đời, các cô tư vấn lấy “làm thủ tục chi trả bảo hiểm” đến nay chưa thấy trả lại. “Tư vấn nói sao nghe vậy chứ chúng tôi nào có hiểu gì về bảo hiểm đâu. Họ nói nộp hết để làm thủ tục thì cứ thế đưa cả…” - rồi bà hẹn: “Để tôi hỏi xin lại rồi sẽ gửi cho báo…”.
Đầu tháng 10/2015, bà P.T.T báo tin: “Cuối tháng 9, công ty bảo hiểm đã đến nhà…” và chúng tôi trở lại nhà bà, bà T nói: “Có Phó Giám đốc công ty bảo hiểm và cô tư vấn đến thắp hương cho chồng tôi. Họ nói nhiều lắm nhưng rốt cục khẳng định sẽ không trả bất kỳ khoản nào vì gia đình tôi vi phạm quy định. Tôi đề nghị cô tư vấn trả lại hồ sơ, cô trả lời “người mất rồi nên hồ sơ cũng hủy luôn”…”.
Công ty thực hiện hợp đồng bảo hiểm cho ông V.T.H có trụ sở tại Thành phố Vinh. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, họ cũng nhận được đơn của bà P.T.T và đã cử người về xác minh. Kết quả là việc yêu cầu thanh toán bảo hiểm cho chồng bà P.T.T không được chấp nhận. “Chúng tôi căn cứ vào hợp đồng đã ký kết. Theo đó, ông V.T.H không điền thông tin có bệnh trước khi tham gia bảo hiểm trong khi ông ấy có bệnh. Theo quy định được nêu cụ thể tại hợp đồng, như vậy là ông V.T.H đã vi phạm quy định. Công ty bảo hiểm sẽ không chi trả bảo hiểm, và cũng không hoàn lại số tiền ông V.T.H đã tham gia bảo hiểm”.
Nhân viên tư vấn đã đưa ra những thông tin không chuẩn xác thì sao? “Theo nguyên tắc, nếu nhân viên tư vấn không đúng cho người tham gia bảo hiểm. Khi công ty xác minh đúng như vậy thì vẫn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp này không thể xác định lỗi của người tư vấn. Chúng tôi cũng đã xác minh”… Khi được đề nghị cung cấp hồ sơ và thông tin xác minh, người đại diện đưa ra biên bản làm việc với bà P.T.T rồi nói: “Theo nguyên tắc, mọi thông tin hồ sơ do tổng công ty quản lý. Để cung cấp thông tin, hồ sơ cho báo chí, chúng tôi phải báo cụ thể với tổng công ty. Tổng công ty sẽ giao bộ phận pháp chế xem xét rồi tham mưu, nếu được thì mới cho phép công ty thành viên cung cấp. Tôi có thể cho xem biên bản nhưng không được sao chụp…”. Biên bản làm việc của công ty bảo hiểm với bà P.T.T có chữ ký của bà. Tại đó, ý kiến của nhân viên tư vấn là phủ nhận việc đã tư vấn không đúng cho ông V.T.H. Dù không yêu cầu chi trả bảo hiểm nhưng bà P.T.T vẫn “tố” nhân viên tư vấn không có đạo đức và đề nghị có hình thức xử lý.
Như biên bản này thì chưa thể xác định nhân viên tư vấn có lỗi hay không? Đại diện công ty bảo hiểm cho rằng, có thể xảy ra tình trạng nhân viên tư vấn chạy theo lợi nhuận nên tư vấn không đúng. Tuy nhiên, người tham gia bảo hiểm phải đưa ra được bằng chứng! “Khi người tham gia bảo hiểm vi phạm quy định dẫn đến mất quyền lợi, vì bức xúc họ có thể đổ lỗi cho người nọ, người kia. Nếu vì vậy mà xử lý nhân viên tư vấn thì không đúng. Trong trường hợp này chúng tôi thực hiện theo hợp đồng đã ký kết. Rõ ràng nếu tư vấn chưa đầy đủ thì người tham gia bảo hiểm phải đọc hợp đồng và điền đầy đủ thông tin vào đó…” - người đại diện khẳng định. Tại sao nhân viên tư vấn nói “người chết thì hủy hợp đồng” với bà P.T.T? “Nếu bà P.T.T “xin lại” hồ sơ thì viết đơn. Chúng tôi có thể sao trả lại. Thế nhưng trong đơn bà ấy có yêu cầu đâu. Riêng với báo chí, chúng tôi cần xin phép tổng công ty…!”.
Những gì tìm hiểu qua người đại diện công ty bảo hiểm chúng tôi đều thuật lại với bà P.T.T. Bà buồn lắm nhưng thực tình chúng tôi không biết trả lời sao cho phải. Làm gì được khi bà chẳng có chứng lý gì trong tay; nhà bảo hiểm thì lạnh lùng “án tại hồ sơ” và những lời “vàng ngọc” của nhân viên tư vấn khi mời gọi ông V.T.H ký vào hợp đồng bảo hiểm thì đã “cuốn theo chiều gió”...
Chuyện của gia đình bà P.T.T âu là bài học cho những người có ý định tham gia bảo hiểm. Hãy tìm hiểu kỹ thân thế công ty bảo hiểm, các quy định tại hợp đồng, Luật Bảo hiểm… và đừng quá tin vào lời của nhân viên tư vấn. Bởi nếu không cẩn thận sẽ mất tiền và còn chuốc lấy muộn phiền.
Bài, ảnh: Hà Giang