Năm 2017, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, hàng loạt đại án được đưa ra xét xử, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng, nguồn cơn của nó đã có từ lâu, là hậu quả của thời kỳ buông lỏng quản lý.
‘Lối sống tận hưởng khiến nhiều cán bộ suy thoái đạo đức’
Đạo đức luôn được coi là “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức để quy hoạch, bổ nhiệm. Tuy nhiên, có những người khi chưa có quyền lực thì rất tốt, nhưng khi có lại hư hỏng. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái này?
Nền kinh tế thị trường làm cho xã hội năng động lên. Nhưng trong giai đoạn chuyển đổi từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều người chưa kịp thích ứng, đứng trước tiền bạc, lợi nhuận... dễ bị thay đổi.
Vì vậy, đừng hiểu con người theo nghĩa là hôm nay tốt thì vĩnh viễn sau này sẽ tốt. Phải nhìn nhận một cách biện chứng, con người hôm nay có thể tốt, nhưng mai có thể không tốt thì mới có biện pháp để cá nhân tu dưỡng, rèn luyện, không bị tha hóa.
Vũ khí của Đảng là mỗi đảng viên và tổ chức đảng phải đấu tranh, phê bình, tự phê bình, nhưng nhiều năm qua chúng ta còn làm rất hình thức. Tự phê bình nhưng không bao giờ tìm ra khuyết điểm của mình.
Những năm gần đây, Đảng nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống. Cán bộ, công chức chẳng ai thích bảo ban ai, chỉ nịnh bợ, khen nhau là thích, khen vô tội vạ, làm hỏng đạo đức xã hội. Đạo đức đi kèm lối sống, khi đạo đức suy thoái thì lối sống tận hưởng.
Thời gian qua, nhiều cán bộ không giữ được phẩm chất đạo đức, làm trái quy định của nhà nước về kinh tế bị xử lý. Ở khía cạnh đạo đức, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trong xã hội hiện tại, nhiều người không coi trọng nền tảng đạo đức nên mắc những căn bệnh rất đau lòng. Cả năm qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật.
Nguyên nhân là nhiều cán bộ xa rời chữ đức, không chịu tu dưỡng đạo đức cách mạng, dưỡng đức làm người. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, trong khi đó nhiều người luôn tìm cách biến của công thành của tư.
Theo ông, liệu có phải do mất niềm tin nên người dân cảm thấy “hả hê” khi những cán bộ suy thoái bị kỷ luật?
Người dân thấy bức xúc vì nhiều cán bộ tham nhũng quá. Cán bộ nào bị trị tội đến nơi đến chốn thì người dân cảm thấy hả hê, tâm lý đó là có thật. Nhưng thực tế đa phần không phải là tâm lý hả hê, đặc biệt là những đảng viên nghiêm túc. Cán bộ là rường cột của xã hội, rường cột đó mục ruỗng chỗ này, chỗ kia thì không buồn sao được.
Cứ nghĩ đến cán bộ là hư hỏng thì không công bằng, nhưng thực tế là họ có “điều kiện” để hư hỏng. Với những cán bộ đã giác ngộ thì họ luôn cảnh giác và tu dưỡng bản thân.
Về phía nhà nước cũng luôn phải xóa đi những “miếng mồi” cám dỗ cán bộ, ai cố tình đem ra thì phải trị thật nặng. Phải tạo ra môi trường, cơ chế, cán bộ có muốn tham nhũng cũng không được.
Làm gì cũng phải nghe tình cảm của người dân trước tiên, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mà người dân lại vui thì không thể yên lòng được.
Năm 2018, ông có niềm tin thế nào với đội ngũ cán bộ, công chức?
Những vụ án được xử lý trong năm 2017 đã có nguồn cơn từ rất lâu. Đó là hậu quả của thời gian dài chúng ta buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, không vì thế mà nản. Phải có niềm tin vào những điều tốt đẹp, nhìn nhận vấn đề phải có sự biện chứng và không ngại nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, làm thật mới có kết quả tốt.
Với năm 2018, mong rằng tất cả cán bộ, đảng viên ai đã tốt hãy tốt lên, soi lại mình. Ai trót nhúng chàm thì dừng lại, kiên quyết trung thực với chính mình để sửa sai.