(Baonghean) - Tình trạng nợ đọng thuế và các vấn đề liên quan đến công tác tái định cư Thủy điện Bản Vẽ là hai vấn đề được đặt lên bàn nghị sự tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Lý do, đây là hai vấn đề tồn đọng từ lâu, đến nay không những chưa được các cơ quan hữu quan giải quyết thấu đáo mà còn gây ra khá nhiều tai tiếng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu ngân sách trên địa bàn và gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã tự nguyện rời bỏ quê hương, làng bản nơi chôn nhau, cắt rốn đã bao đời nay nhường chỗ cho nhà máy thủy điện. Sự hy sinh to lớn đó của họ, đến nay vẫn chưa được đền đáp xứng đáng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải xác định rõ những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xử lý và phải làm như thế nào để giải quyết dứt điểm hai vấn đề tồn đọng đó.

Trước hết là về vấn đề nợ đọng thuế đang ở mức đáng báo động mà nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chậm nộp thuế. Chậm nộp là vì nền kinh tế nước nhà chưa thoát khỏi sự trầm lắng dẫn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn kho chưa được giải phóng dẫn đến không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ trốn, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng nên phải nợ thuế. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng chây ì, cố tình trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Vì thế, việc cần làm trước hết là ngành thuế cần phối hợp với các cơ quan hữu quan xác định rõ doanh nghiệp nào thật sự thiếu khả năng hoặc mất khả năng  nộp thuế vì làm ăn thua lỗ và doanh nghiệp nào cố tình chây ì để có phương án xử lý phù hợp. Nhất là với những trường hợp chây ì. Có thể thấy các doanh nghiệp không chịu nộp thuế đúng thời hạn, bên cạnh ý thức, trách nhiệm kém thì chủ yếu là vì lợi nhuận mang lại từ việc trì hoãn nộp thuế.

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì khi người nộp thuế nộp chậm tiền thuế, cứ mỗi ngày nộp chậm tiền thuế, đối tượng nộp phải chịu phạt với tỉ lệ lãi suất nhất định. Nhưng tỉ lệ này so với lãi suất mà doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng thì vẫn còn hời hơn nhiều. Cho nên, các doanh nghiệp sẵn sàng tìm đủ mọi cách chậm thực hiện nghĩa vụ thuế nhằm chiếm dụng vốn nhà nước để quay vòng. Càng chậm nộp họ càng có lợi. Vì thế, cần sửa chế tài xử phạt sao cho doanh nghiệp không còn dám chây ì nữa. Về phía cơ quan chức năng do thiếu sự kiên quyết, cả nể và cũng có thể là có cả sự thông đồng để “ăn vặt” như chính ông Bộ trưởng Tài chính phát biểu tại hội nghị ngành thuế cách đây chưa lâu nên dẫn đến tình trạng nợ thuế, chây ì thuế của đối tượng nộp thuế. Đã đến lúc cần phải nghiên cứu, áp dụng một cơ chế quản lý cứng rắn hơn để hạn chế thấp nhất nợ đọng thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách. Cứng rắn với cả đối tượng cố tình chây ì nộp thuế và cả cán bộ thuế để tình trạng đó kéo dài. Nếu không sớm xử lý thì việc truy thu thuế tồn đọng ngày càng khó hơn vì số tiền ngày càng lớn, càng vượt xa khả năng trả nợ thuế của doanh nghiệp. Đừng để đến lúc cơ quan thuế phải cho khoanh nợ, xoá nợ như đã làm trước đây.

Đối với vấn đề tái định cư Thủy điện Bản Vẽ thì rõ ràng là các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện đầy đủ phương châm tái định cư mà Đảng, Nhà nước đã đề ra là nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Thực tế là cuộc sống của bà con ở khu tái định cư đã có những mặt tốt hơn, nhưng cũng có những mặt thấp kém, khó khăn hơn nơi ở cũ. Nhất là trong kế sinh nhai và đất đai trồng trọt. Vấn đề này công luận đã phản ánh nhiều rồi, không cần nói thêm ở đây nữa mà điều cần trao đổi ở đây là lâu nay, cứ nói đến những tồn tại, bất cập của khu tái định cư, mọi người  thường chỉ quy trách nhiệm cho một phía, đó là Ban quản lý Thuỷ điện II mà chưa quan tâm, chưa thấy hết trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong việc giải quyết vấn đề ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào vùng tái định cư. Vì thế, để giải bài toán hậu tái định cư của Thủy điện Bản Vẽ phải có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương đặt dưới sự  chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT. Phải tạo được sự gắn kết phối hợp giữa chủ đầu tư và các cấp chính quyền cơ sở, các ban ngành của tỉnh để xây dựng các phương án sản xuất lâu dài cho bà con. Đội ngũ cán bộ chuyên môn cần đi sâu đi sát dân, cầm tay chỉ việc cụ thể để bà con dần thích ứng và nắm bắt được những kỹ năng cơ bản của cung cách lao động, sản xuất mới đạt hiệu quả cao. Ngoài sự hỗ trợ của Công ty Thủy điện II thì tỉnh Nghệ An cũng cần trích nguồn ngân sách từ nguồn nộp thuế của Thủy điện II để đầu tư một số chương trình, dự án phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng cho vùng tái định cư, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Một khi đã an cư, lạc nghiệp ở vùng đất mới chắc chẳng mấy ai muốn trở về quê cũ nữa.

Điều cuối cùng muốn trao đổi thêm là một khi đã đặt hai vấn đề trên lên bàn nghị sự thì nên có hướng giải quyết dứt điểm đừng để tồn đọng mãi. Vì còn nhiều vấn đề mới tiếp tục phát sinh trong cuộc sống hằng ngày đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời, nếu cứ để việc cũ chồng lên việc mới thì sẽ rất khó giải quyết. Lâu dần tích tụ lại, biến thành nợ xấu khó giải.

Duy Hương