Áp lực thi cử
bna_image_278837_2252019.jpegHọc sinh lớp 9 áp lực khi phải thi quá nhiều môn thi ở Kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: MH
Ở khối lớp 9 của Trường THCS Lê Mao, Ngô Nguyễn Phương Uyên được đánh giá là học sinh có năng lực với thành tích 4 năm học luôn đạt học sinh giỏi. Kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ vừa rồi, ngoài môn Toán được 7,75 điểm, các môn còn lại của Phương Uyên đều 9 hoặc trên 9, trong đó riêng môn Văn được 9,25. Mặc dù lực học khá tốt, chăm chỉ nhưng trước kỳ thi vào lớp sắp tới, Phương Uyên vẫn rất lo lắng và tự nhận kết quả mà mình mớt đạt được ở phổ thông chỉ là “bình thường”.

Hiện tại, ngoài học trên lớp và học thêm vào các buổi chiều ở trường thì cháu còn đăng ký học thêm 5 môn ở ngoài, đó là Toán, Văn, Tiếng Anh, Lịch Sử, Hóa (các môn thi của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10)”...

Ngô Nguyễn Phương Uyên, Trường THCS Lê Mao

Cách giải tỏa duy nhất của Uyên đó là lao vào học và “chạy sô” từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác. Uyên cũng cho biết: “Cháu thực sự phải “thức khuya dậy sớm”. Hiện tại, ngoài học trên lớp và học thêm vào các buổi chiều ở trường thì cháu còn đăng ký học thêm 5 môn ở ngoài, đó là Toán, Văn, Tiếng Anh, Lịch Sử, Hóa (các môn thi của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10)”...
Với lịch học này, hầu như mỗi một ngày Uyên phải di chuyển 3 đến 4 nơi để học thêm. Riêng ngày Chủ nhật, cô bé học 5 ca từ 7h sáng đến 9h15 phút tối. Và chỉ riêng môn Tiếng Anh - môn chuyên mà Uyên dự định thi, Uyên đăng ký đến 3 lớp học thêm dành cho các nội dung như học ngữ pháp, học viết luận, nghe nói... 
Những buổi ôn tập cuối cùng của học sinh Trường THCS Lê Mao. Ảnh: Mỹ Hà
Thời điểm này, sau khi hoàn thành các bài thi học kỳ, học sinh ở một số trường đã bắt đầu nghỉ học. Thế nhưng ở Trường THCS Lê Mao, lịch học của học sinh khối 9 vẫn kín cả sáng và chiều.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy – giáo viên dạy Tiếng Anh cho biết: “Thời gian thi đã gấp rút nên học sinh nào cũng hết sức cố gắng, tập trung thành từng nhóm để luyện tập. Về phía giáo viên cũng phải hết sức nỗ lực, tập hợp rất nhiều các kiểu bài thi dựa trên đề thi minh họa do sở ban hành để học sinh làm quen với các dạng đề”.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Mao cũng chia sẻ: “Nhiều khi thấy các em đi học thêm vất vả tôi cũng khuyên phụ huynh không nên cho các con học quá nhiều, một số môn có thể học kỹ trong sách giáo khoa là đủ. Thế nhưng phụ huynh không yên tâm và vì thế nên ai cũng lao vào để đi học thêm ở ngoài”.
Một tiết học ôn thi của học sinh thành phố Vinh. Ảnh tư liệu
Nói về áp lực của các kỳ thi, thầy giáo Lê Xuân Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh nói rằng: “Đã đi học thì phải có áp lực và qua mỗi áp lực các em sẽ trưởng thành và tiến bộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu áp lực cho đúng để tránh việc học sinh rơi vào khủng hoảng.

Chúng ta cũng phải hiểu áp lực cho đúng để tránh việc học sinh rơi vào khủng hoảng.

thầy giáo Lê Xuân Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh

Ví dụ, hãy để các em phát triển đúng với năng lực của bản thân, đừng nên chọn trường vượt quá khả năng hoặc đừng kỳ vọng quá nhiều khi năng lực của bản thân học sinh chỉ có hạn... Hay, phụ huynh và học sinh đừng nghĩ đi học thêm nhiều là tốt. Như thời điểm này, hãy để các cháu tự ôn thi, hệ thống lại kiến thức. Còn nếu càng đi học thêm nhiều càng chứng tỏ các cháu bất an, chưa tự tin vào năng lực”.
Không áp đặt mong muốn của phụ huynh lên con trẻ
Cứ vào cuối tháng 5, trên các trang mạng xã hội, hình ảnh phụ huynh khoe thành tích của con diễn ra khá phổ biến. Người vui thì dành những lời khen cho con trẻ nhưng người có con học kém thì khá ngậm ngùi.
Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối. Đây cũng là lý do, vì sao trong vài năm trở lại đây nhiều trường học không công khai điểm thi của học sinh ở các buổi họp cuối năm. Thay vào đó, kết quả của mỗi em sẽ được nhà trường gửi riêng cho từng phụ huynh. 
Thói quen khoe thành tích của con trên mạng xã hội gây áp lực cho các em. Ảnh: P.V
Thực tế cũng cho thấy, việc “khoe” con cũng là tâm lý bình thường của phụ huynh. Thế nhưng, chính phụ huynh lại không nghĩ rằng, việc đó vô hình trung đã tạo áp lực cho con trẻ và sẽ tạo áp lực cho nhiều phụ huynh khác.
Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Lê Lợi (thành phố Vinh) cho rằng, với học sinh tiểu học, các con chỉ cần biết đọc, biết viết và phát triển tốt một số kỹ năng sống. Vì thế, thay vì để con tập trung quá nhiều vào văn hóa, chị cho con đi học khá nhiều các lớp kỹ năng và cho con tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm.

Phụ huynh bây giờ đa phần vẫn thích con có điểm thi thật cao mà không quan tâm các em thích gì, các em có hào hứng học không.

Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Lê Lợi (thành phố Vinh) 

Tuy vậy, vào mỗi dịp cuối năm học, chị vẫn thấy ngậm ngùi bởi: “Tôi muốn các cháu phải phát triển toàn diện nhưng dường như “lạc lõng” trong môi trường giáo dục hiện nay. Phụ huynh bây giờ đa phần vẫn thích con có điểm thi thật cao mà không quan tâm các em thích gì, các em có hào hứng học không. Hoặc ở các buổi tổng kết, giáo viên chỉ chú trọng khen những học sinh giỏi Văn, giỏi Toán nhưng lại chưa biết khích lệ những học sinh có thể hơi yếu về văn hóa nhưng các em lại năng động, nhanh nhẹn, biết nhiều kỹ năng sống...”.
Thí sinh Nghi Lộc tham dự Kỳ thi tuyển sinh. Ảnh tư liệu MH
Là phụ huynh và cũng là một người làm công tác giáo dục, Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học - Khoa Giáo dục - Trường Đại học Vinh nói rằng: “Tôi nghĩ rằng phụ huynh không sai khi luôn muốn con học giỏi. Nhưng, đừng áp đặt mọi ý muốn của bố mẹ lên con trẻ. Nghĩa là, nếu con có khả năng vào trường chuyên thì mình khuyến khích con chứ đừng “ép” con vào. Nếu quá sức của con thì sẽ tác dụng ngược cho trẻ, thậm chí khiến trẻ nảy sinh những tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng phụ huynh không sai khi luôn muốn con học giỏi. Nhưng, đừng áp đặt mọi ý muốn của bố mẹ lên con trẻ.

Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học - Khoa Giáo dục - Trường Đại học Vinh

Về quan niệm cá nhân tôi, tôi luôn cho con hưởng thụ tất cả những gì đẹp nhất của tuổi trẻ và cố gắng trang bị cho con các kỹ năng để khi nó ra khỏi vòng tay của mình sẽ cứng cáp. Điều này cũng giúp trẻ có nhiều cơ hội cọ xát với các mối quan hệ, không bó hẹp về hoạt động và để trẻ giảm bớt gánh nặng và áp lực trong học tập”.