Đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) ngày 4-10 đã bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm tìm kiếm triển vọng thành lập một chính phủ "đại liên minh". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sẽ không dễ dàng gì cho “bà đầm thép” của Đức trong việc thuyết phục để đối tác chịu “ngồi cùng thuyền”.

images813545_5732967020131004212117250.jpgThủ tướng An-giê-la Méc-ken trước khi bước vào cuộc đàm phán với đảng SPD tại Béc-lin hôm 4-10. Ảnh: Roi-tơ

Phát biểu tại Xtút-gát trước thềm cuộc đàm phán, bà Méc-ken tuyên bố, cả châu Âu và thế giới đều dõi theo tiến trình thành lập chính phủ tại Đức và các đảng cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng một chính phủ ổn định. Trong tuần tới, CDU/CSU cũng sẽ có buổi tiếp xúc đầu tiên với đảng Xanh.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện cả SPD và đảng Xanh đều không mặn mà với việc liên minh cùng CDU/CSU thành lập chính phủ do bà Méc-ken lãnh đạo. Đặc biệt, nội bộ SPD hiện khá chia rẽ trong việc có nên tái lập "đại liên minh" với CDU/CSU. Giới quan sát cho rằng, nguyên nhân SPD không dễ dàng liên minh với CDU/CSU vì kinh nghiệm của thời kỳ đại liên minh năm 2005-2009 cho thấy, trong nhiệm kỳ đó CDU/CSU luôn nhận mọi lời khen ngợi vì những thành tích đối nội, đối ngoại trong khi đó SPD gánh chịu thiệt hại và mất đi sự ủng hộ của cử tri khi bị đổ mọi trách nhiệm cho những yếu kém của chính phủ và sau đó thất bại trong bầu cử. Đối tác liên minh cũ của bà Méc-ken, đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng có chung kết quả như vậy. Sau 4 năm tham gia liên minh cầm quyền từ 2009 - 2013, tại cuộc bầu cử vừa qua, đảng này thậm chí còn không đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu 5% và lần đầu tiên từ năm 1949 bị loại khỏi Hạ viện liên bang.

Hiện SPD đang được coi là đối tác liên minh khả thi nhất của CDU/CSU, tuy nhiên lãnh đạo đảng này tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong đàm phán. Tổng thư ký SPD An-đrê-a Na-lét (Andrea Nahles) duy trì quan điểm cứng rắn với tuyên bố khả năng SPD có tiến tới được các cuộc thương lượng chính thức hay không vẫn là một câu hỏi mở. Theo bà Na-lét, các cuộc thảo luận giữa hai bên có thể kéo dài đến tháng 12-2013 hoặc tháng 1-2014 trước khi chính phủ mới được hình thành.

Cuộc đàm phán vừa diễn ra cũng nhằm kiểm tra xem những thỏa hiệp về chính sách, đặc biệt là các chính sách thuế giữa CDU/CSU và SPD có khả thi không. Trước thềm bầu cử, bà Méc-ken đã hứa với cử tri sẽ không tăng thuế. Trong khi đó, đảng SPD chủ trương tăng thuế với những người có thu nhập cao nhằm bù đắp chi phí đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đối với việc phân chia ghế bộ trưởng, tồn tại lớn nhất giữa hai đảng là đảng nào cũng muốn ghế Bộ trưởng Tài chính đầy quyền lực hiện do đồng minh của bà Méc-ken là ông Vôn-gang Soi-bơ-lơ (Wolfgang Schaeuble) nắm giữ.

Các nước EU đang theo dõi sát sao tiến trình thành lập chính phủ mới ở Béc-lin và lo ngại rằng, những sự trì hoãn thành lập chính phủ ở Đức có thể làm chậm lại việc ra những quyết định quan trọng liên quan đến các biện pháp tài chính đối phó khủng hoảng ở châu Âu. Dù vậy, việc CDU/CSU của bà Méc-ken phải liên minh với SPD hoặc đảng Xanh để thành lập chính phủ mới làm người dân châu Âu hy vọng vào sự điều chỉnh chính sách mềm dẻo hơn của Đức trong việc khắc phục khủng hoảng kinh tế ở lục địa già. Nhiều người kỳ vọng đối tác chính trị mới của bà Méc-ken sẽ dễ dãi hơn với các nước gặp khó khăn, quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu thay vì chỉ chú trọng vào các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ. Cựu Thủ tướng I-ta-li-a, ông Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti) tin tưởng quan hệ giữa Béc-lin và các đối tác EU sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg Bank dự báo, chính sách EU của Béc-lin trong nhiệm kỳ tới sẽ ít nhiều "có khuynh hướng xây dựng hơn".

Theo QĐND - ĐT