Cỗ máy được mệnh danh là "Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới" có thể tạo ra năng lượng lớn gấp 10.000 lần bức xạ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất và đạt nhiệt độ 3.000 độ C.
Các nhà khoa học Đức khởi động cỗ máy Synlight, Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới, ở viện Nghiên cứu Mặt Trời, International Business Times đưa tin. Thí nghiệm nhằm khám phá tiềm năng của nguồn năng lượng sạch dễ tái tạo. Đặc biệt, các nhà khoa học hy vọng có thể thử nghiệm quy trình sản xuất nhiên liệu Mặt Trời như hydro.
Synlight có 149 đèn chiếu năng lượng cao có thể phát bức xạ Mặt Trời. Bức xạ từ đèn có thể tập trung vào khu vực kích thước 20x20 cm. Nếu bật đèn ở mức 350 kW, nó sẽ tạo ra năng lượng lớn gấp khoảng 10.000 lần bức xạ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất. Nhiệt độ có thể đạt tới 3.000 độ C.
Johannes Remmel, giám đốc Cơ quan môi trường bang North Rhine-Westphalia, là người khởi động cỗ máy. Theo ông, để đáp ứng những mục tiêu về năng lượng tái tạo và mở rộng nguồn năng lượng này, chính chủ phải dựa vào công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, đầu tư vào những công nghệ tiên tiến và hiện đại như Synlight là cần thiết đối với sản xuất năng lượng trong tương lai.
Hydro là nhiên liệu tiềm năng cho tương lai do khả năng đốt cháy mà không giải phóng carbon dioxide. Để sản xuất hydro, các nhà khoa học cần tìm cách tách nước thành hydro và oxy. Nhóm nghiên cứu hy vọng Mặt Trời nhân tạo sẽ giúp họ sản xuất nhiên liệu mặt trời ở quy mô thương mại.
Synlight ra đời sau gần hai năm chế tạo với chi phí khoảng 3,8 triệu USD. Cũng như nhiên liệu mặt trời, Mặt Trời nhân tạo có thể dùng cho cả nghiên cứu vũ trụ và công nghiệp.
Theo VNE