(Baonghean) - Nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa có chuyến thăm lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền tại Hy Lạp hồi đầu năm. Đây là dấu hiệu cho thấy nỗ lực cuối cùng của Berlin nhằm cho Hy Lạp một cơ hội. Còn với Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras dù rất “gượng gạo” nhưng cũng muốn hàn gắn lại quan hệ vốn đang căng thẳng với Đức và nhanh chóng tìm một giải pháp cứu Athens trước thời điểm cạn tiền vào đầu tháng 4 tới đây. Thế nhưng, dường như hai bên vẫn chưa thể có một tiếng nói chung trong vấn đề này...

Nhận lời đến Đức trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang gặp nhiều căng thẳng và bất đồng, quyết định của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã cho thấy quyết tâm xuống nước đến cùng của Athens trong cuộc giải cứu nền kinh tế đất nước. Có thể nói việc đến Đức lần này là “cực chẳng đã”, bởi gần đây, quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng với hàng loạt động thái vốn lại xuất phát từ phía Hy Lạp.
 
Nhìn lại phải kể đến nguồn cơn xuất phát là việc Chính phủ Hy Lạp tuyên bố chấm dứt các chương trình thắt lưng buộc bụng khắc khổ của Liên minh châu Âu; tiếp đó là những tuyên bố phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Hay mới đây, Hy Lạp đã cảnh báo thu giữ các tài sản của Đức tại Hy Lạp, coi đây là khoản tiền đền bù chiến tranh.
 
Không dừng lại ở đó, tạp chí Syriza vừa qua còn cho đăng tải hình biếm họa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble mặc đồng phục Đức Quốc xã, đây là một vấn đề lịch sử vốn được xem là nhạy cảm đối với Đức. Với những động thái này, dễ hiểu vì sao Thủ tướng Hy Lạp lại có phần “gượng gạo” khi đến Đức lần này. Nhất là khi đây sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để ông Tsipras có thể tìm thấy một thỏa thuận tích cực hơn với châu Âu.
 
images1144966_image001.jpgThủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 23/3. (Nguồn: Reuters)
 
 
Cũng dễ hiểu bởi theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU) mới đây nhất cho thấy, Hy Lạp sẽ cạn tiền vào ngày 8/4 tới nếu không nhận được các khoản tiền bổ sung từ các thể chế tiền tệ quốc tế. Trong khi đó theo các chuyên gia Ủy ban châu Âu - EC, Chính phủ Hy Lạp lúc này sẽ phải viện tới cả tiền mặt của các quỹ xã hội và doanh nghiệp nhà nước; một mặt sẽ phải thanh toán khoản tín dụng trị giá 467 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Như vậy có thể hiểu, một loạt áp lực này đang khiến Thủ tướng Tsipras tìm mọi cách để trước ngày 8/4 tới đây phải đàm phán thành công với các chủ nợ gồm EC, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF để có thể nhận khoản tín dụng trị giá 7,2 tỷ euro. Thực tế, ông Tsipras lúc này đang muốn 7 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ sẽ được giải ngân cho Hy Lạp ngay lập tức để tránh nguy cơ đổ vỡ và phá sản kinh tế trong những ngày tới, cũng như tránh khả năng Hy Lạp rời bỏ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhưng Brussels lại không tỏ ra dễ dàng khi muốn có thêm bằng chứng trong những cam kết cải cách của Hy Lạp rồi mới quyết định giải ngân. Vì vậy, mục tiêu chính của Thủ tướng Tsipras đến Berlin lần này là thuyết phục Đức có một bước đi nhanh hơn trong vấn đề này.
 
Thế nhưng, dù là nền kinh tế đứng đầu trong Liên minh châu Âu nhưng việc Đức xuống thang mời Thủ tướng Hy Lạp đến thăm không đồng nghĩa với việc sẽ thay đổi hay đi ngược lại chính sách mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng nhau đưa ra, đó là quyết tâm cứng rắn với Hy Lạp. Bên cạnh đó, Đức sẽ không chỉ vì một Hy Lạp mà tạo ra một sự thiên vị hay bất công bằng đối với các thành viên khác, như vậy chỉ tạo nên một sự bất bình không đáng có. Không chỉ vậy, Thủ tướng Đức cũng không thể bỏ qua ý kiến của người dân khi tỷ lệ người dân nước này muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone ngày càng tăng, hiện nay là 52%. Vì vậy sau các buổi hội đàm tại Berlin, Thủ tướng Tsipras đã vấp ngay phải sự cứng rắn của bà Merkel với tuyên bố rằng: “Kể cả khi Đức có 80 triệu dân và khi chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu, thì châu Âu vẫn có những nguyên tắc riêng...”.
 
Có lẽ sau khi nhận được thái độ này, Thủ tướng Hy Lạp đã nhanh chóng hiểu được thông điệp mà bà Merkel muốn chuyển đến Athens. Đó là, dù Đức có muốn hay không, thì Hy Lạp vẫn cứ phải tuân thủ những gì mà châu Âu đưa ra. Vì thế, chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng Hy Lạp có thể phần nào làm ấm mối quan hệ với Berlin nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ có một bước đi ngắn hơn với Athens trong việc giải cứu nền kinh tế quốc gia. Các bước đi cải cách thực sự mới có thể giúp Hy Lạp lúc này. Nhưng nếu như vậy, chặng đường tiếp theo của Thủ tướng Tsipras chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn bởi ông đã thất hứa quá nhiều với cử tri của mình.
 
Phương Hoa