(Baonghean) - Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo rằng đã sẵn sàng để Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone, nếu người dân Hy Lạp chọn một chính phủ chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng hiện tại. Tuyên bố này được đưa ra khi chỉ 3 tuần nữa, người dân Hy Lạp sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội sớm trước thời hạn vào ngày 25/1 để chọn ra người lãnh đạo mới. Những biến động trên chính trường Hy Lạp hiện nay không chỉ đẩy nước này ngày càng xa Eurozone mà còn cho thấy sự bất lực của khu vực đồng tiền chung và Liên minh châu Âu đang gặp rất nhiều vấn đề. 

Những biến động trên chính trường Hy Lạp xuất phát từ cuối tháng 12 vừa qua khi Quốc hội nước này đã phải giải tán ngay sau việc bác bỏ sự lựa chọn của Thủ tướng Antonis Samaras cho một vị tổng thống mới. Và trải qua tới 3 vòng bỏ phiếu, Quốc hội nước này vẫn chưa thể bầu ra được Tổng thống mới. Ngay sau những biến động này, cả Đức, Ủy ban châu Âu và các chủ nợ quốc tế đã kêu gọi Hy Lạp tiếp tục cải cách; trong khi Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cũng thông báo tạm ngừng hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, cho tới khi thành lập được chính phủ mới. Động thái này được coi như lời cảnh báo đối với đảng đối lập Syriza ở Hy Lạp - vốn đang chiếm ưu thế trong hầu hết các cuộc thăm dò mới nhất tại Hy Lạp cùng chính sách “chống thắt lưng buộc bụng”. Sau 4 năm quá mệt mỏi với những biện pháp khắc khổ, dường như người dân Hy Lạp đang muốn có một bước ngoặt có thể thay đổi cuộc sống. Đây chính là lý do họ ủng hộ cho đảng đối lập Syriza và khiến cho lãnh đạo Eurozone phải đau đầu.
images1113400_88.jpgThủ tướng Đức Angela Merkel.
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã phải cầu cứu sự trợ giúp của Liên minh châu Âu  và các chủ nợ quốc tế để có thể thoát ra khỏi cuộc nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong vòng 4 năm qua, dưới sự bảo trợ tài chính của Liên minh châu Âu, Hy Lạp đã thực hiện rất nhiều các biện pháp cải cách khắc nghiệt để đổi lấy 240 tỷ euro cứu trợ. Thế nhưng, theo các cuộc điều tra dư luận gần đây với kịch bản đảng đối lập Syriza lên nắm quyền thì tình huống sẽ hoàn toàn khác. Với khuynh hướng chống thắt lưng buộc bụng, lãnh đạo Syriza chắc chắn sẽ đòi đàm phán lại các điều khoản liên quan đến các gói cứu trợ; và không thể không tính đến việc đảng này đòi mở lại toàn bộ hồ sơ về nợ công của Hy Lạp và đòi ra khỏi khu vực đồng euro. Đoán trước được điều này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã buộc phải tuyên bố rằng, sẵn sàng để Hy Lạp ra khỏi Eurozone nếu người dân quyết định chọn Syriza.
 
Quyết định này được cho là một lựa chọn rất khó khăn của bà Merkel trong bối cảnh hiện nay. Bởi rõ ràng, nếu kiên quyết giữ Hy Lạp ở lại với một giới lãnh đạo “chống châu Âu” đang định hình rõ nét là đảng đối lập Syriza thì con đường phía trước sẽ vô cùng khó khăn. Bởi một Hy Lạp lúc đó sẽ cứng rắn hơn và đòi hỏi nhiều sự cứu trợ hơn và chắc chắn sẽ không chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”. Và như thế, EU sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để lo cho Hy Lạp nếu muốn giữ nước này ở lại eurozone. Nhưng điều này là khó khả thi với một EU vẫn đang chật vật hứng chịu hậu quả khủng hoảng nợ công. Tăng trưởng cả năm 2014 của khối chỉ khoảng 0,8% và nền kinh tế của các nước trong khối phục hồi quá chậm chạp. Trong khi đó, ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, đồng euro đã giảm giá thấp nhất so với đồng USD trong vòng 5 năm qua. Theo các nhà phân tích, năm 2015 dự kiến đồng euro sẽ còn tiếp tục xuống giá hơn nữa so với đồng USD. Và Đức cũng không muốn giữ được Hy Lạp nhưng lại ảnh hưởng quá nhiều tới các thành viên khác. Vì vậy, bà Merkel đã phải đánh đổi tất cả những điều này và tuyên bố sẵn sàng để Hy Lạp ra đi. Mặc dù với tuyên bố này, một Liên minh châu Âu sẽ bị nhìn nhận với một con mắt khác, bởi khối này đã không thể giữ cam kết cưu mang và giúp đỡ Hy Lạp - một mắt xích yếu của khối. 
 
Sự bất lực này còn cho thấy những khó khăn trong tiến trình mở rộng khối, thu nạp thêm các thành viên mới. Trong bối cảnh ngày 1/1 vừa qua, Lithuania đã chính thức trở thành thành viên thứ 19 của Eurozone thì việc Hy Lạp đang đứng trước ngưỡng cửa của khu vực này cũng sẽ để lại ấn tượng không tốt cho thành viên mới. Đặc biệt nguy hiểm là nếu đảng Syriza của Hy Lạp giành thắng lợi chắc chắn sẽ kéo theo một làn sóng domino chống khắc khổ tại các nước châu Âu khác, điển hình như Tây Ban Nha. Tại đây, đảng Podemos cũng với chủ trương chống các chính sách khắc khổ như Syriza hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Nếu các đảng phái này giành thắng lợi, người ta sẽ không thể loại trừ các cơn địa chấn mới trên chính trường châu Âu thời gian tới.
 
Trong khi đó, việc Hy Lạp xin ra khỏi Eurozone khiến uy tín và tiềm lực của EU suy giảm thì cũng đồng nghĩa cán cân cạnh tranh sức mạnh với Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga đứng đầu sẽ thay đổi đáng kể. Nếu như ngày 1/1 vừa rồi, Eurozone chính thức kết nạp Lithuania thành thành viên thứ 19 thì ngay ngày hôm sau, Nga đã kết nạp Armenia làm thành viên thứ 4, và tiếp đó dự kiến sẽ là Kyrgyzstan trong tháng này. Trong bối cảnh sự căng thẳng giữa Nga và châu Âu vẫn chưa dừng lại liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine thì các quốc gia ở giữa sẽ nhanh chóng phải cân nhắc đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho quốc gia mình.
 
Trở lại với sự bất lực của Thủ tướng Đức đối với Hy Lạp, chắc chắn Thủ tướng Merkel đang phải cân nhắc tính toán kỹ càng để đưa ra những giải pháp phù hợp, vừa cân đối được chính sách nội khối với các thành viên như Hy Lạp, vừa không ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín của khối. Còn với chính trường Hy Lạp, trong một diễn biến mới nhất, cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vừa tuyên bố thành lập một đảng phái chính trị mới để tham dự cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra vào 25/1. Đáng chú ý là giới phân tích đã không loại trừ khả năng đảng mới của cựu Thủ tướng Papandreou có thể chiến thắng đảng đối lập Syriza. Vì vậy vào lúc này, chưa thể đoán chắc được những gì sẽ diễn ra trên chính trường Hy Lạp cũng như những tác động tới Liên minh châu Âu thời gian tới. Và dư luận sẽ phải chờ đến kết quả cuối cùng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 25/1 tới đây.
 
Phương Hoa