(Baonghean) - Thủ tướng Anh Theresa May vừa có chuyến thăm Đức và gặp gỡ với người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel. Được đánh giá là cuộc gặp đầy khó khăn khi nước Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), song hai nữ Thủ tướng đã chứng tỏ họ có cách tiếp cận khá mềm dẻo trong vấn đề Brexit, làm nền tảng cho mối quan hệ bền chặt Anh - Đức dưới thời của hai “nữ tướng”.

Cuộc “chạm trán lịch sử”

Dù bà Theresa May không phải là nhân vật xa lạ trong giới chính trị gia cao cấp và cũng không phải lần đầu tiên bà gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau với tư cách là hai nữ nguyên thủ quốc gia.

images1628380_anh___duc_1___telegraph.jpgCuộc gặp gỡ lịch sử của hai “nữ tướng”. Ảnh: Telegraph

Dư luận lập tức lật giở lại thời điểm bà Angela Merkel thăm Anh lần đầu tiên với tư cách Thủ tướng Đức. Khi đó, bà được so sánh là “Margaret Thatcher của nước Đức”. Giờ đây, bà lại trở thành hình mẫu để được so sánh khi người ta lại gọi bà Theresa May là “Merkel của nước Anh”.

Dù ví von qua lại thế nào, song điểm chung nhất là cả hai đều được coi là những “người đàn bà thép”, vượt qua rất nhiều đấng mày râu để trở thành người đứng đầu của hai nền kinh tế lớn ở cả châu lục và trên thế giới. 

Trong đời tư, bà Angela Merkel và bà Theresa May cũng có nhiều điểm chung khi cùng là con mục sư, cùng không có con cái và đều là những người rất “kín tiếng”. Về tính cách, cả hai đều được đánh giá là thuộc tuýp người nhiều tham vọng, cần cù và có phong cách lãnh đạo không khoan nhượng - không như những gì người ta thường tưởng tượng về những “bóng hồng”.

Với cách tư duy thông thường rằng “cùng dấu sẽ đẩy nhau”, cuộc gặp gỡ giữa hai nữ Thủ tướng có tính cách mạnh mẽ được dự đoán sẽ rất khó khăn, nhất là khi vấn đề trọng tâm trong cuộc trao đổi sẽ là lộ trình đưa nước Anh ra khỏi EU.

Khi nước Anh không còn là một phần của EU, bà Angela Merkel và bà Theresa May sẽ đại diện cho hai đối tác ở về hai phía, và bên nào cũng muốn giành những lợi ích tốt nhất có thể sau cuộc chia tay này. Dù vậy, kết quả cuộc gặp giữa hai nữ Thủ tướng cho thấy họ kết hợp khá “ăn ý” chứ không hề “đẩy nhau” như những lời đồn đoán. 

Cùng nhượng bộ về Brexit

Dù câu hỏi nước Anh sẽ thực hiện tiến trình ra khỏi EU thế nào đang làm các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu, song hai Thủ tướng đã tìm được cách tiếp cận chấp nhận được với cả hai bên. Trong cuộc gặp với bà Angela Merkel, bà Theresa May đã nhắc lại quan điểm rằng sẽ không kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon trong năm nay.

Bà May cho rằng nước Anh cần thời gian để xác định rõ ràng các mục tiêu của mình và đảm bảo “Brexit hợp lý và trật tự”. Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra rất thấu hiểu những khó khăn mà bà Theresa May phải đối mặt khi vừa tiếp quản vị trí Thủ tướng, khi bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của bà May - bất chấp áp lực của lãnh đạo các nước châu Âu còn lại.

Bà Angela Merkel cho rằng, việc nước Anh cần “một chút thời gian” để làm rõ những điều mình muốn là đúng đắn và cần thiết, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ lắng nghe nước Anh, chúng tôi muốn biết họ thực sự muốn gì trước khi đưa ra quyết định của mình”. 

Cách ứng xử của bà Angela Merkel một lần nữa cho thấy bà là một trong những nhà lãnh đạo kiên nhẫn nhất trước sự ra đi của nước Anh. Trong khi lãnh đạo các thành viên còn lại trong EU luôn thúc giục Anh phải tiến hành thủ tục ra khỏi khối càng sớm càng tốt, bà Merkel chấp nhận cho nước Anh một khoảng thời gian trì hoãn.

Trong khi có những đồn đoán về việc EU muốn tiến hành “thụ tục ly hôn” với Anh một cách “đau đớn nhất có thể” để làm gương cho những nước muốn theo chân Anh, bà Merkel đã kêu gọi EU không nên có những biện pháp trả đũa Anh, thay vào đó nên tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, di cư và tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy, bà Theresa May cũng hiểu rằng bà Angela Merkel không hề thay đổi những quan điểm cốt lõi nhất trong vấn đề Anh rời khỏi EU, đó là sẽ không có cuộc đàm phán không chính thức nào giữa Anh và EU khi Điều 50 chưa được kích hoạt, và Anh không được quyền lựa chọn nghĩa vụ nào sẽ tuân theo và nghĩa vụ nào không.

Bà Merkel đã từng nói: “Bất kỳ quốc gia nào muốn rời khỏi gia đình này không thể kỳ vọng rũ bỏ hết nghĩa vụ và chỉ biết lợi ích riêng của mình”. Bởi vậy, một khi bà Merkel đã nhượng bộ thì bà May cũng cần có sự “đáp lễ” tương xứng trong những cuộc đàm phán với EU sắp tới. 

Chia sẻ niềm tin và giá trị chung

Từ trước tới nay, Anh và Đức luôn là hai đối tác thân thiết trong Liên minh châu Âu. Với tiềm lực kinh tế thuộc hàng đầu của châu Âu, Anh và Đức từng là hai quốc gia “đầu tàu” trong việc giải quyết các hàng loạt vấn đề của châu lục như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư, chống khủng bố…

Dù ra khỏi EU, Anh và Đức vẫn là hai đối tác thân thiết. Ảnh: UK Diplomatic

Trong cuộc gặp 20/7 tại Berlin, bà Angela Merkel và bà Theresa May bày tỏ tin tưởng tiếp tục duy trì mối quan hệ và bền chặt này, bất chấp việc Anh sẽ ra khỏi EU. Bà Merkel cho rằng Đức và Anh cùng có “niềm tin và những giá trị giống nhau”, trong khi bà Theresa May gọi Đức là “đối tác sống còn và người bạn đặc biệt”. 

Trong thời gian ông David Cameron là Thủ tướng nước Anh, những người thân thiết với ông Cameron và bà Merkel tiết lộ rằng giữa hai người vẫn có những đợt “sóng ngầm”.

Hai nhà lãnh đạo đã từng “cãi vã” về việc Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu, trong khi ông Cameron thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng cắt đứt quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu nếu đảng của ông không thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, thì bà Merkel cũng không khoan nhượng khi cáo buộc ông Cameron hành động như… “kẻ phá hoại”.

Không những vậy, hai ông bà còn nhiều lần “hục hặc” về những vấn đề như vai trò của Anh ở châu Âu, chuyện bà Merkel không ngăn cản việc ông Jean-Claude Juncker được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu - điều mà Anh luôn phản đối…

Dư luận hy vọng rằng, khi ngôi nhà số 10, phố Downing có chủ mới, sẽ không còn những đợt “sóng ngầm” giữa hai vị nguyên thủ. Dù gì, cùng là phụ nữ, cùng là những người mạnh mẽ và thẳng thắn, họ có thể tìm ra cách tiếp cận linh hoạt, hợp lý cho những vấn đề vẫn còn nhiều khác biệt, như cách họ đã làm được với Brexit, để Anh và Đức tiếp tục là những đối tác thân thiết không chỉ ở châu lục mà còn trong hàng loạt những khuôn khổ khác như NATO, G-20 và G-7. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN