(Baonghean) - Sinh năm 1992, Lê Thanh Phong hiện đang là sinh viên năm cuối của Học viện Âm nhạc Huế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Unesco Di sản Dân ca xứ Nghệ  tại Hà Nội. Phong “liều lĩnh” mang ví, giặm tới thủ đô và tới nhiều sân khấu, triển lãm, hội chợ nghệ thuật… tại nhiều địa phương. Sắp tới Lê Thanh Phong sẽ mang Dân ca xứ Nghệ vào với Tây Nguyên trong chương trình Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể tại Công viên Đồng Xanh, tỉnh Gia Lai.
Diễn xướng Dân ca ví, giặm tại Hồ Tây.
- Chào Lê Thanh Phong, thời gian qua, qua báo chí và truyền hình, rất nhiều người đã biết đến “chàng trai xứ Nghệ mê ví, giặm”. Em cho biết đôi chút về cái sự “mê ví, giặm” ấy của mình?
- Ông, bà nội em là người gốc Huế, những năm cách mạng, ông bà vượt đèo Ngang ra Bắc theo tiếng gọi của Đảng rồi sinh cơ lập nghiệp ven bờ sông Lam, nên từ bé em một lúc được nghe bà nội ru ca Huế với hò mái nhì, mái đẩy nặng tình xứ đàng Trong, còn bà ngoại và mẹ em là phụ nữ Thành Vinh gốc thì luôn vỗ về em bằng những câu ví, giặm ân tình. Một may mắn nữa, trong nhà em có 2 người bác và chú là nhạc sỹ tại Nhà hát Cải lương Bông Sen Trắng, và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc. Có lẽ vì vậy nên dân ca đã ngấm sâu trong mình một cách tự nhiên.
- Nếu không nhầm thì từ thời em còn đang theo học Đại học Văn hóa, em đã thành lập CLB hát Dân ca ví, giặm rồi?
- Xuất phát ban đầu cũng chỉ là để vơi bớt nỗi niềm nhớ bà, nhớ mẹ và quê hương, em đã rủ các bạn đồng hương tại Trường Đại học Văn hóa- nơi em đang theo học ngồi lại với nhau để tỉ tê đôi câu ví, giặm và dần hình thành một câu lạc bộ dân ca tự phát. Hết năm thứ nhất đại học, được sự  tư vấn của nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển Âm nhạc Nghệ thuật Việt Nam, em tiếp tục thi vào ngành Lý luận phê bình Âm nhạc dân tộc học khóa đầu tiên của Học viện Âm nhạc Huế đào tạo tại Hà Nội. Thật may mắn em giành điểm khá xuất sắc, và cùng một lúc được học dưới hai mái trường đại học về văn hóa, nghệ thuật. Nhờ vậy, em có nhiều cơ hội được giới thiệu và biểu diễn Dân ca ví, giặm. Chương trình đầu tiên em ra mắt khán giả thủ đô tại sân khấu Đồng Xuân “Hà Thành 36 phố phường” với làn điệu xẩm thương “Thập ân phụ mẫu”, đến nay mỗi khi nhớ lại em rất xúc động vì sự  đón nhận nồng nhiệt của khán giả và sự dìu dắt của nhạc sỹ Thao Giang và Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch.
Lê Thanh Phong trò chuyện cùng PV Báo Nghệ An.
- Em có thể kể về sự ra đời của Câu lạc bộ Unesco Di sản Dân ca xứ Nghệ và cách thức hoạt động?
- Sau một thời gian hoạt động tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, CLB Dân ca ví, giặm thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Lúc này, CLB cần có một tổ chức ổn định và đầy đủ pháp lý nên em đã gửi đề án ý tưởng đến Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam xin bảo trợ. Thật may mắn, đề án của em được duyệt và Liên hiệp cử Trung tâm Unessco hỗ trợ sức khỏe cộng đồng trực tiếp quản lý và tạo điều kiện sinh hoạt. Ngày 19/5/2014 CLB chính thức có tên gọi mới Câu lạc bộ Unesco Di sản Dân ca xứ Nghệ như hiện nay. 
Câu lạc bộ sinh hoạt với 2 tiêu chí là bảo tồn và quảng bá thông qua hoạt động trải nghiệm. “Bảo tồn” với cách thức ban chủ nhiệm sẽ về tại địa phương trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tìm đến các làng đang còn thực hành diễn xướng dân ca ví, giặm để sưu tầm và ghi chép tư liệu về Hà Nội dạy lại cho các hội viên. “Quảng bá” thông qua các buổi thực hành trải nghiệm đưa ví, giặm đã được học trở về với môi trường tự nhiên. Ví dụ như tại đình Xuân La bên bờ Hồ Tây, chúng em tổ chức diễn xướng lại một canh hát phường vải. Các bạn trẻ trong CLB sẽ hóa thân thành các o, các ả với váy đụp áo yếm, đầu vấn nhiễu, các chàng trai sẽ khắn đóng áo the tự cụ nghè, cụ đồ xưa. Nhờ vậy, các bạn ấy được tăng thêm tính kích thích tư duy sáng tạo và vận dụng điệu ví, giặm nguyên bản để ứng tác thêm chứ không dừng lại ở những câu ví có sẵn đã được học. Đây cũng là hoạt động trọng tâm vì chính sự trải nghiệm tạo đòn bẩy cho sự thu hút mọi đối tượng người dân đến xem, trước là tò mò sau là yêu thêm, say thêm câu ví. Và hiện nay thông qua các buổi trải nghiệm như vậy, CLB đón được nhiều đoàn du khách khi thăm quan du lịch tại Tây Hồ, Hà Nội đến xem và tìm hiểu về di sản văn hóa ví, giặm.
Lê Thanh Phong diễn xướng ví giặm tại đình Xuân La, Hà Nội
- Để duy trì hoạt động cho CLB, hẳn đã phải trải qua nhiều khó khăn?
- Khó khăn chung mà chắc không chỉ riêng của CLB nhỏ chúng em đâu mà các CLB trong địa bàn 2 tỉnh ở quê Nghệ cũng gặp phải, đó là tài chính. Thực sự may mắn là CLB được rất nhiều cơ quan truyền thông đăng tin quảng bá, song thực chất chúng em không hề có một khoản kinh phí tài trợ của một tổ chức nào cả. Nhưng sự “cho” và “nhận” đôi khi không chỉ là vật chất. Chúng em tự hào khi được sự quan tâm tạo điều kiện sân chơi của Ban lãnh đạo Liên hiệp Unesco Việt Nam mà cụ thể là Trung tâm Unesco Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng bảo trợ pháp lý và cho không gian sinh hoạt. Bên cạnh đó, CLB có sự tư vấn chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, đặc biệt có sự chỉ đạo từ xa của NSND Hồng Lựu và nhạc sỹ - NSƯT Đình Đắc tại Nghệ An như tiếp thêm sức mạnh cho chúng em hoạt động tốt. 
- Chứng kiến nhiều buổi biểu diễn của CLB rất thu hút công chúng, bản thân em nhận thấy công chúng đón nhận ví, giặm quê hương như thế nào? 
- CLB Unesco Di sản Dân ca xứ Nghệ hiện nay, ngoài công việc sinh hoạt, trải nghiệm thì từ trước Tết, chúng em đã thành lập được Đoàn nghệ thuật thực nghiệm Dân ca ví, giặm xứ Nghệ để kịp phục vụ cho các chương trình lễ hội mùa Xuân đầu năm. Các diễn viên trẻ được chọn lọc từ quá trình sinh hoạt trải nghiệm và được sự dìu dắt tập luyện bài bản, chuyên nghiệp của các biên đạo và các nhà chuyên môn về dàn dựng. 
Từ đầu năm đến nay, đoàn cũng đã phục vụ được hơn 20 buổi biểu diễn lớn, nhỏ. Em nhớ nhất là buổi biểu diễn đầu tiên vào hôm 15 tháng Giêng cho Hội đồng hương xã Hồng Long, Nam Đàn tại Hà Nội. Vì buổi đầu đang còn bỡ ngỡ nên khi hát và phải diễn xuất nữa nên diễn viên còn nhầm lời, nhưng tất cả bà con ngồi phía dưới lại vỗ tay theo và cùng cất tiếng hò bơi thuyền theo bài “Sắc nắng Nam Đàn”. Cả người diễn và khán giả lúc đó đã hòa làm một. Hay gần đây là buổi biểu diễn giao lưu của đoàn với các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam tại Hải Phòng. Khi hát lên làn điệu giặm Đức Sơn bài “Tâm tình gửi anh lính đảo” thì cả hội trường nín lặng trong niềm xúc động. Chứng tỏ rằng ví, giặm quê mình là một món ăn vừa lạ, vừa quen, để mỗi ai đã thương câu hát sẽ nhớ suốt đời là vậy.
Lê Thanh Phong trong buổi biểu diễn tình quê xứ Nghệ tại Hải Phòng
- Em đang chuẩn bị đem ví, giặm vào với Tây Nguyên?
- Đây là một tin rất vui và là một trọng trách của em và những người trẻ trong Câu lạc bộ Unesco Di sản Dân ca xứ Nghệ. Chúng em sẽ đưa Dân ca ví, giặm vào biểu diễn tại Thành phố Playku tỉnh Gia Lai trong những ngày tới đây. Chương trình với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật truyền thống cả nước như Quan họ - Bắc Ninh, Đoàn Cải lương tỉnh Long An và nhiều đoàn nữa. Tất cả các di sản văn hóa tinh thần sẽ góp thành một chương trình nghệ thuật lớn dâng lên Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể tại Công viên Đồng Xanh, tỉnh Gia Lai. Hiện tại thì Đoàn nghệ thuật thực nghiệm của CLB đã tập xong chương trình với tên gọi “ Âm vang ví, giặm trên cao nguyên vọng ngàn” do em biên kịch với nhiều làn điệu ví, giặm cổ  được nhạc sỹ An Hiếu, Khánh Ly phối khí, biên đạo Hoàng Trang dàn dựng.
- Em nghĩ thế nào về tương lai của ví, giặm nói chung, của CLB mình nói riêng?
- Theo em, đã là những gì thuộc về cổ truyền, có tầm ảnh hưởng về văn hóa thì sẽ có giá trị trường tồn và giữ được nó chính là yếu tố con người tiếp nhận và phát triển ra sao. Em xin mượn câu nói của nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam: “Không chỉ ví, giặm mà hát xoan, hát đúm, hát quan họ … cách đây trăm năm đều do những người trẻ hát. Rồi những chục năm trước đây đất nước trải qua chiến tranh, phải lo toan nhiều việc lớn để xây dựng đất nước, thì những người trẻ năm xưa đã trở thành các nghệ nhân lão làng. Vậy để dân ca tiếp tục trường tồn phải cần những người trẻ tiếp tục ca hát và diễn xướng”. Chính điều đó luôn là động lực giúp em và các bạn trong CLB cố gắng phấn đấu và trưởng thành để xứng đáng một người Việt Nam mới, xây dựng đất nước văn minh hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. 
- Cảm ơn Lê Thanh Phong về cuộc trò chuyện này!
T.V (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN