(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2015), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS,TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Khoa học Bộ Công an về ý nghĩa, bài học lịch sử của sự kiện quan trọng trên.
Phóng viên: Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó chỉ chưa đầy 5.000 đảng viên đã động viên hơn 20 triệu người Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng long trời lở đất giành độc lập cho dân tộc. Theo Thiếu tướng, cội nguồn sức mạnh nào đưa dân tộc Việt Nam đi đến thành công vĩ đại ấy?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều luận điểm khoa học bàn về cội nguồn sức mạnh dân tộc để đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám. Theo tôi có 2 vấn đề cần quan tâm. Đó là khát vọng độc lập cháy bỏng và lòng tin mãnh liệt của nhân dân vào đường lối giành độc lập mà Đảng ta đề ra. Hai cái này cộng hưởng và tạo thành sức mạnh vô địch. Khát vọng độc lập và lòng tin ấy của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo sức mạnh cố kết 25 triệu người thành một khối.
Năm 1858 thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, từ năm 1884 - với Hiệp ước Patơnốt, nhà Nguyễn dâng toàn bộ đất Việt cho Pháp, nước ta đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp hoàn toàn, Việt Nam mất tên trên bản đồ thế giới. Theo Hiệp ước Patơnốt, tất cả mọi quyền đối ngoại của nhà Nguyễn không còn nữa, thực dân Pháp thay mặt Việt Nam trong mọi giao dịch đối ngoại. Như vậy, tính đến năm 1945, Việt Nam có 81 năm bị Pháp đô hộ, 61 năm không có tên trên bản đồ thế giới. Trước mối nhục ấy, độc lập dân tộc là vấn đề sinh tử số một với người Việt Nam. Người Việt Nam không chịu được nhục mất nước và khát vọng độc lập trở thành động lực chủ yếu thôi thúc người Việt Nam vùng lên.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ những đòi hỏi tất yếu của lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân nên đã tạo dựng được lòng tin tuyệt đối với nhân dân. Lòng tin của người dân vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc dựa trên 2 thực tế: Từ 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Đảng ta mà cụ thể là các đảng viên đều xả thân vì độc lập dân tộc. Những người đảng viên giai đoạn 1930 - 1945 thực sự là những tấm gương chói ngời, họ sẵn sàng đem xương máu, sinh mệnh của bản thân, của vợ con, gia đình, tất cả đều vì sự nghiệp cách mạng, vì đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Do đó, người dân đặt hoàn toàn lòng tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Hình ảnh những đảng viên cộng sản khi bước lên đoạn đầu đài vẫn hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Hồ Chí Minh muôn năm”, đã phản ánh rằng từ 1930 - 1945 mọi đảng viên, nhất là những người có trọng trách, gắn bó máu thịt, đúng với nghĩa đen và nghĩa bóng, là chỉ một tinh thần nguyện hy sinh vì mưu cầu độc lập dân tộc, hạnh phúc cho người dân, chính vì thế người dân mới tin. Đảng gắn bó với dân, đảng viên sẵn sàng hy sinh vì dân, vì dân tộc. Lòng tin được đặt trong thực tế như vậy.
Bên cạnh đó, ách đô hộ tàn bạo, sự hà hiếp, áp bức, bóc lột tàn khốc của thực dân Pháp, cộng với chế độ phong kiến thối nát, mục ruỗng, khiến cho người dân sống cảnh lầm than nô lệ tủi nhục. Thực tế xã hội đó hun đúc lòng tin của người dân sẵn sàng hy sinh ở con đường giải phóng dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Khi người dân có lòng tin thì họ sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, lòng tin có vai trò như năng lượng, tạo ra sức mạnh như thác lũ, quét sạch mọi lực cản trên đường đi.
Từ đó, có thể thấy một trong những bài học quan trọng của Cách mạng Tháng Tám là xây dựng lòng tin với nhân dân.
Ngoài ra, về cội nguồn sức mạnh, có thể nói thêm là chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào Việt Nam là dân tộc duy nhất trong Bách Việt không bị đồng hóa bởi Trung Hoa sau 959 năm bị đô hộ, từ năm 179 trước Công nguyên đến năm 938. Trong thời gian ấy, Việt Nam là dân tộc duy nhất bị đô hộ nhưng không bị Hán hóa. Điều này cũng là cội nguồn sức mạnh, tạo nên tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, được bạn bè thế giới vị nể và tôn trọng.
Phóng viên: Thiếu tướng có thể khái quát những thành tựu vị thế, và cả những thách thức của cách mạng Việt Nam hiện nay?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là thời đại đầu tiên trong lịch sử đất nước Việt Nam thống nhất một dải, với diện tích đất liền là 335 nghìn cây số vuông, hải đảo và bầu trời vùng biển 1 triệu cây số vuông. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, trước đây chúng ta chỉ có đêm bây giờ có ngày, trước đây chúng ta có đất liền, bây giờ có biển và trời. Lần đầu tiên Việt Nam hình thành một quốc gia với đầy đủ sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, sức mạnh toàn dân. Việt Nam có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ; đủ sức mạnh để bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám.
Về ngoại giao, chính trị và an ninh, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Liên Hợp quốc, tham gia có trách nhiệm nhiều tổ chức chính trị, an ninh thế giới, thành viên nhiều định chế quốc tế. Việt Nam đã là Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên Hợp quốc, đã làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ luân phiên. Hiện nay, người của Việt Nam đang làm Tổng Thư ký ASEAN.
Sau 70 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta thực hiện phần lớn những mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức mạnh và vị thế Việt Nam đã có vai trò đặc biệt quan trọng, được cả thế giới tôn trọng, kính nể, chúng ta tham gia toàn cầu hóa, thúc đẩy vào tiến trình phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập đang đặt chúng ta đứng trước nhiều thách thức. Theo tôi có hai thách thức lớn nhất: về kinh tế và về chính trị. Từ tháng Giêng năm 1974, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ: nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ diễn biến hòa bình, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ tham nhũng. Từ năm 1986 đến nay, suốt 21 năm có 2 nguy cơ thường xuyên đe dọa, rình rập chúng ta, có vẻ càng ngày càng nghiêm trọng. Năng suất lao động thấp, tiềm lực tài chính kinh tế nhỏ, trình độ phát triển KH-CN thấp, năng lực quản lý kinh tế thấp...
Thách thức thứ hai là tình trạng tha hóa, tệ quan liêu, tham nhũng. Nghị quyết Đại hội XI Đảng Cộng sản ở trang 172-173 nêu: “Quan liêu tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện phức tạp chưa được đẩy lùi. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận đảng viên còn diễn biến phức tạp. Cùng với sự phân hóa giàu nghèo, sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin nhân dân với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự phát triển của đất nước”. Đảng ta đã nhìn nhận nghiêm túc, nhìn nhận đầy đủ thách thức về chính trị.
Thách thức thứ ba không thể bỏ qua, là nguy cơ phai nhạt và tàn lụi nền văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập. Hội nhập không chỉ được tiếp thu những tinh hoa, mà còn đối mặt với những rác rưởi, xấu xa, lối sống thực dụng, ích kỷ. Nguy cơ bạo lực xâm nhập vào xã hội, len lỏi vào giới trẻ, thờ ơ với dân tộc, bất chấp luật pháp quốc tế. Văn hóa là động lực, là nhân lõi của sức mạnh, nếu văn hóa bị xâm nhập, bị biến dạng méo mó thì đó là thách thức lớn.
Theo tôi, để khắc phục và vượt qua thách thức, chúng ta cần phải làm 3 việc: Một là mọi thành viên trong xã hội Việt Nam, bất kể là ai, đều phải thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp, chỉ trên cơ sở thượng tôn luật pháp dân tộc này mới tạo thành sức mạnh. Sẽ khó có sức mạnh nếu mọi người tùy tiện sống theo ích kỷ của mình. Hai là tại vị trí của mình trong xã hội, từ công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên... đều phải làm tốt bổn phận của mình với xã hội. Ba là đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là với cán bộ chủ chốt, phải thật sự gương mẫu để dân tin. Để củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân, phải có sự gương mẫu thực sự của lãnh đạo. Phải trở lại thực hiện đầy đủ nghị quyết của Đảng, mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền ban phát cho mình những đặc quyền đặc lợi”.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần hết sức cảnh giác để tránh bị các nước lớn “mặc cả buôn bán trên lưng nước ta”? Thiếu tướng suy nghĩ như thế nào về điều này?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lo lắng của dư luận là có lý. Nếu không cẩn thận, chúng ta dễ bị rơi vào cái bẫy của các nước lớn. Lịch sử vẫn luôn mách bảo chúng ta về điều này. Khi cuộc kháng chiến đến những bước cuối cùng, tháng 2/1972 lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã ký Thông cáo chung Thượng Hải. Vì Thông cáo chung Thượng Hải này, cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta còn kéo dài, đổ thêm xương máu cả hai miền. Tháng 11/1973 tại đảo Guam, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong vòng bảo vệ chiến lược của Hạm đội Thái Bình Dương, nhân cơ hội đó Trung Quốc mới chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Tiếp đó, Trung Quốc hợp tác với Hoa Kỳ bao vây cấm vận Việt Nam từ 1979 đến 1991, đẩy lùi lịch sử Việt Nam mất 15 - 20 năm nữa. Vì vậy, những lo lắng là hoàn toàn đúng.
Tôi cho rằng Việt Nam phải làm 3 việc: Phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời phải khai thác địa chính trị, địa chiến lược, không rơi vào bẫy nước lớn. Napoleon từng nói rằng vấn đề chính trị của một quốc gia nằm trong vị trí địa lý của nó. Thế kỷ XXI này trọng tâm kinh tế chính trị chuyển từ châu Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là cửa ngõ châu Á - Thái Bình Dương. Các cường quốc đều cần đến Việt Nam. Đây là giá trị tài sản vô hình không thể đo đếm được. Trong chính sách đối ngoại phải tỉnh táo, sáng suốt để tận dụng tối đa vị thế chính trị.
Chúng ta phải củng cố quan hệ chặt chẽ với ASEAN, hình thành cộng đồng với ASEAN vào cuối năm 2015. Đồng thời củng cố quan hệ với Trung Quốc, mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, cộng đồng quốc tế.
Việt Nam phải đặc biệt tận dụng hệ thống pháp luật quốc tế. Ta phải dựa vào pháp lý, củng cố cơ sở pháp lý để khẳng định và bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán Việt Nam trên Biển Đông.
Đó là 3 việc mà chúng ta phải làm để tránh việc các nước lớn đàm phán, mặc cả trên lưng chúng ta.
Phóng viên: Trong tình hình hiện nay, bài học đoàn kết, đồng thuận từ thành công của Cách mạng Tháng Tám để có Quốc khánh 2/9/1945 là vô cùng quan trọng. Theo Thiếu tướng chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục tạo ra sự đồng thuận, để có sức mạnh?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương:Có nhiều việc phải làm, trong đó theo tôi có hai việc quan trọng. Thứ nhất, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đường lối đối nội và đối ngoại đúng đắn, các chính sách phải phản ánh đúng nguyện vọng của đại đa số người dân, phải có tính khả thi, biến thành nguồn sức mạnh của toàn dân. Thứ hai là mọi cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải thực sự là công bộc của dân. Chừng nào dân tin, thì chừng đó ta có đầy đủ sức mạnh để đảm bảo độc lập chủ quyền thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: Sử ta dạy cho ta bài học này. Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.
Năm 1986, chúng ta ra khỏi khủng hoảng, bế tắc nhờ công cuộc Đổi mới, trước hết là đổi mới về tư duy. Đến nay, để tiếp tục phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, chúng ta cần tiếp tục đổi mới lần hai, và cuộc đổi mới này cần quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Muốn thành công, chúng ta luôn phải dựa vào nhân dân, lắng nghe nguyện vọng nhân dân để tháo gỡ những vấn đề lịch sử đặt ra...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện này!
Thực hiện: Chí Linh Sơn