(Baonghean) - Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Đặng Chánh Kỷ, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn khi các em học sinh đang giờ tan tiết. Chỉ có 10 phút nghỉ giải lao nhưng tất các học sinh đang tập trung trước sân trường để chứng kiến màn so tài môn kéo co giữa 2 lớp 9A và 9B. 20 em học sinh nam lực lưỡng của 2 lớp bước lên sàn đấu trong sự reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của gần 450 em học sinh. Không khí sân trường trở nên náo nhiệt, tiếng cười vui sảng khoái làm tiêu tan mọi căng thẳng trong tiết học trước để các em bước vào tiết học tiếp theo với tâm lý thoải mái, vui vẻ, nâng cao hiệu quả học tập.

Đưa trò chơi dân gian vào trường học: Những hiệu ứng tích cực ảnh 1

Chơi kéo co tại Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (xã Xuân Hòa - Nam Đàn) thu hút đông đảo học sinh tham gia.Thầy Phan Huy Tùng, Tổng phụ trách đội cho biết: Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, nhà trường đã đưa các trò chơi dân gian vào trường học như một hoạt động thường xuyên. Các trò chơi dễ tổ chức như kéo co, nhảy dây, đẩy gậy, nhảy bao bố, tiếp sức, bịt mắt bắt dê đã được các em đón nhận nồng nhiệt và tham gia sôi nổi. Cùng với việc nhà trường, gia đình, xã hội kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục học sinh nên trong nhiều năm qua, trường không có học sinh vi phạm pháp luật. Ngoài việc tranh thủ các giờ nghỉ giải lao để tổ chức trò chơi, nhà trường còn chủ động lồng ghép các trò chơi dân gian vào 15 phút đầu giờ, các hội thi như: Người đội viên trên quê hương Bác Hồ; Tự hào quê hương; Rung chuông vàng... Trước mỗi cuộc thi đều có người quản trò để tổ chức các trò chơi dân gian nhằm khơi dậy tinh thần hào hứng tham gia cho học sinh. Còn ở Trường THCS Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, kể từ năm 2008, các trò chơi dân gian được đưa vào trường học và phát triển mạnh. Học sinh rất hứng thú và hưởng ứng tích cực, mỗi tháng trường đều tổ chức một lần hoạt động ngoài giờ cho tất cả các lớp. Hoạt động này đã giúp học sinh gần gũi nhau, tăng tinh thần đoàn kết giữa các em và đặc biệt là tạo nên tinh thần hoạt động tập thể, phối hợp nhóm và tăng tính cộng đồng.

Quỳ Châu là một huyện miền núi được đánh giá rất cao trong công tác đưa trò chơi dân gian vào trường học, đặc biệt là các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền núi phía Tây Bắc Nghệ An. Ngoài các trò chơi thông thường, phòng GD&ĐT Quỳ Châu còn chỉ đạo các trường đưa vào một số trò chơi mang đậm đặc thù miền núi như nhảy sạp, ném còn, chơi ô ăn quan, đi cà kheo, mạc lè...

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, sau 3 năm thực hiện chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", đến thời điểm này, 20/20 huyện, thành, thị đã đưa các trò chơi vào trường học với 170 trò chơi dân gian quen thuộc. Trong thời gian tiếp theo, Sở sẽ chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện đưa thêm một số trò chơi vào trường học như bóng chuyền sáu, nhảy ngựa, dăng lưới bắt cá, đi cà kheo, cướp cờ... Tuy nhiên, công tác triển khai cũng còn gặp những khó khăn nhất định như chương trình học văn hóa còn nặng, các trường chưa sắp xếp được nhiều thời gian để tổ chức các trò chơi, nhiều đơn vị chưa thật mạnh dạn để tham gia các hoạt động... Trên thực tế, một số trò chơi dân gian như chèo thuyền trên cạn, ném còn... đòi hỏi các trường phải mua sắm dụng cụ phục vụ trò chơi, trong khi kinh phí là vấn đề nan giải đối với các nhà trường. Vì vậy, việc triển khai các trò chơi dân gian trong các trường học ở Nghệ An cũng chỉ dựa trên một số trò chơi đơn giản, không đòi hỏi vật dụng phức tạp, đắt tiền. Trước thực trạng một bộ phận học sinh đang sa vào và bị cuốn hút bởi các trò chơi trực tuyến thiếu lành mạnh, thời gian tới, ngành Giáo dục cần tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh công tác đưa trò chơi dân gian vào trường học nhằm giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có thể chất khỏe mạnh vàtâm hồn trong sáng, sống, học tập và lao động có ích cho xã hội.

Võ Văn Dũng