(Baonghean) - Dân tộc Thái có dân số đông thứ 2 ở tỉnh ta (sau người Kinh) và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu dân số ở một số huyện miền núi cao. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa về tiếng nói, chữ viết của người Thái vô cùng quan trọng. Vì nhiều lý do, cho đến nay dùng tiếng Thái vẫn được nhiều người biết và dùng hàng ngày, nhưng chữ viết thì không nhiều người biết và viết được.

Chính vì vậy, mấy năm lại đây, trên cơ sở chủ trương chung, tỉnh và một số huyện đã mở nhiều lớp học truyền dạy, phổ biến chữ Thái cho các cộng đồng thuộc dân tộc này ở các huyện Tương Dương, Quỳ Châu hay Quế Phong. Và vừa qua, lần đầu tiên, thi viết chữ Thái được đưa vào Lễ hội Môn Sơn – Lục Dạ với quy mô cấp huyện.

Các thí sinh dự thi viết chữ Thái tại Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ.
Các thí sinh dự thi viết chữ Thái tại Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ.

Thi viết chữ Thái là hoạt động khá đặc sắc của lễ hội và thu hút được nhiều người dân quan tâm nhất. Ông Vi Khăm Mun, ở xã Yên Hòa (Tương Dương) là thầy giáo được huyện Con Cuông mời về dạy tiếng Thái trên địa bàn xã Môn Sơn, cho biết: Theo kế hoạch trước đó, lớp học này chỉ khoảng 30 đến 35 học viên, nhưng có đến 83 người đăng ký, trong đó người lớn tuổi nhất là 70 tuổi và nhỏ nhất là 11 tuổi. Do lớp học được tổ chức vào ban đêm tại Trung tâm giáo dục cộng đồng xã, nên thuận lợi cho học viên. Mặc dù vậy, huyện cũng đề ra quy định, ai vắng học trên 3 buổi thì không được cấp chứng chỉ nên việc học khá nghiêm túc và chất lượng. Mục đích của lớp học này là chuẩn bị cho dự thi viết chữ Thái tại Lễ hội  Môn Sơn – Lục Dạ 2014 nên ai nấy đều quyết tâm. Ngoài thầy giáo được huyện mời từ trước, Ban tổ chức đã mời thêm giáo viên, đồng thời là học sinh học tiếng Thái xuất sắc của khóa trước tham gia Ban Giám khảo. 

Kết thúc cuộc thi, trong số 20 thí sinh dự thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 10 thí sinh, trong đó 2 thí sinh đạt giải Nhất cho 2 bộ tiếng là Thái (Thái Lai Pao và Thái Lai Tay), 2 người đạt giải Nhì và 6 giải Ba. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, mặc dù thời gian học không nhiều nhưng qua gần 3 tuần học (khai giảng ngày 27/3), nhiều thí sinh đã làm chủ được mặt chữ và viết rất đẹp; tại kỳ thi vừa qua, các thi sinh, nhất là thí sinh nhỏ tuổi đã có bài thi xuất sắc, viết chữ đẹp, điểm khá cao từ 18,5-19,5/ thang điểm 20.

Em Lương Thị Kim Duyên, học sinh lớp 11, Trường THPT Mường Quạ, người đạt giải Nhất tiếng Thái Lai Pao cho hay: “Biết nói tiếng Thái từ hồi còn nhỏ, nhưng đến giờ em mới được học và viết chữ của dân tộc mình. Qua học chữ Thái, em nhận thấy dân tộc mình có nhiều nét văn hóa rất độc đáo và nhiều ý nghĩa thiết thực kể cả trong cuộc sống hôm nay. Em mong muốn có nhiều lớp học nữa, để nhiều bạn bè cùng trang lứa ở địa phương được học, viết chữ của dân tộc mình”.Còn em Hà Thanh Duy, ở bản Thái Sơn 2, xã Môn Sơn, thí sinh đạt giải Ba và là học viên nhỏ tuổi nhất lớp thì cho biết: “Khi nghe tin có lớp học, em về báo thì được bố mẹ động viên đi học. Ban đầu cũng ngại nhưng sau thấy ham vì lớp học rất vui, các bạn hăng hái học tập và thầy giáo thì dạy rất dễ hiểu. Qua cuộc thi em đã biết thêm về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình”. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, người Thái hiện chiếm khoảng 70% dân số Con Cuông, nhưng tỷ lệ biết và viết chữ Thái thì tỷ lệ còn rất khiêm tốn. Tính đến thời điểm này, ngoại trừ một vài giáo viên, nghệ nhân dạy tiếng Thái thì Con Cuông mới có 3 lớp học tiếng Thái cho lãnh đạo huyện, cán bộ biên phòng và giáo viên, học sinh (khoảng 150 người biết chữ Thái) nên nhu cầu học của người dân là rất lớn. Theo đồng chí Vi Văn Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Con Cuông, thì việc đưa chữ Thái vào thi tại lễ hội hàng năm của huyện không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh chữ viết của người Thái mà qua đó để đào sâu, sưu tập, khơi dậy được những giá trị tinh hoa văn hóa Thái đang bị mờ lấp, nằm đâu đó trong nhân dân. Việc giữ gìn và bảo tồn chữ Thái nói riêng và các ngôn ngữ khác nói chung trước nguy cơ mai một là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta và có ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua bảo tồn chữ viết, từng dân tộc không chỉ giữ gìn bản sắc của mình mà còn góp phần mở mang kiến thức, nâng cao dân trí cho dân tộc đó. Đổi lại, khi người dân hiểu được tiếng nói và làm chủ được chữ viết sẽ không ngừng tìm tòi, trên cơ sở kế thừa, gạn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống có thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa góp phần làm nên nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.  

Thực tế ở Con Cuông, việc đưa nội dung thi viết chữ Thái vào lễ hội, huyện đã có chủ trương, kế hoạch từ khá lâu, nhưng đến  năm 2014 khi có đủ điều kiện mới đưa vào được. Theo đó, mỗi năm huyện Con Cuông sẽ xem xét để đưa thêm các môn thi đấu hoặc sinh hoạt văn hóa truyền thống vào lễ hội. Việc đưa nội dung thi chữ Thái vào lễ hội là phù hợp với nhu cầu của đồng bào Thái ở Con Cuông, không chỉ thu hút đồng bào đến cổ vũ mà chính họ trực tiếp tham gia tạo cho lễ hội thêm sức sống và qua đó được duy trì, phát triển bền vững. 

Nguyễn Hải