Chuyển động từ cơ sở
Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã Châu Kim (huyện Quế Phong) nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã nhanh chóng khởi động “guồng quay” đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua các chương trình, hành động sát thực tiễn. Ví như để thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 đưa xã nhà đạt chuẩn NTM”, xã Châu Kim đã tổ chức phát động các đợt thi đua cao điểm tuyên truyền, vận động người dân triển khai xây dựng đường GTNT, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, bản làng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong năm 2020 đã tổ chức tuyên truyền, vận động 89 hộ dân tự nguyện hiến trên 5.300m2 đất ở giá trị 129,2 triệu đồng để mở rộng hành lang, chỉnh trang đường giao thông nông thôn, hiến trên 14.000m2 đất trồng lúa trị giá trên 150 triệu đồng, mở rộng nền đường nội đồng lên 5m đạt chuẩn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức của người dân các thôn, bản trong xây dựng NTM ngày càng nâng lên.
Tại bản Đô, thực hiện nghị quyết xây dựng bản nông thôn mới, cùng với chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân trong bản đã đóng góp kinh phí và ngày công để làm 2.700 km đường nội và liên bản. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi. Hiện cả bản có hơn 100 con trâu, 60 con bò, 44 ha lúa, 8 ha cây sở đã cho thu hoạch…
Ông Lương Tiến Duy - Bí thư Chi bộ bản Đô cho hay: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con dần hiểu Nghị quyết của Đảng không phải là cái gì đó chung chung mà rất cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên đồng thuận thực hiện. Nhờ vậy, bản Đô đã đạt 13/15 tiêu chí nông thôn mới; xóa được 8 hộ nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29 hộ xuống còn 14 hộ”.
Theo ông Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim: BCH Đảng bộ xã đã xác định một số giải pháp trọng tâm, khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước để làng nước theo sau. Ví như thực hiện đề án quản lý, bảo vệ, mở rộng chè hoa vàng, đến nay đã có 5 hộ tham gia với 7 ha, trong đó gia đình đảng viên đi đầu trồng 3 ha. Hay trong kế hoạch cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi hàng hóa, Đảng ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể luôn quan tâm triển khai kịp thời và đồng bộ.
Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 20 hộ phát triển theo hướng trang trại, gia trại nông, lâm kết hợp, giá trị thu nhập mỗi năm đạt từ 150 – 250 triệu đồng/năm/gia trại; có 16 hộ của 2 bản Cọ Muồng và Hữu Văn tham gia mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, hứa hẹn tạo nguồn thu nhập đáng kể. Đảng ủy xã Châu Kim cũng tích cực chỉ đạo nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác gắn với sản xuất hàng hóa, chủ yếu là trồng lúa với tổng diện tích 212 ha năng suất 57 tạ/ha. Bên cạnh đó chủ động rà soát các diện tích lúa nước trên các cánh đồng không có khả năng sản xuất 2 vụ/năm để có phương án chuyển đổi sang cây trồng khác.
Còn tại xã biên giới Hạnh Dịch, sau đại hội, Đảng bộ, chính quyền xã đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 -2025. Nổi bật là đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu; kế hoạch thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi trở thành hàng hóa.
Ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho hay: Xã đã tổ chức rà soát, quy hoạch thành các vùng trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu - coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hiện nay, cây chè hoa vàng tập trung nhiều ở các bản Vinh Tiến, Quang Vinh, Chiếng với diện tích khoảng 14,3 ha, dự kiến trồng mới tập trung thêm 10 ha. Các loại cây bon bon, lá dong, mú từn, sa nhân, nhân trần, chè dây, thiên niên kiện, các loại cây thuốc nam được phân bố tự nhiên và tập trung nhiều ở các bản từ Hạnh Tiến đến bản Long Thắng. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thí điểm, huyện và xã còn có chính sách hỗ trợ phân bón, giống cho người dân khi chuyển đổi đất nông nghiệp, đất vườn đồi sang trồng cây dược liệu; thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp cho công tác bảo tồn cây dược liệu.
Về chăn nuôi, UBND xã tổ chức quy hoạch và phân vùng chăn nuôi phù hợp từng địa bàn. Ngoài trâu, bò hàng hóa còn tập trung chăn nuôi gà sạch, dê, bảo tồn giống gà đen, lợn đen bản địa. Hiện toàn xã có 1.574 con trâu, đàn bò 883 con; đàn lợn 1.512 con, gia cầm 36.700 con.
Đặc biệt, do công tác phòng dịch tốt, 2 năm liền trên địa bàn xã Hạnh Dịch không xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Ngoài các đề án phát triển KT-XH, Đảng bộ xã Hạnh Dịch tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển làng Thái cổ bản Long Thắng gắn với du lịch sinh thái thác 7 tầng. Trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa như dệt thổ cẩm, trang phục, ẩm thực, các làn điệu dân ca Thái, nhà sàn cổ lợp sa mu, bảo tồn nguồn thủy sản...
“Xác định việc thực hiện nghị quyết đại hội là một lộ trình dài, ngay sau đại hội, Đảng bộ xã Hạnh Dịch đã xây dựng lộ trình kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn, tránh tình trạng “đổ dồn” vào những năm cuối nhiệm kỳ. Không khí thi đua xây dựng quê hương diễn ra sôi nổi từ xã đến thôn, bản với quyết tâm cao, thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra”, ông Hà Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch cho biết.
Chọn điểm nhấn để hành động
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quế Phong lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, góp phần biến những quan điểm, mục tiêu của Đảng bộ huyện thành hiện thực. Ngay sau đại hội thành công, việc quán triệt, học tập Nghị quyết được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, BCH Đảng bộ huyện khóa mới đã nhanh chóng xây dựng chương trình, hành động cụ thể, chọn điểm nhấn phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa bàn để từng bước hiện thực hóa mục tiêu tổng quát: Quyết tâm đưa Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An. Trong đó, có Đề án phát triển các sản phẩm OCOP gắn quy hoạch vùng; Đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu; Đề án phát triển một số cây, con chủ lực; Chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc và thủy sản theo hướng hàng hóa; xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết đào tạo nghề; Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc huyện Quế Phong; Phát triển đô thị, thị tứ trên địa bàn huyện Quế Phong, tầm nhìn năm 2035… Trên cơ sở đó, các tổ chức cơ sở đảng, các địa phương nắm rõ và vận dụng sáng tạo, nỗ lực đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhà đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong năm 2020 vẫn còn 07 chỉ tiêu đề ra chưa đạt. Sản xuất hàng hóa chưa phát triển, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, để từng bước khắc phục hạn chế và hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đặc biệt là 4 mũi đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành, trên cơ sở lấy KHKT làm động lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển các ngành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị, hình thành các thương hiệu sản phẩm đặc trưng huyện Quế Phong. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư công; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng; phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch…
Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Thi - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong: “Quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân”, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra”.