TRƯỚC GIỜ G
Trước đây, hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển là nghề truyền thống, ngư dân chỉ đơn giản mua sắm tàu thuyền ra đánh bắt hải sản về bán mà rất ít bị ràng buộc về thủ tục giấy phép ra vào cảng.
Tuy nhiên, do hoạt động đánh bắt quy mô ngày càng lớn, phương tiện đánh bắt hiện đại hơn và để đảm bảo cho hoạt động khai thác bền vững, từ năm 2003 Luật Thủy sản đã quy định buộc ngư dân phải ghi nhật ký đánh bắt.
Ngư dân Quỳnh Lưu được mùa cá trỏng. Ảnh: Việt Hùng Thế nhưng, khi ngành Thủy sản hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế và hải sản Việt Nam bị châu Âu đưa ra cảnh báo Thẻ vàng thì Luật Thủy sản năm 2017 mới quy định chặt chẽ hơn, tàu thuyền không đủ giấy phép thì không được xuất bến, sai phạm sẽ xử phạt nặng…
Bên cạnh đó, thực hiện Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc bộ, tàu thuyền đầy đủ thủ tục mới được sang vùng biển đánh cá chung của nhau. Vì vậy, Luật Thủy sản quy định thêm tàu thuyền nước ta khi đánh bắt hải sản xa bờ phải có giấy phép, chứng nhận kiểm định, chứng chỉ cho thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy tùy theo kích thước của tàu. Mỗi lần ra vào cảng, tàu phải trình nhật ký khai thác cập nhật theo từng chuyến biển; thuyền viên đánh bắt phải trong độ tuổi lao động từ 18 đến 60…
Đoàn tàu cá công suất lớn của Nghệ An vươn khơi đánh bắt hải ở những ngư trường lớn. Ảnh: Cảnh Yên Để thực hiện quy định này, ngành Thủy sản có gần 2 năm để tuyên truyền và hoàn tất thủ tục giấy tờ tàu thuyền cho ngư dân. Ở Nghệ An, tỉnh lập các tổ công tác để tuyên truyền, vận động bà con ngư dân, đồng thời tổ chức tập huấn để cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, kiểm định và cấp chứng nhận kiểm định cho tàu thuyền...
Triển khai quy định trên, thời gian đầu anh em cũng chịu áp lực và bà con ngư dân cũng chưa quen, nhưng nhờ tuyên truyền hỗ trợ nên bà con chấp hành tốt, tàu thuyền ra vào bến đều làm thủ tục đầy đủ. Với 521 tàu trong vùng, ngày nhiều nhất tổ làm thủ tục cho 50 - 60 lượt tàu thuyền ra vào, bà con không phải chờ đợi quá lâu.
Anh Cao Văn Nhuần - thành viên Tổ liên ngành tại Lạch Quèn
Việc đưa hoạt động khai thác đánh bắt hải sản vào khuôn khổ là nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời mở đường cho thủy sản nước ta đến được với thị trường lớn hơn. Tuy vậy, do hạ tầng kỹ thuật nghề cá của Nghệ An còn yếu và ý thức của người dân chưa đồng bộ nên thực tế triển khai cũng gặp không ít khó khăn, bất cập.
Ngư dân huyện Quỳnh Lưu đánh bắt hải sản trên Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Nguyên Khoa NHIỀU BẤT CẬP
Bất cập đầu tiên là quy định về độ tuổi tham gia hoạt động khai thác. Theo Luật Thủy sản và các Thông tư hướng dẫn, thuyền viên tham gia đánh bắt phải trong độ tuổi lao động, tức là từ 18 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, thực tế tại các xã vùng biển Quỳnh Lưu hay TX. Hoàng Mai, người trên 60 tuổi tham gia đánh bắt không phải là ít.
Tiếp đó là quy định về công suất tàu đánh bắt, chỉ tàu thuyền có công suất dưới 600 CV mới được vào vùng đánh cá chung của 2 bên để khai thác.
Đông Minh là một làng chài nhỏ thuộc xã Quỳnh Lập với số lượng ngư dân khiêm tốn, chủ yếu chỉ đánh bắt gần bờ, phụ thuộc vào thời tiết mà ra biển lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Ảnh: Duy Sơn Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho biết: Đánh bắt ở vùng biển cách bờ dưới 60 hải lý hiện nay không có cá nên phần lớn tàu phải đánh cách bờ từ 100 - 150 hải lý. Thời điểm ký Hiệp định nghề cá năm 2005, số lượng tàu trên 600 CV của ta chưa có nhưng nay số tàu trên 600 CV khá nhiều (riêng Quỳnh Lập đã có 70 chiếc trên 700 CV) nên rất bất cập.
Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc bộ đến 15/6/2019 sẽ hết hạn nên trong quá trình đàm phán ký lại, ngành chức năng nên sửa quy định để tàu trên 600 CV được vào vùng đánh cá chung.
Mặt khác, Luật Thủy sản cũng quy định tàu thuyền phải có nhật ký khai thác ghi cụ thể vùng biển đánh bắt, đồng nghĩa phải có thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, tàu trên 24m từ 1/7/2019 phải lắp thiết bị giám sát; tàu từ dưới 15m đến 24m từ 1/1/2020 và các tàu còn lại từ 1/4/2020 phải lắp thiết bị hành trình.
Tàu thuyền về cập bến về làm thủ tục tại bờ Bắc cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải Thực hiện quy định trên, thời gian qua tỉnh đã tiếp cận cấp khoảng 200 bộ thiết bị giám sát cho bà con nhưng bà con ngư dân ngại sử dụng nên chỉ một thời gian là hỏng. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có khoảng 20% trong tổng số 234 tàu có chiều dài trên 24m của tỉnh ta là có thiết bị giám sát hành trình.
Để lắp thiết bị giám sát hành trình, ngư dân phải đầu tư từ 20 đến 50 triệu đồng/bộ thiết bị và hàng tháng phải đóng tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng duy trì dịch vụ nên ngư dân không mặn mà. Đây là lý do ngư dân Sơn Hải được tặng 16 bộ thiết bị giám sát hành trình nhưng hễ ra khơi thì tắt nguồn.
Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Long
Bất cập cuối cùng và cũng là lớn nhất là về hạ tầng các cảng cá. Trong khi phương tiện đánh bắt đầu tư ngày càng lớn nhưng luồng lạch khá bất cập. Tại Lạch Vạn, Lạch Cờn hay Lạch Thơi tàu thuyền ngư dân phải tranh thủ từng con nước thủy triều vào - ra nếu không sẽ chậm chuyến cả chuyến biển. Khó khăn, khúc mắc phát sinh khi cùng một lúc, nhiều tàu ra vào cảng thì tổ liên ngành làm việc khá vất vả.
Có một số thời điểm tại Lạch Quèn, do thủ tục vào hoặc xuất bến phải chờ quá lâu nên ngư dân không hài lòng với cán bộ là khó tránh khỏi.
Ngư dân làm thủ tục xuất bến tại Cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải Đối với các cảng có tổ liên ngành trực xử lý đã thế nhưng tại Lạch Cờn hay Lạch Thơi, do không có nhân lực trực nên việc tiếp nhận xử lý hồ sơ ra, vào bến được giao cho hội nghề cá.
Thế nhưng, theo ông Lê Văn Kỷ - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), do hội nghề cá hoạt động kiêm nhiệm nên ngư dân có nhu cầu xuất bến hàng ngày thì đến gửi hồ sơ tại trụ sở xã, cuối ngày hội mang ra nhờ trạm biên phòng xử lý trong vòng 24h. Mặc dù được tạo điều kiện tối đa nhưng vẫn không tránh khỏi khúc mắc. Tình hình tại phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) cũng tương tự khi hàng ngày hàng chục lượt hồ sơ ra vào cảng phải gửi hồ sơ qua hội nghề cá xử lý.
Theo quy định, các tàu thuyền trên 24m sau ngày 1/7/2019 sang vùng đánh cá chung hoặc không đầy đủ thủ tục sẽ bị xử phạt khá nặng, mức thấp nhất là tàu hết hạn giấy phép sẽ bị phạt từ 300 đến 500 triệu đồng; các hành vi khác, tùy theo mức vi phạm mà bị phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng nên bà con ngư dân sẽ rất khó khăn.
Hiện tại, do hạ tầng cảng chưa có nên Lạch Thơi và Lạch Cờn, tàu thuyền ra vào bến đều do hội nghề cá xã phối hợp với đồn biên phòng xử lý thủ tục. Dù biết khó khăn nhưng do nhân lực không đủ nên tạm thời phải chấp nhận. Cũng theo ông Trần Như Long, để giúp bà con tránh nguy cơ bị xử phạt, thời gian tới, cùng với tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, bà con ngư dân phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định.
Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các địa phương thông tin để tàu trên 24m của tỉnh về cập bến tại cảng cố định trước 1/7/2019 để nhà cung cấp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Về lâu dài, Chi cục Thủy sản sẽ kiến nghị UBND tỉnh phương án bố trí lực lượng làm thủ tục ra vào cảng cho tàu thuyền tại các cảng còn lại để bà con ra khơi đánh bắt một cách an toàn, thuận lợi nhất.