(Baonghean) - Dưa hấu là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân Nghĩa Đàn thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên hiện nay, người trồng dưa hấu ở Nghĩa Đàn đang phải đối diện với không ít khó khăn bởi diễn biến ngày càng phức tạp của sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh nứt dây xì mủ đỏ và bệnh héo xanh…

Về Nghĩa Đàn vào những ngày cuối tháng 4, khắp nơi trên các sườn núi, ruộng nương bát ngát một màu xanh ngút ngát của  dưa hấu.  Là loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao, vì vậy nhiều hộ nông dân đã tập trung đầu tư trồng dưa hấu. Trung bình 1 ha sẽ đầu tư khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, nếu dưa được mùa, được giá, sau hơn 3 tháng trồng trừ chi phí, có thể thu về hơn 80 triệu đồng. Hiệu quả trông thấy, nhưng dưa hấu cũng là một trong những loại cây trồng khó tính, mẫn cảm với thời tiết, thuốc BVTV, nên trong vài năm trở lại đây, do diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều yếu tố chủ quan, khách quan đã dẫn đến tình hình sâu bệnh gây hại trên cây dưa hấu ngày càng gia tăng. Một trong những bệnh đang làm điêu đứng người trồng dưa hấu trên đất Nghĩa Đàn, đó là bệnh nứt dây xì mủ đỏ và bệnh héo xanh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quảng là một trong những hộ trồng dưa lâu năm ở Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, năm nay gia đình ông trồng gần 1 ha, mặc dù có kinh nghiệm trồng, nhưng vẫn phải đối mặt với bệnh nứt dây xì mủ trên cây dưa. Hiện tượng của bệnh nứt dây xì mủ đỏ đó là trên phần mô cây xung quanh vết bệnh bị thối, bó mạch dẫn phía trong chuyển sang màu nâu đỏ, mất khả năng vận chuyển nước và dinh dưỡng nên cây dưa chết trong trạng thái héo xanh. Nhìn ruộng dưa của gia đình, ông Quảng xót xa: “Năm nay thời tiết bất lợi quá, lạnh và mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây dưa, gia đình đã phải trồng lại đợt 2, mất bao nhiêu công chăm sóc, đến giờ cây dưa lại bị nứt dây xì mủ đỏ, nhìn ruộng dưa cứ héo dần rồi chết mà đau lòng quá. Vụ này chẳng mong có lời, may ra vớt vát được chút ít tiền vốn bỏ ra thôi”.

Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra sâu bệnh hại dưa hấu ở Nghĩa Đàn.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra sâu bệnh hại dưa hấu ở Nghĩa Đàn.

Hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa Hồng, bệnh nứt dây chảy nhựa đã xuất hiện trên hầu hết diện tích canh tác, tỷ lệ bệnh từ 10 - 15%, nơi cao 20 - 50%. Đây là loại bệnh xuất hiện đã 3 năm, nhưng năm nay, mật độ gây hại của bệnh tương đối cao. Ông Phạm Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: Trước tình hình sâu bệnh hại dưa, xã đã có thông báo chỉ đạo xuống tận các xóm tuyên truyền cho người dân phát hiện kịp thời sâu bệnh gây hại để xử lý kịp thời, tuy nhiên bệnh nứt dây xì mủ khi đã phát hiện được bằng mắt thường thì bệnh đã rất nặng và gần như không khắc phục được. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với Trạm BVTV huyện cũng như chỉ đạo Ban Khuyến nông, Ban Nông nghiệp theo dõi sát sao tình hình bệnh hại, có hướng dẫn cụ thể cho người dân để phòng trừ những ruộng dưa chưa bị bệnh, và xử lý kịp thời ruộng dưa bị bệnh, tránh lây lan sang ruộng dưa khác”.

Ngoài bệnh nứt dây xì mủ đỏ, nông dân trồng dưa hấu Nghĩa Đàn còn phải đối mặt với bệnh héo xanh do nấm Fusarium, nấm xâm nhập phá hại gốc cây làm gốc và rễ bị thối đen. Dây dưa bị héo chết, ngọn thường có hiện tượng rũ vào buổi trưa và tươi lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Cây héo từng phần xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả cây, làm cây chết. Nhiều nông dân khi ruộng dưa bị bệnh đã mất rất nhiều chi phí phun thuốc nhưng cũng không mang lại hiệu quả, chỉ còn cách nhổ bỏ đi. Gia đình anh Phạm Văn Sự, xóm 4 xã Nghĩa Minh năm nay trồng 1 ha dưa hấu, gia đình anh đã đầu tư hơn 40 triệu đồng vào trồng dưa, nhưng đến thời điểm này hơn một nửa diện tích dưa hấu của gia đình đã bị nhiễm bệnh héo xanh. Anh Sự cho biết: “Mấy năm làm dưa nhưng chưa năm nào gia đình lại gặp sâu bệnh nhiều như năm nay, hy vọng vụ dưa năm nay sẽ cho quả bội thu, thế mà giờ bị bệnh thế này, gia đình xác định vụ dưa năm nay coi như mất trắng…”.

Toàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 700 ha dưa hấu, tuy nhiên theo kiểm tra, khảo sát của Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn, bệnh nứt dây xì mủ đã xuất hiện và gây hại trên 55 ha, bệnh héo xanh do nấm Fusarium gây hại trên 20 ha. Bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do điều kiện thời tiết năm nay mưa phùn kéo dài, nhiệt độ thấp thuận lợi cho sâu, bệnh hại có điều kiện phát sinh, phát triển, mặt khác, do bà con nông dân vẫn chưa tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật trong khâu làm đất, xử lý đất, nấm bệnh có trong đất, lạm dụng quá nhiều chất kích thích sinh trưởng, phun không đúng thời điểm làm cho cây dưa bị ngộ độc thuốc. Ngoài ra, do địa hình ở Nghĩa Đàn chủ yếu là đồi núi, bà con nông dân tưới nước cho cây dưa không đúng cách, không thu gom cây bị bệnh ra khỏi ruộng dưa, làm cho bệnh hại có cơ hội lây lan nhanh ở trong nước, dẫn đến tình trạng, mặc dù trồng dưa trên đất mới, cây vẫn xuất hiện bệnh nứt dây xì mủ và héo xanh do nấm Fusarium.

Theo ông Nguyễn Viết Trung - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn khuyến cáo: “Bệnh nứt dây xì mủ và héo xanh do nấm Fusarium là một trong những bệnh hại ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của dưa hấu, vì thế bà con nông dân cần tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống đến phun thuốc phòng trừ. Đặc biệt trong khâu làm đất, bà con nên sử dụng các loại nấm đối kháng như Trichoderma, đối với bệnh nứt dây xì mủ thường xuất hiện vào giai đoạn phát triển thân lá trở đi, cần phun phòng trừ bằng các loại thuốc đặc trị như Revus Opti 440SC, Insurance 50WG + Carbenda supe 50SC… còn đối với bệnh héo xanh do nấm Fusarium thì hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy bà con nông dân cần tuân thủ kỹ thuật phòng trừ như làm đất kỹ, vun gốc cao cho thoát nước, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma. Ngoài ra, bà con cần nhổ bỏ cây bị bệnh nặng, sau mùa vụ thu gom các dây bị bệnh và đốt bỏ…”.

Hiện nay, Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, chỉ đạo các xã  thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám đồng, bám ruộng cùng với nông dân chăm sóc cây dưa hấu. Theo ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh: “Để tránh những tổn thất kinh tế cho người nông dân trồng dưa hấu, bà con nên luân canh với cây trồng khác, hạn chế trồng nhiều năm trên một vùng đất để sự tích lũy, phát triển của nấm bệnh, từ khâu chọn đất, đến khâu chọn giống, giống phải đảm bảo sạch bệnh, đặc biệt với địa hình đồi núi dốc như ở Nghĩa Đàn. Bà con cần chú ý tới khâu tưới nước, bởi tưới không đúng cách cũng sẽ làm cho nấm bệnh dễ dàng lây lan phát triển, cần cắt bỏ các cây bị bệnh, lá bị bệnh. Nếu ruộng dưa nào đã bị nhiễm nặng bệnh héo xanh do nấm Fusarium, thì nên chuyển đổi sang trồng cây khác (vì đây là loại nấm bệnh chưa có thuốc đặc trị, dễ lây lan và sẽ tiếp tục phát triển trong các vụ dưa hấu khác trên cùng một mảnh đất)  để đảm bảo kinh tế cho người dân, tránh những thiệt hại đáng tiếc”.

Như Trang (Đài Nghĩa Đàn)