(Baonghean) - Thông tin về một số cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh “giao chỉ tiêu” cho hội viên mua sữa đậu nành Vạn Xuân mà Báo Nghệ An đưa liên tiếp trong hai ngày qua làm dư luận không khỏi băn khoăn. Dư luận đặt câu hỏi, điều gì khiến một tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ đã “phối hợp” với nhà sản xuất kinh doanh tiếp thị sản phẩm của họ?
 
Trên địa bàn Nghệ An trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã xuống từng khối phố, xóm, bản tiếp thị sản phẩm như sách, băng đĩa đến thuốc bổ, thuốc chữa bệnh, thiết bị chăm sóc sức khỏe… Và, phần lớn các hoạt động tiếp thị đều có giấy giới thiệu của các tổ chức chính trị xã hội với những con dấu đỏ chót kèm theo để làm tin. Cao tay hơn, có những tổ chức cá nhân kinh doanh còn mời cả cán bộ chính quyền cơ sở hay tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia trong đoàn để “lấy le” với khách hàng. Vì thế, việc nhiều người móc hầu bao lấy những đồng tiền cuối cùng để mua sản phẩm kém chất lượng hoặc không phù hợp là điều khó tránh. Còn các cơ quan nhà nước cấp giấy tờ hoặc cử đại diện trực tiếp đi cùng doanh nghiệp trong việc tiếp thị dù vô tình hay ẩn ý đã làm hại người tiêu dùng.  
 
Trở lại chuyện một số hội phụ nữ cấp huyện như Diễn Châu, Đô Lương… tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Rồng Vàng tiêu thụ sữa đậu nành Vạn Xuân trong thời gian vừa qua, trước hết, phải nói thẳng rằng, lãnh đạo Hội LHPN cấp tỉnh đã “hiểu sai” nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, cũng như hiểu không đúng về công văn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Từ đó, cơ quan này mới ra công văn “tiếp tay”, triển khai cuộc vận động và yêu cầu các cấp hội cơ sở phối hợp với Công ty Rồng Vàng tổ chức giới thiệu và phân phối sữa đậu nành Vạn Xuân. Tất nhiên, Công ty Rồng Vàng nhanh chóng chớp cơ hội, sử dụng công văn (mà sau này lãnh đạo hội gọi đó là “tai nạn” văn bản) như một cái “gậy” để tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Rồi những cuộc “hội thảo” về sữa Vạn Xuân, những cuộc vận động, những đợt thi đua (mà thực chất là ép) mua mặt hàng này trong các chi hội và hội viên nhằm giành điểm trong đợt bình xét thi đua đã diễn ra. Nghe có vẻ hài hước, nhưng là chuyện có thật và gây nên những hệ lụy không đáng có. Một lượng tiền không nhỏ của nhiều hội viên (riêng Diễn Châu khoảng 800 triệu đồng) bỏ ra đã gây bức xúc trong dư luận. 
 
 Rất may là chưa xảy ra sự cố nào do sữa Vạn Xuân gây ra. Trước đó, vào những năm 2008, 2009 đã có một số lô sữa Vạn Xuân đã bị cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy vì kém chất lượng. Năm 2009, Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Giang sau khi “phối hợp” với Rồng Vàng đưa sữa Vạn Xuân cho học sinh đã có văn bản yêu cầu các trường học thu hồi vì nghi sữa này gây ngộ độc ở một trường học. Thêm nữa, tại sao lãnh đạo Hội Phụ nữa tỉnh lại không biết trước đó, ở Nghệ An từng có các cơ quan như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã phối hợp tương tự trong việc đưa sữa bột đậu nành Vạn Xuân về để rồi chỉ “thu” được những bức xúc không đáng có? Và, họ có biết ở hội phụ nữ cấp huyện như Nam Đàn cũng có doanh nghiệp khác vừa nhờ phối hợp “phân phối một loại sữa mang tên Trường Xuân” không?
 
Ai cũng biết, Hội Phụ nữ là một tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, hội viên không những chiếm một nửa số người trưởng thành mà còn nắm hầu bao gia đình, nên dễ có nhiều doanh nghiệp “nhờ vả” để tiêu thụ sản phẩm. Với “lợi thế” đó, các doanh nghiệp tìm đến để làm bình phong cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của họ. Vấn đề là các cơ quan tổ chức Nhà nước, các cấp hội phụ nữ tỉnh táo xử lý sự “mời mọc” của doanh nghiệp.
 
Do đó, văn bản chỉ đạo của Hội Phụ nữ tỉnh trong vụ tiếp thị trá hình sữa đậu nành Vạn Xuân gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” dù vô tình cũng là điều đáng trách! Và, các cơ quan, tổ chức khác cần lấy đó làm bài học để tránh lặp lại.
 
Việt Long