Dự thảo sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản cũng như quyền và lợi ích của doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động tại địa phương, việc lấy ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp tại Nghệ An là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp.

Qua việc triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT hiện hành trong thời gian qua cho thấy, các Quy định về chính sách thuế GTGT đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể như: Tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh trong thực tế, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, khuyến khích xuất khẩu, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội, tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính.

Đóng gói sản phẩm tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng
Đóng gói sản phẩm tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

TS. Phạm Thị Thúy Hằng - Trưởng Khoa Kế toán, Trường Kinh tế, Đại học Vinh cho biết, trong quá trình thực hiện, một số quy định về thuế GTGT đã bộc lộ không ít những bất cập cần phải được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể, đó là những vướng mắc khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư, xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, mua bán điện; vướng mắc khi áp dụng thuế suất thuế GTGT tại khâu nhập khẩu đối với một số sản phẩm như thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng; vướng mắc phát sinh về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư. 

Theo ông Đặng Quốc Vinh - Phó Giám đốc Công ty  cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng, qua đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT vừa qua cho thấy, chính sách thuế GTGT đã thực sự tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong chính sách thuế GTGT và giữa chính sách thuế GTGT với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng như đảm bảo chính sách công khai, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, thì việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về thuế GTGT là hết sức cần thiết, cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghệ An. 
Hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng
Đề cập vấn đề này, TS. Hồ Thị Hải - Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Vinh cho rằng, Dự thảo Nghị định vẫn chưa quy định được cơ chế xác định giá ghi trên hóa đơn, chứng từ có phù hợp với giá thực tế mà người nộp thuế bán ra. Cùng với thói quen không yêu cầu xuất hóa đơn của người mua hàng đã tạo ra tâm lý trốn thuế cho doanh nghiệp. Về phương pháp tính thuế, Dự thảo vẫn xác định có 2 phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT với đối tượng áp dụng không thay đổi so với trước đây.
Với quy định này, doanh nghiệp được sử dụng 1 trong 2 loại hóa đơn bán hàng là hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng thông thường. Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện phương pháp khấu trừ thuế GTGT có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp hoặc hộ cá nhân kinh doanh thực hiện tính thuế bằng phương pháp trực tiếp, thì cả hai bên đều bị thiệt hại.

"Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ để tính thuế GTGT khi mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp áp dụng phương pháp trực tiếp để tính thuế thì dù có hóa đơn bán hàng (đã có VAT) nhưng vẫn không được sử dụng để khấu trừ thuế. Như vậy, với doanh nghiệp đã tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đầy đủ nhưng trong chi phí hợp lý hình thành giá bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì vẫn có một phần thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Điều này có nghĩa là thuế GTGT đầu ra vẫn đang đánh chồng lên thuế GTGT vào làm thiệt hại cho doanh nghiệp”

TS. Hồ Thị Hải - Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Vinh

Cán bộ Phòng Kê khai giải quyết hỗ trợ kê khai thuế tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Ở một góc nhìn khác, ông Đinh Văn Tạo - Giám đốc Công ty cổ phần Học viện Huấn luyện doanh nhân quốc tế thành công đỉnh cao khẳng định, thuế là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế, trong đó, thuế GTGT đóng vai trò rất quan trọng. Đây là loại thuế doanh thu đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hóa và cuối cùng là giai đoạn tiêu dùng.

Thuế GTGT được cộng vào giá bán nên người tiêu dùng phải chịu. Mức thuế suất thuế GTGT ở một số nước là khá cao bởi đất nước họ phát triển, giàu có và công bằng. Nhưng một số quốc gia trong khu vực có mức thuế suất GTGT thấp hơn cả nước ta mặc dù mức sống của họ rất cao như: Nhật Bản 5%, Singapore 7%... thì mức 10% của nước ta, nếu so với thu nhập đầu người cũng là một vấn đề trong khi dân mình còn nghèo lại bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Chính vì đánh vào người tiêu dùng nên khi mức thuế suất GTGT cao sẽ hạn chế sức mua, kìm hãm sản xuất, lưu thông hàng hóa. 

Dự thảo Nghị định đợt này là hết sức cần thiết, kịp thời, song cần chú trọng một số vấn đề sau: Nghị định cần quy định thật chi tiết, có các biện pháp cụ thể sát với thực tiễn hơn nữa để các doanh nghiệp tự nguyện, tự giác thực hiện nghiêm túc pháp luật thuế, thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ gắn liền với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế. Hệ thống pháp luật nhờ đó mà ngày càng hoàn thiện và việc thực hiện pháp luật từng bước vào nề nếp, kỷ cương, nhờ đó mà người tiêu dùng – là người phải chịu thuế GTGT được hưởng lợi một cách công bằng, bình đẳng. Hy vọng Dự thảo sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.