Nhiều phụ nữ tại tỉnh Aceh, đảo Sumatra, Indonesia, đã lên tiếng phản đối đề xuất hợp pháp hóa chế độ đa thê đang được hội đồng lập pháp địa phương thảo luận. Aceh là tỉnh duy nhất ở Indonesia được quyền tự quyết trong việc thông qua những dự luật dựa trên luật Hồi giáo Sharia.
Phụ nữ tại tỉnh này lo ngại rằng nếu được hợp pháp hóa, luật này sẽ "bình thường hóa chế độ đàn ông dăm thê bảy thiếp", vốn đã rất phổ biến tại tỉnh, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ và con cái sau này.
"Phụ nữ Aceh không cần đạo luật này. Không người phụ nữ nào muốn chồng mình có nhiều vợ, bằng chứng của việc này là tỷ lệ ly hôn cao tại Aceh", bà Samsidar nói.
Roslina Rasyid, người đứng đầu Quỹ Hỗ trợ Luật Aceh, cho biết rất nhiều phụ nữ trong tỉnh đã ly hôn chồng khi họ lấy vợ hai. "Những người chồng lấy nhiều vợ thường bỏ bê vợ, không chu cấp cho cuộc sống của các con", Roslina nói.
Irwandi Yusuf, cựu tỉnh trưởng Aceh, là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho chế độ đa thê. Yusuf thừa nhận muốn kết hôn với một cựu người mẫu và truyền thông địa phương đưa tin ông đã lấy vợ hai, dù thông tin này chưa được kiểm chứng. Yusuf bị cách chức sau khi bị tòa án tuyên 7 năm tù hồi tháng 4 do liên quan tới một vụ tham nhũng.
Các nhà hoạt động nữ quyền ở Indonesia quan ngại nếu đề xuất dự thảo luật này được Aceh thông qua, nhiều tỉnh khác sẽ có động thái tương tự. "Luật này có thể biến chế độ đa thê thành một phần văn hóa như quy định buộc phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt", bà Samsidar, một nhà hoạt động nữ quyền ở Aceh, cho hay.
Chế độ đa thê đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng Aceh và một số địa phương ở Indonesia. Ngày nay, chế độ này càng phổ biến hơn nhờ sự phát triển của các ứng dụng hẹn hò giúp đàn ông dễ dàng tìm người vợ thứ hai. Theo luật hôn nhân Indonesia, đàn ông được phép lấy nhiều vợ trong những điều kiện nhất định về tôn giáo và văn hóa.
"Trong luật đạo Hồi, một người đàn ông có thể cưới 4 vợ. Giới hạn ở đây là 4 người, nếu anh ta muốn cưới người vợ thứ 5, anh ta phải ly hôn một người", Musannif, phát ngôn viên hội đồng lập pháp tỉnh Aceh, cho biết.
Musannif cho biết nếu được thông qua, đạo luật sẽ quy định người chồng phải xin phép vợ trước khi muốn cưới vợ mới, dù điều này là không "hoàn toàn bắt buộc" theo quy định của đạo Hồi.