(Baonghean) - Những năm gần đây, du lịch Con Cuông thực sự khởi sắc, là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá miền Tây xứ Nghệ.
Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Hùng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện uỷ Con Cuông về chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch tại Con Cuông.
P.V: Thưa đồng chí, thời gian gần đây Con Cuông là điểm đến du lịch được nhiều du khách lựa chọn, vậy theo đồng chí điểm hấp dẫn đặc biệt ở Con Cuông là gì?
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Năm 2016, lượng du khách đến Con Cuông tăng đột biến với hơn 35.000 lượt người (trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm huyện Con Cuông chỉ đón khoảng 10.000 lượt người). So với các địa phương khác trong tỉnh, điểm đặc biệt nhất của Con Cuông đó là sự đa dạng trong các tour du lịch để du khách lựa chọn.
Hiện nay, đến Con Cuông khách có thể lựa chọn du lịch khám phá các cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ như thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền Sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống động - thực vật phong phú của Vườn Quốc gia Pù Mát.
Hoặc du khách có thể lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng, tham quan những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như khu di tích nhà cụ Vi Văn Khang, hang Ốc, bia Ma Nhai, đi thăm làng nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, rượu men lá và trải nghiệm cuộc sống thường nhật với đồng bào Thái bản địa. Ẩm thực, đặc sản địa phương và văn hóa dân tộc Thái cũng là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến với huyện miền núi Con Cuông.
P.V: Để có được sự thu hút đó huyện cũng đã có những cách làm tương đối đồng bộ, có tính đột phá. Đồng chí có thể cho biết chỉ đạo cụ thể của huyện về việc phát triển du lịch?
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Trước đây, người dân làm du lịch tự phát và mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết, đồng bộ, chưa được đào tạo, hướng dẫn để làm du lịch chuyên nghiệp.
Vì vậy, từ năm 2015, huyện đã chỉ đạo các địa phương liên kết với nhau và liên kết với Vườn Quốc gia Pù Mát và các đơn vị có liên quan, các công ty Lữ hành quốc tế để tạo những tour khám phá, trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch do người dân để du khách hài lòng khi lựa chọn Con Cuông là điểm đến.
Chúng tôi cũng xác định rằng, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Con Cuông trên mọi kênh thông tin, thường xuyên và liên tục, tăng độ phủ sóng để du khách biết đến Con Cuông nhiều hơn.
Bên cạnh việc quảng bá trên báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình thì chúng tôi còn kêu gọi nhân dân, con em của huyện đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước tích cực chia sẻ các bài báo, các vi deo, các hình ảnh đẹp của du lịch Con Cuông lên các trang mạng xã hội.
P.V: Du lịch cộng đồng vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản văn hóa. Là loại hình du lịch thu hút một lượng lớn du khách. Con Cuông là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, đồng chí có thể nói rõ hơn về tiềm năng phát triển của loại hình du lịch này?
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Hiện nay huyện đang tập trung xây dựng mô hình tại 4 bản là bản Thái Sơn và bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê). Huyện đã tận dụng sự hỗ trợ của Dự án JIKA Nhật Bản, Dự án VIE-028 Phát triển nông thôn miền núi Nghệ An để mở các lớp đào tạo nghề nấu ăn, chế biến các món ăn phục vụ du lịch, duy trì phát triển nghề dệt thổ cẩm- mây tre đan, cho bà con đi tham quan học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương khác.
Đồng thời, đầu tư một số điểm homestay để du khách có thể ăn ở, sinh hoạt với đồng bào Thái. Du khách khi đến thăm các điểm du lịch cộng đồng sẽ được người dân dẫn đi tham quan làng bản, thăm nhà sàn Thái, nghe các tích chuyện của bản, của mường, được tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của bà con, đi tham quan đồng ruộng, các vườn cam, vườn chè, đồi mét; được thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Thái như cơm lam, xôi ngũ sắc, gà nướng, cá nướng, thịt nướng, nộm hoa chuối, mọc, các loại bánh, canh bồi đọt mây, các món rau rừng …
Sau đó, du khách sẽ tham gia chương trình giao lưu văn nghệ hát dân ca Thái, nhảy sạp, múa lăm vông, đánh cồng chiêng, uống rượu cần; được trải nghiệm ngủ nhà sàn của đồng bào Thái.
Và một điểm hết sức đặc biệt của du khách khi đến các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông là được thăm thú các di tích văn hóa, lịch sử, được tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của 7 dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện.
P.V: Để phát triển du lịch bền vững, gắn với mục tiêu xây dựng huyện Con Cuông trở thành thị xã theo hướng sinh thái vào năm 2020, cần có những giải pháp mang tính định hướng như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Hiện nay, huyện đang tích cực thu hút đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp, các chương trình dự án để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, các homestay, đầu tư hệ thống thuyền bè, chỉnh trang các khu du lịch xanh, sạch, đẹp và an toàn hơn.
Xác định rõ, làm du lịch là lâu dài, không phải ngày một, ngày hai, phải làm thế nào để du khách muốn quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè, người thân đến Con Cuông. Huyện đang xây dựng lộ trình để đảm bảo tốt về cung cách phục vụ, giá cả, chất lượng, sự an toàn, thoải mái, tiện ích cho du khách đến tham quan. Đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá các thương hiệu về sản phẩm du lịch Con Cuông đến du khách trong và ngoài nước. -
PV: Cảm ơn đồng chí!
Thanh Nga (thực hiện)