Chuyến du ngoạn của Đức Cha X.
Vừa tròn nửa tháng du ngoạn Đà Nẵng, Hội An, Huế, Quảng Trị, dự định bắt xe hơi ra Vinh “có ý cho biết Nghệ An”, song vừa sắm sửa đi thì có nước lụt, đường sá đứt hết, nên túng thế phải trở lại Đà Nẵng đón tàu thẳng ra Hà Nội.
Đức Cha X. quan sát và so sánh cuộc sống, cảnh quan các vùng miền với nhau: “Chiều đi dạo châu thành. Phố xá nhà cửa buôn bán ngó cũng như các hạt trong Lục tỉnh, đây là Trung Kỳ, không phải như là Bắc Kỳ, nghĩa là đây thì người Khách bán phần nhiều hơn, còn An Nam thì lại mua phần nhiều hơn. Đi ra phía trong nữa thì coi như ở Bạc Liêu trong Lục tỉnh, cây cối đường xá giống như vậy. Lại có cái sông có chợ và ghe coi cũng là từa tựa.
Qua hôm sau, tác giả nhận xét, đánh giá tình hình quản lý giao thông vận tải theo mô hình tư nhân, chất lượng, hiệu quả, logistics: “Ngày 28 Novembre. - Mướn xe hơi đi về Huế. Ở tại Vinh có hàng xe hơi An Nam của hội Phạm Văn Phi cũng là hẳn hoi. Ở đâu đâu trong Bắc Kỳ, Trung Kỳ cũng có người thay mặt. Hãng này có xe đi nhiều nơi, nên hoặc muốn đi theo xe thô bộ hành hay là mướn xe riêng cũng được. Đường đất ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ dài xa lắm, nên có xe sẵn như vậy cũng là tiện cho người đi đường như chúng tôi. Bởi đó nên khi chúng tôi tới Vinh thì lo mướn xe đi về Huế. Người thay mặt cho hãng tại Vinh cũng là tử tế đãi đáp, ngày trước khi chúng tôi đi Bến Thủy chơi, thì có đi theo mà cắt nghĩa chỉ đàng, ấy là cũng một điều biết chiêu hiền đãi sĩ”…
Lại nói, sau mấy ngày du chơi thành Vinh - xứ Nghệ và một lần “thăm lại anh em quen lớn tại Vinh một ngày” rồi chuẩn bị thuê xe hơi xuôi phương Nam. Chỉ tiếc, các vị đã chọn chuyến du lịch đúng vào mùa mưa miền Trung nên ngay sau khi rời Nghệ An thì: “Ông Trời bà Đất ôi! Nào ai dè trong cuộc đi chơi Trung Kỳ, Bắc Kỳ này mà phải đi xuôi về ngược đâu! Khởi sự từ đây mới thấy cực là đa, phải trèo non lội suối, phải ăn cực ngủ khổ như tôi sẽ thuật sau đây. Thiệt là trần ai khổ nhọc”…
Vào tháng 2/1922, Chính phủ Nam Pháp cử phái bộ những quan chức, thân hào, nhân sĩ, trí thức Bắc Kỳ đi quan sát về sự ích lợi đường xe lửa tuyến Bắc Trung Bộ và nhân thể tới Kinh đô Huế diện kiến Vua Khải Định. Học giả, ký giả Phạm Quỳnh - Chủ nhiệm bản báo Nam phong tạp chí, có dự chân vào phái bộ ấy, khi về đã làm tờ trình bằng Pháp văn ghi chép việc du lịch của phái bộ, được dịch in ngay với nhan đề Tổng thuật về việc phái bộ Bắc Kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh - Đông Hà. Tác phẩm thuộc dòng du ký công vụ.
Đoạn dừng chân ở Nghệ An được phác thảo ngắn gọn: “Chiều tới Vinh, có quan Thượng Nghệ và quan Phó sứ đã đợi sẵn ở ga, chỉ phòng ở các nhà khách sạn cho phái viên nghỉ. Ai nấy xếp đặt hành lý, rồi vào thăm quan Chánh sứ Métaireau. Đến bảy giờ rưỡi thời quan Thượng mới vào dự tiệc trong dinh. Hai quan Thượng Hoàng Trọng Phu và Trần Văn Thông thời nghỉ ở dinh quan Thượng Nghệ, các phái viên khác thời nghỉ ở khách sạn. Sớm mai là ngày 17, lên xe ô tô tự Vinh đi, có ba chiếc xe của Chánh phủ đã xếp sẵn và hai cái xe riêng của ông Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng đem lại và ông Trần Ngọc Thiện ở Bến Thủy đem theo. Quan tỉnh Hà Tĩnh có phái quan Bố tỉnh ra Nghệ đón phái bộ để làm hướng đạo cho đi xem miền Hương Khê, là miền xe lửa sẽ đặt qua sau này (Nam phong tạp chí, 1922)…
Trong một trường hợp khác, nhà Hán học Trúc Khê Ngô Văn Triện chỉ đi tàu đêm qua miền núi Hồng sông Lam cũng bâng khuâng hoài cảm, làm thơ, suy tưởng chuyện người, chuyện đời, thời gian, lịch sử: “Vầng trăng cao treo ở đằng phía trời tây, tỏa ánh trong vắt xuống Hồng Lam non nước. Những đám mây đen ướt át đã bị quét đi đằng nào hết, chỉ còn một vài bè mây trắng, trôi lững lờ trên khoảng vô biên. Tôi mừng rỡ vô cùng, thế là cái ngày mai tươi sáng, quả đã đến với chúng tôi thật. Tôi nhân khẩu chiếm được bốn câu sau này: Hai trăm dặm lẻ vượt trong mưa/ Khí lạnh bằng lời hiu hắt đưa/ Giấc bướm bâng khuâng bừng tỉnh dậy/ Lam Hồng chợt hiện dưới trăng tơ… Xe đã đi qua sông Lam, tôi ngồi nhìn đăm đăm về dải Trường Sơn ở phía Tây, trong lòng bâng khuâng với nhiều mối suy nghĩ.
Một dãy núi cao vời vợi và sừng sững thế kia, thảo nào mấy nghìn năm nay nó đã ngăn cản dân tộc ta bước đường tây tiến. Ngoảnh về phía Tây, ta bị vấp phải những đống đá lớn lù lù ấy, trách nào mà sức bành trướng của dân tộc, chẳng cứ hướng về phía Nam cho mãi đến tận bờ bể nam rồi mới chịu ngừng. Cho hay địa hiểm cũng có giúp ích cho sự bảo vệ cuộc sống của các dân tộc nhiều, những dân tộc ở bên kia Trường Sơn, chắc là họ cũng biết ơn dải núi hiếm có ấy.
Tôi lại nghĩ đến trong khoảng cao ngất xanh mờ kia, về hồi vãn Lê đã có một vị anh hùng cát cứ mấy mươi năm dai dẳng. Vị anh hùng ấy là Hoàng tử Lê Duy Mật, giận vì Vua Lê mất quyền, nổi quân định diệt trừ Chúa Trịnh. Nhưng vì sức yếu không đánh đổ được Trịnh, phải lui vào giữ ở Trấn Ninh, cõi đất len vào giữa khoảng núi non trùng điệp kia, do đời Lê Thánh Tông lấy được của Lào (nay đất ấy lại trở về Lào). Nay chẳng hay lũy cũ Trình Quang, có còn dấu vết gì của Thiên Nam Đế Tử hay đã bị thời gian xóa nhòa đi hết?” (Chơi Huế - Nước Nam, 1943)…