(Baonghean) - Điều kiện thời tiết vụ đông diễn biến phức tạp, khó lường, mùa mưa bão đầu vụ tháng 9, 10 sẽ gây nhiều khó khăn trong sản xuất. Căn cứ vào kết quả theo dõi quy luật phát sinh gây hại của dịch hại những năm gần đây, có thể dự báo một số dịch hại chính sẽ gây hại trên cây ngô và rau màu trong vụ đông 2013.

1. Ruồi vàng hại quả mướp đắng

- Ruồi bắt đầu gây hại khi quả mướp đắng được hình thành, làm cho quả quăn queo, không phát triển và rụng, gây ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất. 

- Biện pháp phòng trừ: Thu gom những quả bị rụng đem tiêu hủy hoặc chôn sâu dưới đất. Sử dụng bẫy để hấp dẫn ruồi vàng: dùng thuốc có chất dẫn dụ và chất tiêu diệt ruồi vàng như: VIZUBON-D hoạt chất Eugenol 75% + Dibrom 25%. Cách sử dụng: Dùng 1-2ml thuốc/bẫy; bẫy được làm bằng chai nhựa và treo mồi có tẩm thuốc trong chai, hai bên chai khoét lỗ cho ruồi chui vào và ăn mồi, treo 20-30 bẫy/ha; hàng tuần điều tra và thu mẫu ruồi trong bẫy; sau 14 ngày tẩm thuốc mới vào, tiếp tục treo bẫy lên cây; kết hợp phun bả protein (Ento-protein) khi thấy ruồi vào bẫy khoảng 10 con/bẫy. 

Lưu ý: Khi sử dụng bẫy, bả phải làm trên diện rộng mới đem lại hiệu quả cao trừ ruồi vàng cho cả cánh đồng và không phun bả protein lên quả mướp mà chỉ phun điểm lên lá cây mướp đắng.

2. Sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang hại rau

- Cả 3 loại sâu này đều gây hại suốt trong quá trình trồng các loại rau như bắp cải, cải xanh, cải bẹ, ăn khuyết lá để lại gân lá chính. Sâu tuổi lớn ăn trụi lá làm ảnh hưởng đến năng suất và ảnh hưởng đến phẩm chất rau. Sâu tơ có tính kháng thuốc cao, do vậy cần luân phiên các loại thuốc tránh tình trạng sâu quen thuốc. 

Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ các yêu cầu sau: Thuốc ít độc nằm trong danh mục được phép sử dụng cho cây rau, ưu tiên sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc, đảm bảo thời gian cách ly, chỉ phun khi sâu phát sinh gây hại tới ngưỡng phòng trừ. Ngoài ra, có thể sử dụng một số bẫy giới tính pheromone, bả chua ngọt... để hấp dẫn sâu trưởng thành và tiêu diệt chúng.

3. Giòi đục thân, sâu cuốn lá hại đậu tương

* Giòi đục thân: 

- Gây hại từ khi cây có hai lá đơn đến cuối vụ, chủ yếu từ giai đoạn cây hai lá đơn đến 2-3 lá kép làm cây bị chết hàng loạt. Khi cây lớn, giòi đục thân chỉ làm chết ngọn. Trong vụ đông, giòi có thể làm chết 40-50% cây con, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.

- Biện pháp phòng trừ: Gieo đúng lịch thời vụ, chăm sóc tốt cây con để cây sinh trưởng khỏe. Gieo hạt đều, nhổ và hủy bỏ những cây bị chết ngọn để diệt trừ sâu. Phát hiện kịp thời sự xuất hiện và gây hại của giòi để tổ chức phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu. Thời gian phun thuốc bắt đầu từ khi cây đậu có 2 lá đơn, kết thúc phun khi cây có 3 lá kép. Khi bị giòi phá hoại mạnh, có thể phun kép 2 - 3 lần.

* Sâu cuốn lá: 

- Sâu phát sinh gây hại từ khi cây có 2-3 lá kép cho đến cuối vụ, bắt đầu gây hại nặng sau trồng 28 ngày, đặc biệt trên những ruộng trồng đậu tương bón thừa đạm. Sâu cuốn các mép lá lại với nhau và ăn phần thịt lá để lại gân chính.

- Biện pháp phòng trừ: Biện pháp thủ công: Tổ chức bắt sâu khi sâu còn phát sinh với mật độ thấp. Biện pháp hóa học: Khi sâu phát sinh với mật độ cao, tổ chức phun khi sâu còn tuổi nhỏ, lựa chọn thuốc ít độc nằm trong danh mục được phép sử dụng trừ sâu trên cây rau như hoạt chất: Abamectin, Alpha - Cypermethrin..., khi phun phải đảm bảo thời gian cách ly và theo hướng dẫn trên bao bì.

4. Bệnh hại rau màu

* Bệnh lở cổ rễ: 

- Bệnh gây hại nặng nhất giai đoạn cây con, đặc biệt phát sinh mạnh nhất trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, độ ẩm cao.

- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất nếu vụ trước ruộng bị nặng. Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc trừ nấm. Khi bệnh phát sinh tỷ lệ cao dùng: Anvil 5SC, Score 250EC, Cavil 50SC…

* Bệnh sương mai: Gây hại trên cà chua, khoai tây, bệnh hại nặng khi thời tiết thay đổi lạnh giá, trời mưa phùn có nhiều sương mù. Bệnh làm hỏng lá, nặng có thể làm chết toàn bộ vườn cây.

* Bệnh thán thư: Gây hại trên nhiều loại cây rau nhưng hại nặng nhất trên cây ớt, bệnh làm chết cây con, rụng lá và thối trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.

- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, thu gom các tàn dư cây bị bệnh. Lên luống cao, thoát nước tốt. Bón phân cân đối tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức chống chịu sâu bệnh, có thể thêm tro và kali bón ở những nơi đất xấu và nơi bệnh thường xảy ra. Khi bệnh đã phát sinh gây hại và thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, dùng các loại thuốc như: Rhidomil MZ 72BTN, Zinep 80WP, Aliette 80WP...

Nguyễn Huy Khánh