Theo HSBC, lạm phát năm 2016 có thể tăng mạnh và NHNN sẽ phải quản lý thắt chặt vào năm sau và sẽ tăng các mức lãi suất trong quý III/2016.

Theo phân tích của HSBC, nhu cầu nội địa tăng dần sẽ dẫn tới áp lực lạm phát của nước ta cao hơn trong năm 2016. Nhờ vào giá cả hàng hóa toàn cầu thấp hơn, mức lạm phát toàn phần trung bình đang có vẻ tăng chậm lại ở mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2014 là 4,1%).

HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên mức 4,9% vào cuối năm 2016 so với cùng kỳ. Và như thế, NHNN sẽ phải chuyển sang biện pháp quản lý thắt chặt vào năm sau và kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi xuất thêm 0,5% nữa trong quý III/2016 đưa mức lãi suất thị trường mở lên 5,5%.

NHNN sẽ tăng lãi xuất thêm 0,5% nữa trong quý III/2016(Ảnh minh họa: KT).

NHNN sẽ tăng các mức lãi suất trong quý III/2016 nhưng nguy cơ thắt chặt đang đến gần. Bởi kể từ năm 2011, Việt Nam đang có mức thặng dư tài khoản vãng lai khá thoải mái nhờ vào sự thay đổi mạnh trong cán cân thương mại hàng hóa và nguồn kiều hối ổn định. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa bị sói mòn đã dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng thu hẹp lại. Trong quý I/2015, cán cân tài khoản vãng lai đã rơi vào ngưỡng thâm hụt 1 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên trong gần 4 năm qua. Sự sụt giảm này mang tính thời vụ.

Tuy nhiên, quan điểm của HSBC cho rằng những mức thâm hụt này sẽ dần trở nên bình thường trong những quý tới dựa vào những đánh giá của chúng tôi về nhu cầu trong nước mạnh hơn và sự hiện diện của thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng. Trong năm 2016, HSBC dự đoán cán cân tài khoản vãng lai sẽ rơi vào ngưỡng thâm hụt tương đương khoảng 1,6% GDP từ mức thặng dư ước tính 0,2% trong năm 2015 và 5,1% trong năm 2014.

Về mặt vốn, HSBC kỳ vọng nguồn vốn FDI dồi dào sẽ tiếp tục hỗ trợ cán cân thanh toán chung của Việt Nam; tuy nhiên, điều này có lẽ không đủ. Cân bằng cán cân thương mại đang chịu áp lực bởi những nguyên nhân như: 1) thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng mỏng và 2) dòng vốn đổ ra ngoài nước ngắn hạn. Trạng thái căng thẳng trên thị trường ngoại tệ cùng với sự thay đổi bất thường của đồng Nhân dân tệ trong tháng 8 đã tạo thêm áp lực đối với cán cân thanh toán: mặc dù quý III.2015 đã trôi qua nhưng số liệu về cán cân thanh toán vẫn chưa có, dữ liệu từ IMF cho thấy nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm 6,7 tỷ USD trong quý III/2015 còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9 vừa qua, tương ứng với 2,1 tháng nhập khẩu (trong khi đó vào tháng 6 là 2,6 tháng.

Việc thâm hụt tài khoản vãng lãi có thể trở lại trong năm 2016 có nghĩa rằng cán cân thanh toán có thể vẫn chịu nhiều áp lực trong năm 2016 và cả 2017. Thách thức vĩ mô của Việt Nam bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, HSBC khuyến nghị NHNN có thể chọn chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm sau để duy trì định hướng tăng trưởng bền vững./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN