(Baonghean.vn) - Đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng dự án do UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thì nên giao Sở KH&CN chủ trì thẩm định.

Đại biểu Trần văn Mão với nhiều nội dung góp ý cho Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Trần Văn Mão với nhiều nội dung góp ý cho Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: Thanh Loan

Ngày 2/6, góp dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão đề nghị các vấn đề cụ thể: Thứ nhất, đề nghị điều chỉnh đối tượng thẩm định công nghệ tại chương 2 của Luật vì tại Điều 1 và Điều  2 quy định đối tượng và phạm vi rộng, tuy nhiên trong các nội dung quy định tại điều Luật của Chương 2 lại bó hẹp chỉ là các đối tượng như: Dự án sử dụng vốn đầu tư công, công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ có tác động xấu đến môi trường, còn các loại chuyển giao khác chưa được quy định cụ thể.

Thứ hai, cần có quy định cụ thể để khuyến khích liên kết giữa các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở sản xuất, hỗ trợ thương mại, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thứ ba, cần có quy định cụ thể để thúc đẩy sự lan tỏa công nghệ từ các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp nhà nước trong nước để tạo ra sức lan tỏa và sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Thứ tư, đề nghị quy định rõ ràng về tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao công nghệ, hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyến giao, có chính sách phù hợp và tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao.

Về các điều khoản cụ thể, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị: Tại Điều 2, không nên đưa tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ là đối tượng áp dụng bởi vì liệt kê như vậy là không đầy đủ, bao quát hết đối tượng. Nên quy định là tổ chức, cá nhân tham gia liên quan đến chuyển giao công nghệ. Đề nghị tại Khoản 5 Điều 3, “công nghệ lần đầu tiên được tạo ra hoặc ứng dụng tại Việt Nam hoặc trên thế giới”, đề nghị điều chỉnh lại “công nghệ mới tại Việt Nam được tạo ra ở nước khác nhưng ứng dụng tại Việt Nam” vì nếu công nghệ được tạo ra và ứng dụng trên thế giới thì không thể coi là công nghệ mới tại Việt Nam.

Đề nghị bổ sung vào Khoản 3, Điều 4, cụ thể: các cơ chế ưu tiên, hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ từ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, đầu tư vào sản xuất thử nghiệm tại doanh nghiệp, bởi vì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu tại doanh nghiệp đòi hỏi phải có thời gian thử nghiệm từ 5-7 năm và thường có rủi ro trong khi  doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ thị trường. Bên cạnh đó cần bổ sung các ràng buộc chế tài, hướng dẫn để thực hiện tốt việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đại biểu Mão cũng đề nghị bổ sung Điều 14, bởi về đối tượng được quy định tại Điều 14 là quá hẹp. Dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ có tác động xấu đến môi trường, mà chưa đề cập đến các dự án, các công nghệ được chuyển giao từ nguồn vốn tư nhân, trong khi đối tượng này chiếm nguồn vốn và số lượng lớn. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 1, Chương 1 của thông tư 03, về thẩm định công nghệ, đối tượng thẩm định công nghệ lại không giới hạn ở dự án sử dụng vốn đầu tư công. Do đó cần điều chỉnh lại Điều 14 cho phù hơp và điều chỉnh các Điều 15 cho thống nhất.

Tại Điểm B, Khoản 2, Điều 16 quy định UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quy định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, vậy UBND cấp tỉnh vừa là cơ quan thẩm định công nghệ, vừa là cơ quan có quyền quyết định chủ trương đầu tư là không phù hợp. Trong khi đó tại Điểm B Khoản 2 Điều 15 lại quy định Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với bộ, ngành, cơ quan tổ chức thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy để phù hợp, dự thảo Luật nên quy định với các dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư thì nên giao Sở KH&CN chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định./.

Nhóm PV - CTV

TIN LIÊN QUAN