Nhưng cả hai điều đó rốt cuộc vẫn chưa tới khi lực lượng của đội chủ nhà ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, trong khi đối thủ lại ở một đẳng cấp khác, dù họ chỉ tập trung trước trận đấu vỏn vẹn 2 ngày!
Công Phượng được tung vào sân từ đầu, Văn Đức vì vậy chỉ có thể vào sân từ đầu hiệp 2. Điều cố hữu là ông Park Hang-seo tiếp tục tin dùng Tuấn Anh dù 5 trận liên tiếp cầu thủ này chỉ chơi hiệp 1, còn hiệp 2 được nghỉ hoàn toàn. Trước một đối thủ chơi áp sát, tốc độ, Tuấn Anh hoàn toàn không có cơ hội xoay trở và cầm được bóng, vì vậy cầu nối chuyển trạng thái gần như bị đánh sập hoàn toàn. ĐT Việt Nam chỉ có thể phối hợp nhỏ ở hành lang cánh, nhưng gần như nhanh chóng bị phá sản. Một vài cơ hội phản công nhanh mở ra, nhưng đối thủ chơi kín kẽ để hóa giải hoặc áp sát khiến chúng ta chuyền vội, chuyền sai.
Trái với các trận đấu trước, Hoàng Đức trong trận này bị kẹp chặt giữa các tiền vệ nhanh nhạy của đối phương nên chỉ có một vài cơ hội thoát ra để làm bóng hoặc dứt điểm vội vàng. Cầu thủ chơi hay nhất vẫn là Quang Hải với những pha xử lý khôn ngoan, những đường chuyền thuận lợi và sáng nước cho đồng đội. Có vẻ khi về lại sân Mỹ Đình, Quang Hải như cá gặp nước nên thể hiện tối đa năng lực và sở trường, tạo động lực tinh thần rất quan trọng cho đồng đội.
Bên phía ĐT Nhật Bản, tốc độ và sự nhuần nhuyễn là điều khiến các cầu thủ chủ nhà không thể làm chủ được không gian và thời gian chơi bóng. Một pha phối hợp sát biên rất nhanh có thể đặt khung thành Tấn Trường vào tình trạng báo động. Một tình huống chuyển cánh hay bóng bổng, một pha đua tốc độ của đối thủ dễ dàng bỏ Duy Mạnh hoặc Hồng Duy tụt lại phía sau, để xuất hiện bàn thắng sau đó (như tình huống ở ngay phút thứ 17) hoặc pha móc bóng hụt của Ngọc Hải (may mắn đối thủ sau đó sút vọt xà), pha phạm lỗi nhận thẻ vàng của Tuấn Anh, pha để mất bóng nguy hiểm của Tiến Dũng…
Và đáng nói nhất là sự áp sát của đối thủ luôn khiến cho Văn Đức gần như mất hết cảm giác bóng trong chân, lỗi chồng lỗi để rồi trở thành người “vào muộn, ra sớm”, rất đáng thất vọng cho nhân tố chính của “lò” SLNA, tiếp theo chuỗi thất vọng từ các nhân tố SLNA tại U23 Việt Nam. Trong khi Xuân Mạnh vẫn chưa có cơ hội vào sân dù Hồng Duy tiếp tục là nơi đối thủ khai thác để ghi bàn thắng hay Văn Thanh bị ép chặt ở phần sân nhà, rất ít cơ hội lao lên như thường thấy.
Thực ra, ai ai cũng biết trước dàn cầu thủ Nhật Bản ở đẳng cấp nào và trong trận đấu này, họ cũng không phải căng hết sức để kiếm 3 điểm cần thiết. HLV trưởng Nhật Bản thay đủ 5 nhân sự từ khá sớm, kể cả Ito hay Minamino… Cũng như Australia trước đây, đối thủ chơi áp đặt, toan tính, bung sức khi cần rồi tiếp tục chơi an toàn nhất có thể.
Trước Nhật Bản, Văn Toàn hay Công Phượng có thể bứt tốc hoặc chơi lắt léo một đôi lần, nhưng rõ ràng không thể có được những đường chuyền cuối cùng có độ sát thương cao. Rất khó để gây rối loạn hàng thủ của đối thủ, trái lại ĐT Việt Nam hầu như chỉ phát bóng dài từ Tấn Trường thì đó gần như là một tình huống “trao bóng” cho đối thủ ở xa khung thành đội nhà, dù sao vẫn khả dĩ hơn là phối hợp rồi để mất bóng gần khung thành nhà mà thôi!
Vấn đề của ĐT Việt Nam sau liên tiếp các trận thua ở vòng loại thứ 3 là liệu có tiếp tục đứng vững để “chiến” bảo vệ ngôi vua AFF Cúp vào tháng 12 tới hay sụp đổ dây chuyền? Về lý thuyết, vòng loại thứ 3 gian nan hơn, nhưng chắc chắn AFF Cup cũng không hề dễ xơi! Vì thế, những cầu thủ được kỳ vọng, tin cậy như Tuấn Anh, Văn Đức, Hồng Duy, Văn Thanh… không thể hiện được nhiều có nên được bổ sung những nhân tố mới không? Chờ Hùng Dũng, Trọng Hoàng trở lại là một điều cần tính đến, nhưng việc trao cơ hội cho những người mới khát khao cống hiến hẳn cần ông Park tính đến nhiều hơn.
Xem ra, mọi việc rồi sẽ không đơn giản. Kiếm 1 điểm đã trầy trật đến thế mấy tháng trời. Bảo vệ ngôi vua AFF Cup tưởng như chuyện "ao làng” lâu nay xem ra còn khó hơn khi ĐT Việt Nam vừa đi qua một chặng leo núi, mọi việc đã phơi hết ra trước đối thủ mà thầy “phù thủy” thì bài vở cạn kiệt, niềm tin ở các nhân tố mới chỉ thoảng qua, gọi là vậy thôi...