Ngoài khó khăn là thời gian chuẩn bị cho trận gặp ĐT Việt Nam quá ngắn thì ông Akira Nishino không có nhiều cầu thủ đá trung phong cắm.
Hiện nay, tại Thai-League 1 và V.League phần lớn đều sử dụng các ngoại binh nên cả 2 đội tuyển đều khá khó khăn khi tìm các cầu thủ có bản năng sát thủ. Đó cũng là lý do ông Akira Nishino sử dụng tiền đạo ảo trong sơ đồ 4-1-2-1-2, một dạng biến thiên của chiến thuật 4-4-2, tiền vệ chơi hình kim cương.
Thái Lan chơi thực dụng
Việc ông thầy người Nhật Bản lựa chọn Tanaboon Kesarat (Bangkok Port) có chiều cao 1,82m đá tiền vệ trụ cho thấy sự tinh tường của tân HLV này. Tanaboon Kesarat đã hỗ trợ 2 trung vệ Tom Bihr, Hemviboon bắt chết Quang Hải, chia cắt Tiến Linh với đồng đội.
Thời gian cầm bóng của ĐT Thái Lan trên sân Thammasat chỉ 51%, ít hơn trong trận gặp ĐT Việt Nam tại King's Cup 2019 xuất phát từ quan điểm chiến thuật của HLV Akira Nishino. Dường như ông thầy người Nhật dành sự tôn trọng đối phương hơn, ngay sau khi mất bóng kể cả tam giác tấn công Chanathip, Supachok, Thitiphan cũng phải tranh bóng.
Trận đấu được cầu thủ 2 đội chia nhỏ bằng những pha vào bóng mang tính cản phá, phá lối chơi của đối thủ. 90 phút thi đấu nhưng có đến 23 lần trọng tài phải nổi còi sau những pha phạm lỗi của 2 bên, trong đó Thái Lan có đến 14 lần phạm lỗi.
Phải nói trọng tài Al Adba khá nương tay, nhất là những pha đá rắn của các cầu thủ chủ nhà. Nhưng Thitiphan, Theerathon, Tristan Do hay Tanaboon có những tình huống tiểu xảo khiến các cầu thủ Việt Nam phải nằm gục xuống sân trong đau đớn cho thấy ĐT Thái Lan “phiên bản Akira Nishino” chơi khá thực dụng.
Ông Nishino dùng 1 cầu thủ kinh nghiệm như Thitiphan chơi tiểu xảo nhằm phá lối chơi của đội tuyển Việt Nam để rồi chấn thương phải sớm rời sân. Peeradon Chamratsamee vào thay Thitiphan cũng không vì thế mà thay đổi lối chơi và cũng tập tễnh cuối trận đấu cho thấy ĐT Thái Lan hoàn toàn có ý đồ đá rắn để hạn chế lối đá kỹ thuật của ĐT Việt Nam.
Tấn công đa dạng hơn
Về phương án tấn công, “bầy Voi chiến” sử dụng nhiều tình huống ban bật, tấn công nhanh ở hai biên rồi bất ngờ lật bóng hay rê dắt vào trong. Những mảng miếng tấn công hoàn toàn bộc lộ và được triển khai vô cùng nhuần nhuyễn và sắc nét. Hai mũi nhọn Supachok, Thitiphan cùng hộ công Chanathip được lệnh sút xa nhiều hơn.
Bước vào trận Việt Nam - Thái Lan, thời gian tập luyện của các cầu thủ chủ nhà với nhau chưa nhiều nhưng con số 7 cú sút, trúng khung thành 2 của ĐT Thái Lan tốt hơn 4 cú sút, trúng khung thành 1 của ĐT Việt Nam.
Một trận đấu cả HLV Akira Nishino lẫn Park Hang-seo đều không muốn thua, nên suốt 90 phút chỉ có 3 cơ hội rõ rệt, trong đó 2 thuộc về ĐT Thái Lan đã phản ánh đúng tình hình thực tế trên sân. Tiền vệ mang áo số 7 Supachok Sarachat liên tiếp có những tình huống đột phá bên cánh trái, và đánh bại Đỗ Duy Mạnh để tạo ra những cơ hội ngon ăn cho đội chủ nhà.
Nhạc trưởng U22 Thái Lan
Công bằng mà nói, các học trò của HLV Nishino đã gần như kiểm soát hoàn toàn khu vực giữa sân. “Messi Thái” Chanathip và các đồng đội liên tục dồn ép đội khách bằng những tình huống tấn công đa dạng và khá sắc nét. Trong lần thứ 2 khoác áo đội tuyển nhưng tuyển thủ 21 tuổi Supachok dù đá trái kèo vẫn nhiều lần khoét sâu vào cánh phải của ĐT Việt Nam.
Việc Supachok được bầu làm cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu cho thấy bóng đá Thái Lan “tre chưa già, măng đã mọc”. Đã 5 năm đá Thai-League 1 trong màu áo nhà vô địch Buriram United, tuyển thủ này có tương lai hoàn toàn có thể vượt đàn anh Chanathip. Chắc chắn đây sẽ là nhạc trưởng U22 Thái Lan tại SEA Games 30 sắp tới.
Các cầu thủ Việt Nam cũng đã có một trận đấu thành công khi giành được 1 điểm, nhưng chúng ta cũng phải vô cùng vất vả mới bảo toàn được điểm số ấy. Điều này báo hiệu sẽ có trận tái đấu rất đáng xem trên sân Mỹ Đình, nói chính xác ông Park đã có 1 đối thủ nặng ký trên băng ghế kỹ thuật. Không thắng được ĐT Việt Nam nhưng người Thái đã có thể hy vọng vào “kỷ nguyên Nishino”.