Nghiên cứu do các chuyên gia thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đứng đầu đã cho thấy, công nghệ có thể được sử dụng để truyền tải một thông điệp trí não đơn giản từ người này sang người kia, mà không có bất kỳ giao tiếp nào giữa họ.
Thí nghiệm "trò chuyện thông qua ý nghĩ" đã diễn ra trong các điều kiện hoàn toàn bí mật hồi tháng 3 vừa qua. Mãi cho tới gần đây, vẫn chỉ có một nhóm nhỏ gồm hơn 10 nhà nghiên cứu biết về sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, bí mật đã được tiết lộ cách đây vài ngày, khi tạp chí PLOS ONE cho đăng tải một báo cáo khoa học về kết quả của thí nghiệm.
Báo cáo khoa học rất dài và chứa đầy các thuật ngữ chuyên ngành. Dẫu vậy, nói một cách đơn giản, báo cáo cho biết, các nhà nghiên cứu đã có thể "giao tiếp có ý thức từ não đến não". Đây là cuộc trò chuyện thần giao cách cảm được ghi nhận bằng chứng khoa học đầu tiên trong lịch sử loài người.
Trong thí nghiệm do Đại học Havard phối hợp cùng tổ chức nghiên cứu Tây Ban Nha Starlab và công ty phát triển robot Axilum tiến hành, tại một cơ sở nghiên cứu ở thành phố Kerala của Ấn Độ, tiến sĩ Alejandro Riera đội một chiếc mũ ghi điện não đồ điện tử (EEG), được kết nối với một máy tính xách tay và bắt đầu suy nghĩ.
Ông Riera đã mường tượng mình đang tạo ra hàng loạt cử động theo chiều ngang hoặc chiều dọc, hình thành một trong 2 loại xung điện truyền tới mũ EEG. Máy tính chuyên dụng sẽ chuyển dịch một trong hai dạng xung điện đó thành số 1 và loại xung điện còn lại thành số 0 và tạo thành mã số hóa nhị phân, giúp ông Riera có thể tạo lập ký tự đại diện cho những chữ cái mình muốn tạo ra.
Tiến sĩ Riera mất 30 phút tập trung cao độ mới tạo ra thông điệp đơn giản "hola" và "ciao" (xin chào). Thông điệp này sau đó được gửi qua thư điện tử từ laptop của ông tới Pháp.
Cách đó gần 8.000km, tiến sĩ Michel Berg trong tình trạng bị bịt mắt và đeo nút tai loại bỏ gần như mọi loại tiếng ồn, ngồi trong một phòng thí nghiệm tân tiến ở Đại học Strasbourg, đông bắc Pháp và cũng bắt đầu suy nghĩ.
Ông Berg được kết nối với một chiếc máy tính diễn dịch thông điệp nhị phân thành các xung điện truyền vào thùy chẩm của bộ não, vùng quản lý thị giác. Khi các xung điện được bắn ra, ông Berg sẽ trải nghiệm "đom đóm mắt" hay các đốm lóe sáng màu trắng ở phía ngoài tầm nhìn. Các xung khác nhau tương ứng với số 0 hoặc 1. Các đom đóm mắt có thể được "người nhận" - tiến sĩ Berg - chuyển đổi trở lại thành mã nhị phân và diễn dịch lần nữa thành các từ "hola" và "ciao", trong một quá trình kéo dài 30 phút.
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, tiến sĩ Riera và tiến sĩ Berg rốt cuộc đã chào hỏi được với nhau thông qua ý nghĩ. Thông điệp được truyền tải với độ chính xác 90 - 95%.
Nhóm nghiên cứu thừa nhận có sự khác biệt rất lớn giữa việc truyền tải các từ gồm 4 chữ cái trong thời gian 60 phút với việc thực hiện một cuộc trò chuyện phức tạp thông qua ý nghĩ. Tiến sĩ Berg tin rằng, chúng có thể phải mất tới 20 năm nữa mới có khả năng phát triển các ứng dụng thiết thực từ kỹ thuật này.
Theo nhà nhà nghiên cứu Berg, trong những thập niên tới, kỹ thuật có thể được dùng để giúp các bệnh nhân đột quỵ, người bị bại liệt 2 chân nghiêm trọng và các bệnh nhân mắc "hội chứng khóa trong" (liệt tứ chi và hầu như tất cả các dây thần kinh, không thể cử động) phục hồi khả năng trò chuyện và vận động, nhờ sử dụng bộ não của họ để truyền chỉ dẫn cho người khác hoặc các chi giả.
Ngoài ứng dụng trong y học, các binh sĩ một ngày nào đó có thể sử dụng thần giao cách cảm để giao tiếp xuyên qua chiến trường khói lửa, không cần phải dựa vào thiết bị vô tuyến hoặc vệ tinh, vốn dễ bị kẻ thù phát hiện và ngăn chặn. Mọi người cũng có thể tận dụng nó để liên lạc với người thân của mình mà không cần điện thoại.
Các chuyên gia thậm chí còn nghĩ tới khả năng, thần giao cách cảm được vận dụng để giúp cảnh sát tìm ra cách đọc trí não của nghi phạm và các hội đồng xét xử có thể đảm bảo nhân chứng đang khai thật trước tòa. Con người trong tương lai thậm chí được kỳ vọng có thể giao tiếp với người chết, nếu y học tìm được cách giúp duy trì sự sống cho bộ não của họ.
Theo vietnamnet