(Baonghean) - Thực hiện chương trình hành động nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Kỳ Sơn đã xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ cấp huyện về cơ sở. Mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn, song đề án này được xem là bước chuyển động nhanh chóng, kịp thời và bước đầu đem lại những chuyển động tích cực.
Đồng chí Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Kỳ Sơn đang dốc sức quyết tâm thoát nghèo, do đó Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chương trình hành động thiết thực, trong đó đặc biệt coi trọng đến công tác cán bộ. Muốn có sự đổi mới thì phải tạo ra sự chuyển biến tích cực từ cơ sở, nhất là ở chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đây là lần đầu tiên Kỳ Sơn thực hiện công tác điều động nhiều cán bộ tại cùng một thời điểm như vậy. Họ đều có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, chính quy, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Sau 3 tháng triển khai, tại các địa bàn có cán bộ tăng cường về cơ sở đều ghi nhận có nhiều thay đổi tích cực”. |
Là 1 trong 5 cán bộ huyện được điều động tăng cường về cơ sở sau Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXII, anh Phan Văn Mạnh được đánh giá là đã mang lại cho chính quyền địa phương một sự đổi mới căn bản trong phong cách, lề lối làm việc. Khi được điều về làm Chủ tịch UBND xã Bảo Nam – xã vùng cao có tỷ lệ 100% đồng bào dân tộc Khơ mú, cả người dân và lãnh đạo xã đều “quen với mùi rượu”, anh nhận thấy chính sự cẩu thả, không tập trung là nguyên nhân dẫn đến hoạt động trì trệ, không hiệu quả của bộ máy điều hành cấp xã. Do đó, yêu cầu đầu tiên là phải chấn chỉnh, siết chặt quy định về lề lối làm việc, quán triệt Chỉ thị số 17 – CT/TU của BTV Tỉnh ủy về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc.
Bên cạnh đó, anh cũng luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con dân bản phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Mới chỉ tiếp nhận nhiệm vụ vài tháng nhưng anh đã tích cực đến các địa bàn khó khăn của xã, xem xét phương thức sản xuất của bà con, từ đó tìm ra đâu là vấn đề còn tồn tại khiến bà con vướng vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Theo anh, muốn phát triển kinh tế ở Phà Đánh, cần phải có sự quy hoạch vùng gắn với từng loại cây, con một cách hợp lý. Hiện anh đang triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể thực hiện việc khảo sát và đề ra chương trình hành động cụ thể, tiến tới thống nhất chung về phương thức thực hiện phát triển kinh tế trên toàn địa bàn xã.
Đối với Kỳ Sơn, những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ đã tạo ra một tín hiệu khả quan trên chặng đường đưa vùng đất biên viễn xứ Nghệ nhanh chóng thoát nghèo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đề ra.
Phương Thảo