(Baonghean) - Với đặc thù của huyện rẻo cao biên giới, Quế Phong xác định đầu tư cho giáo dục không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh.
Những năm gần đây, huyện Quế Phong đã được Trung ương và tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội tạo cho bộ mặt vùng cao ngày càng đổi mới. Tuy vậy, để huyện phát triển bền vững về kinh tế, đầu tư xây dựng cơ bản... vẫn chưa đủ, mục tiêu không kém phần quan trọng mà Quế Phong luôn chú trọng đó là đầu tư giáo dục, cần có sự thay đổi căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo một cách thực chất.
Xác định rõ tầm quan trọng này, trong những năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, UBND, các cấp ủy đảng, chính quyền; sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Quế Phong đã có nhiều bước chuyển biến. Hiện toàn huyện có 63 cơ sở giáo dục, bao gồm 14 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 10 trường THCS, 4 trường PTCS, 1 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường THCS DTNT và 14 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo; huy động trẻ ở độ tuổi đi học được đến trường; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp...
Đặc biệt, trong những năm qua, các phong trào thi đua dạy và học đã được ngành Giáo dục huyện đẩy mạnh gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; các giải pháp dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS và bố trí dạy lớp ghép ở các điểm trường đặc thù được tăng cường; các hoạt động ngoài giờ lên lớp, khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục được tổ chức tốt...
Nhờ đó, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, cũng như học sinh học giỏi ở các cấp học; tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp THCS và THPT ngày càng tăng; tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt khá (24 trường, đạt tỷ lệ 50%)... Đặc biệt, trong năm học 2015 - 2016, với sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nhiều tập thể và cá nhân của ngành Giáo dục huyện Quế Phong đã đạt được thành tích đáng ghi nhận. Trong đó có 1 tập thể và 2 cá nhân được đề xuất Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 1 tập thể được đề xuất tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; 822 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 115 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở...
Từ những thành quả đã đạt được, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong khóa XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, huyện hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với đó, huyện phấn đấu xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo tương ứng với sự phát triển giáo dục chung của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục. Bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hoá, xã hội hóa hệ thống giáo dục, phấn đấu đến năm 2020, Quế Phong vươn lên xếp thứ 16 -17 trong giáo dục toàn tỉnh.
Để thực hiện đề án, huyện Quế Phong đã xây dựng các lộ trình và giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan triển khai. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phấn đấu đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2 vào năm 2020.
Riêng đối với trẻ mầm non cần tập trung phát triển thể chất, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. 100% số xã, thị phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Nâng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường lên 18% vào năm 2020; số trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ 90% năm 2020, trong đó huy động 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non ở thể nhẹ cân và thể thấp còi xuống dưới 8% vào năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 98,0%, trong đó tỷ lệ người biết chữ từ 15 đến 35 tuổi là 99,0%. 50% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại A, 20% số xã, phường, thị trấn và cơ quan doanh nghiệp được công nhận đạt đơn vị học tập; Sửa chữa, nâng cấp trường phổ thông dân tộc bán trú; hoàn thành xây dựng Trường PT Dân tộc nội trú THCS Quế Phong; tập trung đầu tư xây dựng trường, lớp học, phấn đấu đến năm 2020 kiên cố hóa toàn bộ các phòng học, đầu tư xây dựng nhà ở bán trú dân nuôi; củng cố, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, các hội khuyến học; xây dựng chính sách hỗ trợ để con em đồng bào Mông, Khơ Mú có điều kiện học tập tốt nhất; phấn đấu tỷ lệ học sinh tham gia học trung học phổ thông đạt 70%. Đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng học tập của học sinh, tăng tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, nhất là học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh đậu đại học điểm cao...
Đồng chí Lê Xuân Giáp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Mặc dù địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong đã xác định: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai và toàn ngành Giáo dục phải ra sức thi đua thực hiện như mong muốn của Bác Hồ trong thư Người đã gửi đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong ngày 12/4/1966. Chính vì thế, dù còn nhiều khó khăn, huyện vùng cao Quế Phong vẫn luôn quan tâm, chú trọng mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo “dạy người” và “dạy chữ”.
Thu Hương