Hàng trăm con muỗi vằn bám trên tay của tình nguyện viên say sưa hút máu. Chúng rời đi khi bụng căng tròn óng màu đỏ hồng, để lại những nốt sẩn chi chít trên cẳng tay của trại viên nuôi muỗi.
 
Đó là một bữa ăn đặc biệt của muỗi vằn mà chúng tôi được chứng kiến khi vào thăm “trang trại” nuôi muỗi vằn tại Viện Pasteur Nha Trang, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Loại muỗi vằn này đã được các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cấy thêm vi khuẩn Wolbachia.
 
Vi khuẩn Wolbachia khi vào cơ thể muỗi vằn có khả năng ức chế vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết làm cho muỗi mang vi rút sốt xuất huyết không còn khả năng truyền bệnh.
 
Tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Hà Nội và viện Pasteur Nha Trang, muỗi vằn mang Wolbachia được nuôi trong các lồng đặt trong phòng riêng biệt với nhiệt độ, độ ẩm luôn được duy trì phù hợp cho sự phát triển và sinh sản của muỗi và chúng được kiểm soát sức khỏe hết sức chặt chẽ.
 
Đây là một hoạt động thuộc dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” được triển khai tại Đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
 
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Phó giám đốc Dự án cho biết, muỗi vằn tự nhiên ở đảo Trí Nguyên được bắt và cấy truyền vi khuẩn Wolbachia, rồi phóng thả loại muỗi này trở lại đảo. Bằng con đường sinh sản tự nhiên, loại muỗi này sẽ sinh ra các thế hệ muỗi tiếp theo có mang sẵn trong cơ thể vi khuẩn Wolbachia.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển cho hay:“Kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa trên thế giới cho thấy vi khuẩn Wolbachia còn có khả năng ức chế vi rút Zika trong cơ thể muỗi vằn. Như vậy muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia mà dự án đã thả ở đảo Trí Nguyên ngoài khả năng phòng sốt xuất huyết Dengue còn có khả năng phòng ngừa sự lan truyền của vi rút Zika”.
 
“Muỗi vằn có thể sống nhờ nước đường, mật ong, nhưng để trứng muỗi phát triển được thì muỗi cái phải hút máu người. Do đó, các tình nguyện viên tham gia dự án đã nuôi chúng bằng máu của mình”, anh Lưu Quốc Hùng, trưởng nhóm côn trùng của dự án chia sẻ.
 

Theo Thanhnien.vn

TIN LIÊN QUAN