(Baonghean) - Làm sao để có ngoại binh hay, "xứng đồng tiền, bát gạo" vốn không phải là chuyện dễ.

Sau giai đoạn 1 của V-League 2017, hàng loạt đội bóng đá thanh lý các ngoại binh. Đầu tiên là Dyachenko (TP Hồ Chí Minh), Ash Apollon (Long An),  Ideguchi (HAGL), Henry (SLNA)... Ngoại trừ HAGL, phần lớn các đội tham dự V-League đều bỏ cả “đống tiền” để tuyển ngoại binh cho hàng công.

Nhưng cho đến nay, sau 13 vòng đấu mà duy nhất 2 chân sút ngoại hàng đầu như Uche, Stevens có được 7 bàn thắng thì có khá nhiều “hàng lởm” mang mác ngoại binh đang có mặt trên các sân cỏ Việt Nam. Người mới gia nhập không để lại dấu ấn, những cầu thủ đã nhiều năm thi đấu tại Việt Nam như Gonzalo đã xuống phong độ thảm hại hay Moses chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Tại sao?

Ngày càng ít những bản hợp đồng có giá trị như thủ môn Santos (phải) của Gạch ĐTLA trước đây. Ảnh: Internet

Đầu tiên phải khẳng định sở dĩ chất lượng ngoại binh V-League không cao là do ngày càng ít có ông bầu mặn mà với bóng đá. B.Bình Dương “bỗng dưng mất lửa”, SXKT.Cần Thơ, HAGL. SHB.Đà Nẵng thì không chịu móc hầu bao... có chăng chỉ còn ông bầu trẻ Công Vinh là vẫn còn hăng hái.

Khi chi ít tiền đương nhiên khó tìm cầu thủ chất lượng. Bên cạnh đó, V-League hiện tại bị cạnh tranh quyết liệt từ các nước láng giềng như Thai League (Thái Lan), Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia). Những giải đấu này chất lượng đang được nâng dần lên, đãi ngộ cho cầu thủ rất tốt nên hút ngoại binh giỏi.

Không có nguồn, thiếu kinh nghiệm và năng lực chuyên môn để thẩm định nhưng các đội lại thích “tự tay đi chọn”. Cách tuyển chọn ngoại binh mỗi đội làm 1 kiểu, có nơi lập hội đồng, có nơi giao HLV trưởng, có nơi ông bầu quyết. Các CLB V-League đều có nhiều quy định bất thành văn rằng cầu thủ ngoại đến thử việc muốn được ký hợp đồng đều phải có “phí bôi trơn”.

Ohala - SLNA là ngoại binh gây nhiều thất vọng bởi phong độ ngày càng giảm sút. Ảnh tư liệu.

Không có hoa hồng thì đá hay cũng dễ bị “lắc”, “chơi đẹp” thì đá tệ cũng dễ được bỏ qua. Thực tế, có đội ban đầu mua ngoại binh để đá tiền đạo, nhưng đá mãi không ghi bàn đành chuyển đá phòng ngự cho… đỡ phí. Cho nên, không ít đội đang mắc hội chứng “thích mua” ngoại binh, chứ mua về để làm gì, chẳng cần biết.

Cái quy trình tuyển chọn ngoại binh của các đội dự V-League cũng không giống ai nên nhiều năm liền toàn gặp tình trạng “thử kêu, đốt tịt”. Khi thử việc, lấy các trận giao hữu, đối phương vào bóng khá lành thì ngoại binh nào cũng xử lý kỹ thuật tốt. Đến khi vào giải bị đát rát, tốc độ trận đấu cao nên nhiều ngoại binh bị cóng chân, thể lực cũng giảm sút trông thấy. Nên mới có chuyện các em nhặt bóng sân Vinh hễ cứ thấy Olaha dạt ra biên đỡ bóng là chuẩn bị tinh thần đi tìm bóng ngoài đường pít. 

Ngoại trừ Hà Nội và SHB.Đà Nẵng còn tính đến chuyện đường dài, khá nhiều đội V-League chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. Làm gì có cầu thủ giỏi nào bỏ quê hương đi đá thuê mà chấp nhận ký hợp đồng chỉ vài tháng, mà sau vài tháng nếu đá được thì CLB đó cũng khó lòng mà giữ chân anh ta. 

Không những các đội bóng áp chót như Long An, SXKT Cần Thơ mà các đội thường thường bậc trung như TP. Hồ Chí Minh, XSKT Cần Thơ, B.Bình Dương, SLNA, SHB Đà Nẵng cũng đang muốn thay ngoại binh để tăng cường sức mạnh cho giai đoạn lượt về. Các đội tranh chấp huy chương như Hà Nội, Than Quảng Ninh cũng không ngoài cuộc… Nhưng làm sao để có ngoại binh hay, “xứng đồng tiền, bát gạo” vốn không phải là chuyện dễ!

N@T

TIN LIÊN QUAN