Trong một động thái nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng gia tăng trong khu vực của Bắc Kinh, ngày 18/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhất trí với giới chức Papua New Guinea về một dự án giúp 70% dân số quốc gia Nam Thái Bình Dương này có thể tiếp cận điện năng trước năm 2030, từ mức 13% hiện nay.
Dẫn chứng Sri Lanka, quốc gia nhượng một cảng biển cho Trung Quốc để trả lãi cho một khoản nợ khổng lồ từ cường quốc châu Á này- làm một ví dụ, giới phân tích bày tỏ lo ngại Bắc Kinh có thể lợi dụng đòn bẩy nợ để giành được sự thỏa hiệp chiến lược tại khu vực quan trọng chiến lược, đầy tài nguyên này.
Họ lo sợ hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại các cảng biển và đường bộ ở Nam Thái Bình Dương có thể chuyển thành các căn cứ quân sự, như việc Bắc Kinh quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 rằng nước này “không có ý định quân sự hóa Biển Đông”.
Ông Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Trường ĐH Quốc gia Australia nhận xét: “Australia muốn thấy Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Liên minh châu Âu (EU), một loạt quốc gia – và cả Trung Quốc - ủng hộ sự phát triển và quản trị tốt đẹp ở Nam Thái Bình Dương. Điều chúng tôi không muốn chứng kiến là sự cạnh tranh trực tiếp giữa Australia và Trung Quốc để giành giật tầm ảnh hưởng ở khu vực này. Chúng tôi không muốn chứng kiến nguy cơ lặp lại ở Nam Thái Bình Dương như ở Sri Lanka hay các khu vực khác thuộc Ấn Độ Dương, nơi hoạt động viện trợ cơ sở hạ tầng và phát triển của Trung Quốc gây hậu quả tiêu cực”./.