(Baonghean.vn)-  Giáo sư Karl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Australia vừa có bài viết trên mạng “Thayer Consultancy” đánh giá về tình trạng chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay ở Đông Nam Á.

Tôn giáo gây ra bạo lực chính trị - hay chủ nghĩa khủng bố- không phải là mới đối với khu vực Đông Nam Á. Không lâu sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, các phần tử cực đoan Hồi giáo đã tìm cách thành lập một Nhà nước Hồi giáo hay còn gọi là Darul Islam và kích động một cuộc nổi dậy ở Java vốn kéo dài tới vài năm mới chấm dứt.

images1925209_anh_1.jpgCảnh sát đứng gác tại địa điểm được cho là một kẻ ủng hộ IS thực hiện vụ tấn công cảnh sát tại Tangerang, Indonesia ngày 20/10/2016. Ảnh: Reuters.

Cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Philippines- tổ chức Moros- đã tiến hành đấu tranh vũ trang để đòi tự trị nếu không tách khỏi Philippines trong nhiều thập kỷ. Và các tỉnh có đông người Hồi giáo Malay ở miền Nam Thái Lan cũng gây ra các vụ bạo lực chống nhà nước Thái Lan trong những năm 1960.

Các điểm nóng khủng bố ở Đông Nam Á được kích động lại bởi sự trở về của các chiến binh tham chiến ở Afghanistan, nơi họ được tổ chức khủng bố Al Qaeda huấn luyện. Jemmah Islamiyah (JI) đã tìm cách thống nhất người Hồi giáo ở Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và thậm chí cả ở Australia. Sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và việc tuyên bố lập một Nhà nước Hồi giáo đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên từ Đông Nam Á và Australia tới chiến đấu ở Syria và Iraq.

Nhóm Abu Sayaaf và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác ở Philippines đã tuyên bố trung thành với IS. Các quan chức an ninh tin rằng khi IS bị mất quyền kiểm soát lãnh thổ và suy yếu do thương vong lớn trên những chiến trường chính ở Trung Đông, thì các chiến binh Đông Nam Á sẽ trở về quê hương của mình, mang trong mình những kỹ năng chiến đấu và khả năng tổ chức để kích động lại các điểm nóng. 

Sự gia tăng liên kết giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia có thể dẫn đến hình thành một “Mặt trận Hồi giáo thống nhất” ở Đông Nam Á, đang khiến nhiều người lo ngại về cái gọi là “IS Đông tiến”.

Đông Nam Á và IS. Ảnh: AP

Thực tế, từ những năm 1990, các chiến binh Hồi giáo được Al Qaeda huấn luyện trở về từ Afghanistan đã “thai nghén” một phong trào liên Đông Nam Á, trải dài từ Malaysia tới Indonesia và miền Nam Philippines. Mạng lưới JI sau đó phần lớn bị sụp đổ nhờ hoạt động chống khủng bố hiệu quả của các nước liên quan. Luôn luôn có một mối liên kết giữa miền Nam Philippines với Đông Malaysia thông qua Biển Sulu. 

Sự trở lại của các chiến binh từ Trung Đông thực sự gây quan ngại cho các quan chức an ninh bởi những phần tử này có kiến thức về chất nổ và có thể tiến hành các vụ tấn công cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội. Nhưng ở thời điểm này vẫn chưa thể nổi lên một mặt trận thống nhất mới. Các quốc gia ở Đông Nam Á nay đã có kinh nghiệm và kiến thức để đối phó với chủ nghĩa khủng bố trên cơ sở hợp tác toàn khu vực. 

Những kẻ ủng hộ IS. Ảnh: AP

Không có tổ chức khủng bố nào được tổ chức theo mô hình quân đội lớn ở Malaysia hay Indonesia. Ở miền Nam Philippines có vài nhóm Hồi giáo vũ trang, song cũng chỉ được hình thành từ các phe phái khác nhau và khác cả về mục tiêu hoạt động. Để đối phó, các quốc gia Đông Nam Á cần ban hành hai loại chiến lược. Đầu tiên là phải có một luật phù hợp bởi thực thi luật là cách để đối phó với bạo lực vũ trang giúp giảm thiểu thương vong cho dân thường. 

Chiến lược thứ hai là cần giải quyết quan niệm rằng những kẻ khủng bố xác định hành động của họ là để cổ vũ những người ủng hộ cho mục tiêu của họ. Điều này có nghĩa phải cải thiện sự quản trị, luật pháp, công bằng xã hội và sự không phân biệt đối xử.

Sự khác nhau giữa cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Đông Nam Á là những kẻ khủng bố ở Trung Đông đã thành lập được cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trên một diện tích lãnh thổ rộng lớn với dân số rất đông. Còn ở Đông Nam Á, các nhóm này nhỏ hơn nhiều, hoạt động ở những vùng riêng lẻ và không kiểm soát được phần đông dân số./.

Lan Hạ

(Theo AP)

TIN LIÊN QUAN