(Baonghean) - Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp tư nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng là động lực mạnh mẽ nhất và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ máy nhà nước các cấp. Chủ trương này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đặc biệt quan tâm trong Hội nghị lần thứ 5.
Cùng với quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Với gần 600.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước, Việt Nam phấn đấu để có trên 1 triệu doanh nghiệp đăng ký vào năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và phát triển, vươn tầm khu vực và thế giới.
Dù có sức vươn mạnh mẽ, song các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu cũng như năng lực quản trị còn nhiều hạn chế. Theo VCCI, cả nước có tới 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Động lực mới này sẽ ngày càng hội tụ và cộng hưởng từ nhận thức và cách làm mới về xây dựng nền sản xuất kiểu mới, gia tăng các chuỗi liên kết kiến tạo lại nền tảng thị trường hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới.
Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần đa dạng hóa các phương thức huy động và đầu tư (BOT, BT, PPP...); đồng thời, cần coi trọng đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cao đối với doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và kinh doanh; khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực kinh tế tư nhân cũng như đối với từng doanh nghiệp.
Công cuộc đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế đang đòi hỏi phải đổi mới tư duy, tạo động lực mới cho phát triển trên tinh thần kiến tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Trên cơ sở đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những chủ trương mới của Đảng thể hiện trong các nội dung của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 là những thay đổi căn bản về chất để khuyến khích KTTN phát triển tạo động lực cho kinh tế - xã hội nước ta chuyển mình hội nhập quốc tế vững chắc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
TS. Nguyễn Minh Phong
TIN LIÊN QUAN