(Baonghean.vn) - Cảng biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương. Đặc biệt với cảng biển quốc tế, lợi ích mang lại còn có tác động đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

image_8029044.jpgHoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò. Ảnh N.S

Hoạt động giao thương hàng hải nói riêng, hệ thống cảng biển đóng vai trò quan trọng, quyết định sự vươn ra toàn cầu của mọi quốc gia có biển. Ở Việt Nam có 3.260km bờ biển, đây là lợi thế lớn để phát triển hệ thống cảng biển.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều cảng biển quy mô quốc gia và quốc tế trên phạm vi cả nước, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế biển. Hiện cả nước có 49 cảng lớn nhỏ đang hoạt động.

Hệ thống cảng ở Nghệ An được quy hoạch phát triển thành cụm cảng quốc tế, kết nối tích cực với các nước trong khu vực và các châu lục. Ảnh N.S

 » Cảng biển quốc tế ở Nghệ An nhìn từ trên cao

 
Theo Quyết định 1037/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/06/2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam chú trọng phát triển các cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển cao trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Ở Việt Nam, cảng biển được phân thành 3 loại gồm:

Loại I là cảng biển đầu mối khu vực. Cảng biển loại I có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế được ký hiệu là cảng biển loại IA. Cảng IA là cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; cảng loại I có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn.

Cảng biển loại II là cảng biển tổng hợp địa phương.

Cảng biển loại III là cảng biển chuyên dùng phục vụ cho cơ sở công nghiệp tập trung, hoạt động doanh nghiệp.

Việc phát triển và nâng cao năng lực cảng biển được gắn kết với hệ thống sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và các công trình khác tạo nên sự phát triển đồng bộ của các địa phương. Đó sẽ là động lực quan trọng cho các ngành nghề, dịch vụ khác ở các địa phương phát triển, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách.

So sánh lợi thế giữa các loại hình vận tải, thì vận tải bằng đường biển có những ưu điểm vượt trội mà các phương thức vận tải khác không có được như chi phí phù hợp, vận tải với khối lượng lớn, tuyến vận tải dài, thân thiện với môi trường.

Cùng đó thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics hướng tới sự phát triển toàn diện của vận tải đa phương thức. Đó là sự vận động của cả hệ thống như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa … Quá trình đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Ở Nghệ An, cùng với Cảng Cửa Lò - Bến Thủy đang khai thác hiệu quả, trên địa bàn còn có các bến cảng được các Tập đoàn xi măng The Vissai, Tuấn Lộc, Thiên Minh Minh Đức… đầu tư xây dựng, tạo nên cụm cảng có khả năng đáp ứng cho tàu trên 10 vạn tấn vào bốc xếp hàng hóa.  

Cảng Vissai ở Nghi Thiết - Nghệ An có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 70.000 tấn. Ảnh N.S

Hệ thống cảng biển của Nghệ An được dự kiến kết nối với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Trong đó, tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò giai đoạn I đã được quy hoạch xây dựng được kỳ vọng tạo ra nhiều đột phá phát triển.

Cùng đó, gắn với quy hoạch xây dựng ga Nam Cấm và đường sắt nối Nam Cấm - Cửa Lò; gắn kết phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội qua Thanh Thủy (Thanh Chương-Nghệ An) đến Viêng Chăn (Lào)...

Việc phát triển cảng biển ở Nghệ An sẽ được kết nối với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là khu vực đông bắc Thái Lan, Lào, Cămphuchia... 

Năng lực bốc xếp hàng hóa của các vùng cảng biển ở Việt Nam tính đến 2020.

» Nghệ An: Chuẩn bị công bố Cảng biển quốc tế Vissai và động thổ Nhà máy bánh kẹo Hải Châu

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN