(Baonghean) - Trong tâm thái ngày Xuân, đọc lại bài viết "Xuân này con không về" của tác giả Hải Triều đăng trên báo Nghệ An, số Tết Giáp Ngọ lại rưng rưng niềm cảm thương cho người xa quê, lỗi hẹn mùa Tết ở nghìn trùng Paris xa xôi. Bài viết đã nhận được số phiếu bình chọn là bài viết hay của tuần qua. Sau đây là những lời bình dành cho bài viết:
 
images922168_1302317040_paris_1b.jpgThành phố Paris
 
1. Cánh én chở yêu thương, là lời bình sâu sắc, chan chứa cảm xúc của độc giả dành cho bài viết. Xa nhà, tâm trí ai mà chẳng vời vợi nỗi lòng nhung nhớ. Xa cả ngàn dặm đường cách biệt, nỗi nhớ ấy càng da diết thêm từng dặm chia ly. Với người Việt, quanh năm thường mong ngóng ngày năm cũ đã trôi qua để về đoàn viên, sum vầy cùng người thân đón mùa Xuân mới, thì cái sự chia cách đường dài, nỗi niềm cố quốc càng thêm heo hút, nhớ nhung. Nỗi lòng ấy, khó có thể nói thành lời bởi đã lặn sâu trong dạ hay buốt nhói như những bông tuyết xứ lạnh cứa xước trái tim.
 
 Tác giả Hải Triều đành phải trải nó ra bằng một thiên tùy bút "Xuân này con không về" để gửi qua vời vợi nghìn trùng cả một trời nhung nhớ cho bố, cho mẹ, cho cả quê hương giờ đang còn cách xa quá đỗi. Tựa đề chỉ 5 chữ, nhưng là cả một nỗi niềm tâm tưởng. Mùa Xuân của sum vầy, nhưng con lại chẳng về được đất Việt mến yêu ơi.
 
Cả tùy bút là những hoài niệm đan xen kỷ niệm. Những mẩu nhỏ ký ức của ngày Đông, của hình ảnh người bố cặm cụi xoay cành đào cho đúng hướng, tầm ngày mẹ bắt đầu quét tước dọn dẹp cửa nhà, miếng bánh chưng xanh mà ngày xưa con chưa quen ăn... đều hiển hiện thành từng mẩu pha lê lấp lánh đong đầy nỗi nhớ xa quê. 
 
"Có điều hình như đã thành bệnh kinh niên, hoặc cũng có thể là một dạng tương tư, không biết người ta có thể vì nhớ nhung quay quắt một điều gì đó mà phát sốt, phát ốm ra được không?", tác giả tự vấn đầy day dứt, nhưng người đọc có thể sẻ chia được phần nào nơi "Nỗi nhớ đã dài hơn nỗi nhớ/ Lá nao lòng xao xác chín vàng cây". Cái sự nhớ nhung quay quắt ấy đã "phát sốt, phát ốm" đến mức ghen tỵ vô cớ với cả anh bạn cũng lớp, chỉ suốt ngày mong ngóng giờ ra sân bay, phiêu du trên ngút ngàn mây trắng mà trùng phùng với người thân thương một phía địa cầu. Anh bạn ấy "Có lúc đang ngồi trong giảng đường cũng à lên một tiếng, tay đánh bộp vào trán như đứa dở hơi. Con biết nó lại vừa nghĩ ra một thứ đồ gì cần mua để mang về Việt Nam". Sự háo hức của người bạn vô tâm đã làm nỗi lòng tác giả thảng thốt trong nhung nhớ vời vợi đến phải thốt lên bằng lời trong tâm tưởng "Con chưa bao giờ được về Tết cả, chưa bao giờ được thấy lại Việt Nam trong cái lạnh buốt giá của gió mùa Đông Bắc và những cơn mưa...". 
 
Tình người xa quê ở tùy bút này, đọc rồi mới hiểu thêm câu thơ của cố nhà thơ Chế Lan Viên: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Thì đó, chính như tác giả đã kể "Buồn cười là ở chỗ, những thứ ở nhà thừa mứa, rẻ rề, vứt đi không ai tiếc thì ở bên bọn con lại là vàng là bạc, phải chắt chiu từng tý một". Ngay cả những thói quen ở nhà chưa "bén duyên" với bánh chưng xanh chỉ vì không quen vị hành củ, hạt tiêu. Nay, xa quê, tác giả đã phải "Tết đên thèm bánh chưng như đứa trẻ con thèm sữa mẹ". Tất cả những món ăn - là cả một mảnh hồn Việt- đã khiến tác giả không đành lòng nhắc đến nữa giữa Paris hoa lệ, bởi sợ mắt lệ lại nhòa. Tác giả đành phải hạ một câu, cũng là nỗi nhớ cứa ngang lòng người đọc đang cùng đồng vọng, thổn thức "Nếu mẹ hỏi con nghén gì, có lẽ con chỉ nói được rằng con nghén Việt Nam!". Có lẽ khó có cách diễn đạt nào hay hơn, trọn vẹn hơn hình ảnh đất nước đã như trở thành một phần máu thịt trong lòng người viết. 
 
Nước Pháp văn minh, phát triển với những đặc trưng văn hóa phương Tây đã đành một lẽ. Nhưng những tính cách riêng biệt như tôn trọng sự riêng tư, thiếu tính cộng đồng đã làm mỗi dịp hội hè xứ người như bị "loãng" ra, như làm "lạnh" hơn tình người nơi xứ tuyết. Bởi vậy, tác giả thích được "làm phiền" cùng cái chật chội, đông đúc, mệt mỏi đến mức đáng yêu mỗi độ Tết đến, Xuân về của xứ mình. 
 
Xứ mình đó, trong tâm tưởng Hải Triều cũng như với bao người Việt xa nhà, không hẳn là "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", mà mới chỉ có chức năng điểm tô, bởi cao hơn hết, Tết là mùa của đoàn tụ, đoàn viên. Mà trong đó, "có lẽ con sẽ nghĩ đến bếp lửa cả nhà mình quây quần quanh nồi bánh chưng. Bố, mẹ và con sẽ là những hòn than hồng để bếp lửa gia đình luôn cháy đượm". Bởi nỗi nhớ dù dằng dặc cách trở nhưng vẫn ấm áp, cháy đượm mến yêu nên tùy bút "Xuân này con không về" vẫn không hề bi lụy, sướt mướt, khi  ở nơi xa này, những trái tim nhỏ vẫn biết "xích lại gần nhau để âm ỉ cháy mãi những yêu thương".
 
Ngập tràn một trời nhớ, ngập tràn cả nỗi lòng không tả nổi, tác giả chỉ biết "...ngước lên trời nhìn Paris ráo hoảnh: Con én nào chở những yêu thương cho trái tim đong đầy?". Tác giả với đôi mắt tưởng chừng ráo hoảnh ngước nhìn trời Paris, nhưng lệ cảm thông đã như ngập tràn cõi lòng người đọc.
 
2. Nỗi niềm người lữ thứ, là một góc nhìn khác của một độc giả chung nỗi niềm “15 năm có lẻ” nơi đất khách quê người. Đọc qua đầu đề bài viết, tôi cảm thấy có một chút gì đó cay cay nơi sống mũi. Một cảm giác lâng lâng, một chút hoài niệm về quá khứ hiện dần trong tôi. Xúc động biết bao khi từng dòng của bài viết đã đưa người đọc đến từng ngõ ngách của nỗi nhớ nhung mỗi khi Tết đến, Xuân về không được cùng gia đình đầm ấm bên mâm cơm ngày cuối năm với những món ăn thân thuộc, những cảnh sắc ngày tết, những trò chơi  thủa ấu thơ mà mỗi chúng ta không ai có thể quên được. 
 
Tôi cũng đã một thời xa quê đến mười mấy năm có lẻ không có Tết. Bởi vậy khi đọc bài viết của Hải Triều, một ký ức xa xôi đã ùa về trong tôi. Ngày ấy khi những bông hoa tuyết trắng xóa tan dần, thay vào đó là tia nắng xuân trải đều trên những cành cây vừa mới vượt qua một mùa đông giá lạnh, tôi cảm nhận một mùa xuân đang đến gần khiến lòng tôi trào dâng nỗi nhớ Tết quê hương. Giờ đây đọc bài viết này tôi mới thực sự thấu hiểu rằng, ai đã từng xa quê, ngồi một mình vào những ngày giáp Tết, vào chính cái đêm giao thừa cô đơn trong cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới thấm thía, đau đáu một nỗi nhớ quê hương tha thiết đến nhường nào! Quê hương! Hai tiếng thân thương mà mỗi khi cất lên ta nghe da diết lòng. Quê hương là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, nơi có dòng sữa mẹ chắt chiu nuôi ta khôn lớn, nơi có người cha chắp cho ta đôi cánh để chúng ta tung bay, là nơi cất giữ bao kỷ niệm tươi đẹp thời ấu thơ.
 
Chắc hẳn quê hương trong tâm khảm mỗi người là những gì đẹp nhất, thiêng liêng gần gũi nhất. Hình ảnh Tết trong tôi những năm tháng xa nhà, là bóng mẹ ngồi bên nồi bánh chưng đỏ lửa, là dáng cha cặm cụi với cây nêu, cành đào, là màu đỏ của đôi câu đối được cha trang trọng dán lên hai bên ban thờ, là niềm vui với những đồng tiền mừng tuổi, là màu xanh của bánh chưng, là mùi hăng của lọ dưa hành muối, vị đậm đà của nồi thịt đông mẹ nấu, là mùi hương bay nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết, là bữa cơm tất niên đoàn tụ gia đình, là những lời chúc tụng tốt đẹp  nhân dịp năm mới từ người thân, bạn bè… Mọi thứ tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống thường nhật của mỗi người nhưng trong ký ức thi thoảng bỗng dâng trào lên trong tâm trí, trong khóe mắt của người xa quê. 
 
Tết quê hương là vậy, Tết quê hương đưa ta về với không gian của tình thân. Và Tết cũng thật bao dung mở rộng vòng tay đón ta về với cội nguồn của dân tộc. Tết đã đến và đã qua, dẫu giờ đây với tôi những cái Tết xa quê ngày ấy chỉ là những ký ức ngọt ngào nhưng nó đã trở thành hành trang giúp tôi vượt qua cảm giác buồn tê tái, để tôi vượt qua nỗi nhớ Tết quê hương đến cháy lòng. Bây giờ được đón tết ở quê nhà đọc bài viết của Hải Triều tôi lại thấy thương, thấy nhớ người Việt xa quê. 
 
Điểm nhấn của bài viết là thể hiện được những hình ảnh về người mẹ, những kỷ niệm đẹp đẽ một thời với Tết của tác giả ở quê nhà và nỗi lòng khát khao được ở bên gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về, là những lời tự sự với người thân khiến cho ai đọc cũng xúc động đến rơi nước mắt. “Mẹ ạ, đừng bao giờ nghe bài “Xuân này con không về” bởi mỗi lần vừa nghe cất lên “Con biết xuân này mẹ chờ tin con…” là con lại trào nước mắt”. Đọc đến đây, tôi cũng đã phải trào nước mắt. Cũng đã mười mấy năm xa quê tôi đã từng nghe và từng khóc với bài hát này...
 
Người xây dựng