Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết “Dân vận khéo” năm 2019. Hội thảo được thực hiện trực tuyến đến các tỉnh, thành ủy trong cả nước.
Các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Điểu K’re - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Tư tưởng dân vận của Bác Hồ vẫn nóng hổi tính thời sự
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận: Hiện nay chúng ta đang sống, làm việc trong xã hội thông tin, chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dân trí ngày càng cao.
Bởi vậy, để công tác dân vận ngày càng hiệu quả đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác dân vận phải trang bị cho mình trình độ học vấn, chuyên môn, kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý; năng lực dự báo, tổng kết thực tiễn, đồng thời có khả năng tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ra đời cách đây đã 70 năm, tác phẩm “Dân vận” đã thành cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác dân vận quần chúng của Đảng ta. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Dân vận” thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh.
“Cùng với thời gian, tư tưởng dân vận của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, vẹn nguyên giá trị, khẳng định sức sống trường tồn; tiếp tục dẫn đường, soi sáng cho công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Hội thảo được nghe tham luận của các đại biểu về giá trị tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác “Dân vận khéo”. GS.TS Hoàng Chí Bảo có tham luận: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Dân vận”. “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn của GS.TS Mạch Quang Thắng;…
Cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương đi trước
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn và ý nghĩa sâu sắc nội dung tác phẩm “Dân vận” của Bác, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận.
Tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Công tác dân vận là một bộ phận rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó phải rất coi trọng công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp, trong đó cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu hoạt động…
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy nguy cơ tha hóa của cán bộ, công chức Nhà nước khi cầm quyền trong tay nên Người luôn nhắc nhở những người làm công tác chính quyền từ làng, xã đến Trung ương phải là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân, không phải là quan cách mạng.
Chính vì thế, chỉ sau 4 năm, khi chính quyền mới, cuộc cách mạng giai đoạn của dân tộc đang ở giai đoạn khó khăn nhất, Người viết tác phẩm “Dân vận”. Và để trả lời câu hỏi? Ai phụ trách dân vận, Người chỉ rõ vị trí đầu tiên là tất cả cán bộ chính quyền.
“Và chúng ta thấy rằng, bây giờ chúng ta đang xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử với mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhưng phải thấy rằng, có áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đến mấy vấn đề chính vẫn là người sử dụng nó quyết định”, Thường trực Ban Bí thư nói và nhấn mạnh, cho dù bất cứ lúc nào, người làm công tác chính quyền phải luôn luôn dựa vào dân, làm công tác dân vận chính quyền tốt nhất trong tất cả những đối tượng phải làm.
Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui, buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân.
Để tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tới đây phải tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm;...
“Nếu mỗi cán bộ, đảng viên từ mỗi thôn, bản, làng, xã đến huyện, tỉnh và Trung ương xác định rõ tâm thế trách nhiệm vì dân, tâm huyết với dân thì công tác dân vận sẽ có chuyển biến tích cực” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Bế mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ và vận dụng vào thực tiễn hiện nay. Qua đó, thực hiện công tác dân vận càng ngày đi vào thực chất, lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo hiệu quả hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi viết “Dân vận khéo năm 2019” cho 50 tác phẩm.