Tiếp tục chương trình Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người" tại Nghệ An, chiều 24/6, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều nội dung quan trọng.

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì hội thảo. Tham dự có các đồng chí: Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Con Cuông.

bna_chieu_anh_thanh_quynh9284922_2462019.jpgQuang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến công tác dân tộc

Tiếp tục đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến liên quan đến việc thực hiện công tác dân tộc.

Liên quan đến vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có 378.634 hộ đồng bào DTTS đang thiếu đất sản xuất với tổng diện tích đang thiếu trên 211.000 ha. Mức bình quân đất sản xuất cho bà con đồng bào còn rất thấp, xấp xỉ  0,1ha/nhân khẩu, trong khi chất lượng đất chưa cao, điều kiện canh tác khó, độ dốc lớn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bởi nhiều bà con vùng đồng bào DTTS đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng thu hồi lại hoặc bị thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp còn chậm và kém hiệu quả.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh
Để khắc phục tình trạng trên, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ khẳng định việc cấp bách trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS.

Cần bổ sung quy định về điều kiện của đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp từ đồng bào được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhằm hạn chế việc chuyển nhượng sai mục đích; tạo quỹ đất phục vụ hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS thông qua điều chỉnh quy hoạch, bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào và hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất và đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai cho bà con đồng bào.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc cũng cần được quan tâm hơn nữa, xuất phát từ quan điểm: bảo tồn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Việc thực hiện cần đồng bộ, hỗ trợ nguồn lực để tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định tình hình chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Hiện mức bình quân đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS rất ít người chỉ đạt 0,1ha/nhân khẩu, với chất lượng đất thấp, điều kiện canh tác khó, độ dốc lớn. Ảnh tư liệu Đào Tuấn

Xây dựng chính sách phát triển dân tộc trong thời kỳ mới

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, công tác dân tộc đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Bên cạnh việc thể chế hóa Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc, Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS rất ít người nói riêng.

Đồng chí Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận tại hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác dân tộc còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó sự phối hợp của các cấp, ngành còn chưa đồng bộ. Đơn cử như vấn đề phân bổ nguồn vốn, giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con gặp nhiều bất cập. 
Trước sự thay đổi của thực tiễn, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đồng bào DTTS rất ít người trong thời kỳ mới với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, bao gồm tạo sinh kế, đảm bảo đất ở, đất sản xuất, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chăm lo đến lĩnh vực y tế - giáo dục và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc rất ít người trên cả nước. 

"Ngay sau hội nghị này, tôi thấy cần có các chương trình giám sát chuyên đề mà nội dung sẽ được báo cáo và ghi trong dự thảo Nghị quyết. Cần thiết sẽ phải làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, đối tượng được thụ hưởng chính sách, các chuyên gia hoạch định chính sách và để chặt chẽ hơn nữa, cần thiết phải có phiên làm việc liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Đối với Nghệ An, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân của tỉnh nhà trong việc đồng lòng thực hiện các chính sách, công tác dân tộc trong thời gian qua. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nông thôn mới, giữ vững an ninh - quốc phòng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. 
Thời gian tới, Nghệ An cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước với trách nhiệm cao nhất, với tấm lòng yêu nước, thương nòi; tiếp tục khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, về công tác dân tộc để duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đồng chí Tòng Thị Phóng đến thăm, tặng quà tại Trường PTDTNT - THCS Con Cuông. Ảnh: Tường Vi
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có chuyến thăm, tặng quà tại Trường PTDTNT - THCS Con Cuông.