Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-10/7/2020), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Long An phối hợp vừa tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An.
Xuất thân là một trí thức được học tập trong hệ thống nhà trường của Pháp, với mục đích đào tạo trở thành công chức phục vụ cho chính quyền thực dân, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã từ bỏ những lợi ích hưởng thụ cá nhân mà chính quyền thực dân dành cho, để đến với cách mạng. Điều đó cho thấy tinh thần yêu nước và nghị lực phi thường của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đã vượt qua những cám dỗ vật chất, vượt qua những hạn chế, ràng buộc của xã hội đương thời, để trở thành người chiến sĩ cộng sản, một lòng một dạ phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực. Trong những năm tháng bị địch bắt, bị tra tấn, đày ải trong các nhà tù, trại giam của kẻ địch, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã thể hiện tinh thần trung kiên, bất khuất, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng, giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Trong phát biểu kết luận buổi hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nêu bật những đóng góp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, người con ưu tú của quê hương Long An. Theo Phó Thủ tướng, ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, được phân công hoạt động hợp pháp trong Ban Trí vận của thành phố Sài Gòn, với tài năng, nhiệt huyết và sự khiêm nhường của một trí thức chân chính, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành linh hồn, người lãnh đạo rất có uy tín của phong trào hòa bình ở Sài Gòn-Chợ Lớn đầu những năm 1950. Trong đó, đặc biệt phải kể đến cuộc đấu tranh của đồng bào Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh lân cận vào tháng 1/1950, nhân sự kiện học sinh Trần Văn Ơn bị sát hại.
Dưới sự lãnh đạo của Phái đoàn đại biểu các giới do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu, hàng chục vạn nhân dân, đông đảo nhất là thanh niên, sinh viên, xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ, tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do hội họp. Từ đó, ngày 9/1 trở thành ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã vận động các nhân sĩ, trí thức tham gia thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình. Dưới sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, thành phố Sài Gòn đã thành lập được các ủy ban bảo vệ hòa bình ở khắp các khu chợ, trường học, nhà máy, các vùng ở nội đô và các xã ven Sài Gòn, tạo ra khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng chống lại âm mưu phá hoại Hiệp định Geneve của địch. Tháng 2/1950, đồng chí cũng là người lãnh đạo cuộc biểu tình của nhân dân Sài Gòn, phản đối sự có mặt của 2 tàu chiến Mỹ ở Cảng Sài Gòn. Đây là cuộc biểu tình chống đế quốc Mỹ đầu tiên của nhân dân ta.
Theo Phó Thủ tướng, với tài năng và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở thành ngọn cờ tập hợp, quy tụ các lực lượng yêu hòa bình, dân chủ ở miền Nam, đoàn kết đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Điều này thể hiện rõ nét qua sự kiện khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập (tháng 12/1960), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đang bị chính quyền của Ngô Đình Diệm quản thúc ở Phú Yên, nhưng các đại biểu đã biểu quyết, thống nhất để khuyết chức danh Chủ tịch và sẽ bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào chức vụ này.
Và sau khi được giải thoát khỏi nhà giam, tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam và vai trò to lớn của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, cách mạng miền Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11/1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8/1994, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, sâu sát, hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng; là người có công lao to lớn trong chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992; nhiều đề xuất và ý kiến của đồng chí được ghi nhận, vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, nhất là trong việc đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.
Phó Thủ tướng cho biết, tuy chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn kính trọng, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy cách mạng vĩ đại của mình. Đồng chí xứng đáng là người học trò trung thành, người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
“Tấm gương đạo đức tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên Việt Nam học tập và noi theo”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.