Còn nhớ, khi giao nhiệm vụ cho tôi giữ cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đồng chí Nguyễn Đức Bình nhắc tôi: “Con đường của CNXH và của cách mạng Việt Nam đã và sẽ thuận theo quy luật lịch sử tự nhiên của nhân loại, tất nhiên phải kế thừa các giá trị về tự do, bình đẳng, bác ái... Quyền con người là một trong những giá trị đó. Chú làm viện trưởng thì nhất thiết phải theo quan điểm của Đảng ta… không thể viết, giảng về nhân quyền theo quan điểm của phương Tây”.
Thời kỳ đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí luôn nhắc tôi: “Phải đổi mới tư duy lý luận, nhưng phải giữ nguyên tắc. Đó là nhất thiết phải bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội; phải trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cũng nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nay đến lượt Đảng ta, những người hoạt động lý luận phải biết vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Nguyễn Đức Bình là người đặc biệt nhạy cảm, rất quan tâm phòng, chống sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Có lần, anh nói với tôi: “Cần nhìn nhận tham nhũng, thoái hóa biến chất, không phải ở cá nhân này hay cá nhân khác, mà là một vấn đề rất đáng quan tâm của Đảng cầm quyền; Đảng, Nhà nước cần phải thường xuyên ngăn chặn và có những giải pháp mang tính hệ thống…”.
Về kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng chí nhận định, thời kỳ từ sau năm 1975 cho đến trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã giáo điều trong việc học theo mô hình của Liên Xô trước đây (kinh tế kế hoạch hóa, nhà nước chuyên chính vô sản… kỳ thị với kinh tế thị trường) nay cần thực hiện đường lối kinh tế thị trường, nhưng phải có sự quản lý của Đảng và Nhà nước.
Với Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ trong học viện phải kiên định lý luận đó, nhưng kiên định không có nghĩa làm theo một cách máy móc, giáo điều, nhắc lại câu chữ đã cách chúng ta cả thế kỷ… Kiên định là phải giữ lập trường chính trị, kiên định con đường đi lên CNXH, kiên định với lợi ích của xã hội, của người lao động…; đó còn là sự vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của đất nước và tình hình thế giới. Đồng chí nhắc tôi nên đọc lại nhiều lần tác phẩm “Thà ít mà tốt” để thấy quan điểm của Lênin về tổ chức bộ máy và chống tham nhũng… Đồng chí cũng nhắc tôi nên đọc và giới thiệu bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”…
Mặc dù giữ nhiều trọng trách, công việc nhiều, nhưng đồng chí Nguyễn Đức Bình luôn miệt mài tự viết bài, ngay cả khi bận rộn và tuổi cao, sức khỏe yếu. Những bài viết của đồng chí về công cuộc đổi mới, về xây dựng Đảng, người đọc dễ nhận thấy tư duy độc lập và sáng tạo của đồng chí. Những khi được làm việc gần anh, tôi càng thêm hiểu anh là một nhà lý luận trung thực. Anh chỉ viết những gì mình tin tưởng và là người không thích sáo rỗng, nói lấy được… Lẽ dĩ nhiên, với cương vị, trọng trách của mình, anh không thể trình bày công khai quan điểm về những vấn đề còn đang “vênh” nhau giữa học thuật với cuộc sống. Là giáo sư hàng đầu về triết học, anh rất hiểu về những mâu thuẫn cần phải giải quyết, vì “thực tiễn là chân lý”, nhưng vấn đề còn là trách nhiệm chính trị!
Những ai có dịp đến thăm đồng chí tại nhà riêng, đều dễ nhận thấy cuộc sống giản dị của đồng chí. Căn nhà trong khu tập thể của học viện, vẫn những chiếc ghế gỗ, chiếc bàn thời bao cấp… Với anh, triết lý sống đơn giản là “phù hợp” với mình…
Vĩnh biệt anh! Tôi thắp nén tâm nhang và thầm cầu mong cho linh hồn anh được thanh thản nơi vĩnh hằng… Anh Bình thương nhớ! Anh hãy yên nghỉ, sự nghiệp cách mạng của Đảng có sự đóng góp của anh, cho dù còn đứng trước nhiều thử thách, nhưng vẫn sẽ được các thế hệ nối tiếp thực hiện, để xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên CNXH.
TS CAO ĐỨC THÁI, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh