Nỗ lực hành động ở các địa phương
Trong những ngày cuối năm, cùng Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh khảo sát việc triển khai ra quân giải tỏa, đảm bảo hành lang ATGT ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy, so với trước đây, hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ được đảm bảo tốt hơn.
Một số địa phương tổ chức ra quân thường xuyên, không chờ ngày cận Tết mới làm nên tình hình trật tự, hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ được đảm bảo.
Tại Diễn Châu, năm 2019, huyện tổ chức ra quân 3- 4 đợt giải tỏa, trong đó mạnh nhất là hành lang dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Diễn An đến Diễn Thành, đã giải tỏa gần 50 ki-ốt, tháo dỡ và tịch thu hàng ngàn m2 mái lợp cũng như vật liệu đổ trái phép. Đặc biệt, triển khai ra quân dịp trước Tết này, các địa phương đã tịch thu 2.500 ô, dù và nhiều biển quảng cáo vi phạm hành lang ATGT.
Tương tự, tại huyện Nghi Lộc, sau khi vỉa hè 2 bên hành lang Quốc lộ 1A (đoạn qua thị trấn Quán Hành) được chỉnh trang, Ban ATGT thị trấn tổ chức cho các hộ kinh doanh ven đường ký cam kết và liên tục kiểm tra nhắc nhở. Ngày 27/12/2019, huyện ra quân và ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai. Đến ngày 9/1/2020, toàn huyện đã tháo dỡ 50 mái che, hơn 70 biển quảng cáo cố định; thu hồi hơn 200 biển quảng cáo di động các loại; chặt và phát quang hơn 200 cây cối và đẩy đuổi, sắp xếp lại hơn 300 cửa hàng kinh doanh, thu dọn hơn 100 m3 đất đá…
Trong khi đó, tại TX. Hoàng Mai và Quỳnh Lưu, do tình hình tái lấn chiếm hành lang ATGT trên tuyến Quốc lộ 1 và một số đoạn tại Quốc lộ 48D và 48B có biểu hiện phức tạp và ngay từ giữa tháng 12/2019 (khi tỉnh chưa ban hành Kế hoạch mở đợt ra quân cao điểm giải tỏa hành lang an toàn giao thông) thì UBND 2 địa phương này đã có văn bản chỉ đạo các địa phương ra quân giải tỏa, trả lời cử tri tại HĐND kỳ cuối năm. Tại huyện Quỳnh Lưu, vào ngày 15/12/2019, huyện đã quán triệt cho các địa phương và ngày 17/12/2019 tổ chức ra quân đồng loạt, sau đó giao cho các địa phương rà soát, tổ chức lực lượng kiểm tra, giải tỏa ngay tại địa phương mình.
Còn tại TP. Vinh, từ đầu tháng 12/2019, cùng với thông qua Kế hoạch chỉnh trang đô thị dịp Tết Nguyên đán, thành phố cũng ban hành Kế hoạch ra quân giải tỏa hành lang an toàn vào dịp sát Tết Nguyên đán, trong đó có kế hoạch cụ thể cho từng tuyến đường hay bị lấn chiếm để bán hàng, hoa, cây cảnh như chợ Nghi Kim trên đường Nguyễn Trãi, chợ cửa Bắc trên đường Lê Lợi, Đại lộ Lê Nin – Xô viết Nghệ Tĩnh; đường Nguyễn Du thuộc phường Trung Đô… để giao cho Đội Quy tắc phường, Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố và Công an các phường, xã thường xuyên kiểm tra nhắc nhở.
Ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị cho hay: Năm 2019, thành phố đã tiến hành kẻ, vẽ nhiều tuyến vỉa hè đề lực lượng chức năng giám sát và bà con chấp hành. Hiện nay, để phục vụ Tết Nguyên đán, thành phố cũng đồng ý một số khu vực đường hoa, chợ hoa, cây cảnh ở Đại lộ 3/2, đường Lê Nin và tuyến Quốc lộ 46 ở xã Nghi Ân để các hộ bày bán hoa và cây cảnh Tết; tổ chức để các hộ ký cam kết không gây cản trở giao thông và lực chức năng sẽ thường xuyên tuần tra nhắc nhở, xử lý.
Bên cạnh lịch ra quân của các địa phương, để đảm bảo an toàn giao thông và công trình trên các tuyến quốc lộ, Cục Quản lý đường bộ 2 cũng đang tổ chức đi kiểm tra các tuyến đã và vừa mới thi công khắc phục các hạng mục đảm bảo an toàn để có giải pháp khắc phục, xử lý.
Đại diện Phòng An toàn giao thông, Cục Quản lý đường bộ 2 cho biết: Năm 2019, Cục thường xuyên phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh điều tra khảo sát các điểm đen, điểm có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cũng như vị trí các giải phân cách và hộ lan trên tuyến Quốc lộ 1A chưa hợp lý theo kiến nghị của các địa phương để xem xét mở lại cho người dân đi lại thuận tiện và đảm bảo an toàn lưu thông.
Trên cơ sở Kế hoạch số 765 của UBND tỉnh, tính đến thời điểm 12/1, tất cả các địa phương đã tổ chức ra quân giải tỏa đảm bảo hành lang. Mặc dù các thành viên các sở, ngành chưa có báo cáo, nhưng sau hơn 2 tuần ra quân cao điểm công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông trước Tết có chuyển biến tốt hơn so với các năm trước.
Vẫn thiếu sự “bền vững”
Tìm hiểu tình hình ATGT và trực tiếp khảo sát một số tuyến quốc lộ chúng tôi nhận thấy, mặc dù đã có cố gắng nhưng tính bền vững của các đợt giải tỏa hành lang ATGT vẫn chưa cao. Tại các địa phương, chỉ cần cơ quan chức năng lơ là và các địa phương thiếu nhắc nhở, xử lý không quyết liệt là hiện tượng tái lấn chiếm xảy ra.
Điển hình của hiện tượng trên là tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT Quốc lộ 1A đường Nguyễn Trãi gần cầu vượt xã Nghi Kim, đoạn qua Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm và thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) hay đoạn Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) đang khá lộn xộn khi có hàng loạt các ki-ốt đặt biển quảng cáo tràn xuống vỉa hè, các điểm sản xuất, kinh doanh có lượng xe ra, vào, dừng, đậu khá lộn xộn, chỉ nhắc được vài hôm lại tái diễn.
Trung tá Võ Quang Trung – Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Quỳnh Lưu cho hay: Thực chất, các điểm trên, các đợt ra quân đảm ATGT, huyện đều nhắc nhở, tịch thu tang vật, nhưng do hạ tầng kỹ thuật còn quá bất cập, yếu kém nên cũng khó ra tay quyết liệt. Ví dụ, hiện tại huyện chưa quy hoạch được bến xe và bến tạm thì quá xa trung tâm nên rất khó xử lý các xe dừng, đậu ở ngã tư cầu Giát. Ngã tư thị trấn Cầu Giát là tuyến giao thông trọng điểm của huyện nhưng hệ thống đèn tín hiệu giao thông liên tục bị sự cố khiến ùn tắc xảy ra thường xuyên và khá nguy hiểm.
Thực tế, vi phạm hành lang chủ yếu là treo và đặt biển quảng cáo ảnh hưởng đến lối đi lại của xe thô sơ hoặc treo biển quảng cáo quá thấp và vuông góc với đường khiến tầm nhìn bị hạn chế.
Ngoài ra, một số nút giao giữa đường dân sinh với đường mới thi công như Quốc lộ 48D, 48E, hay đường N5 còn có những bất cập dẫn tới tầm quan sát từ các phía ra rất hạn chế, người dân đi lại chưa quen nên tai nạn gia tăng.
Hai năm lại đây đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông chết người trên tuyến Quốc lộ 48B, 48D qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai và đường N5 qua các huyện Nghi Lộc, Đô Lương là do hành lang ATGT không đủ rộng, thiếu các biển cảnh báo hạn chế tốc độ…
Để xử lý các điểm có nguy cơ mất ATGT này, Ban An toàn giao thông tỉnh đang khảo sát để đề nghị Trung ương bố trí kinh phí để giải tỏa, mở rộng hành lang. Tuy nhiên, trong khi chờ kinh phí hỗ trợ để khắc phục các điểm đen, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí kinh phí xử lý khắc phục các điểm nguy cơ thuộc thẩm quyền (định mức dưới 300 triệu đồng), trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Mặt khác, tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông gây chết người gần đây chủ yếu xảy ra tại các điểm đen là nút giao giữa đường dân sinh với đường mới thi công như Quốc lộ 48D, 48E, đường mòn Hồ Chí Minh, đường N5.
Để xử lý các điểm có nguy cơ mất an toàn, Ban An toàn giao thông tỉnh đang đề nghị Trung ương bố trí kinh phí giải tỏa mở rộng hành lang. Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị UBND tỉnh và các địa phương chủ động bố trí kinh phí, xử lý khắc phục các điểm nguy cơ nhỏ nhằm đảm bảo an toàn đi lại cho người dân.Mặc dù bước đầu đã có chuyển biến nhưng để biết địa phương nào làm tốt thì phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, thời điểm người dân chính thức đi mua sắm Tết Nguyên đán thì mới đánh giá được. Tỉnh đã có kế hoạch và giao cụ thể cho các địa phương về chống ùn tắc và đảm bảo an toàn trước và trong dịp Tết, nên các địa phương phải tập trung lực lượng, ra quân quyết liệt và có các giải pháp đồng bộ, cương quyết xử lý tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT thì mới đạt yêu cầu./.