(Baonghean) - Thứ Hai, ngày 13/4, Viện Quốc tế Nghiên cứu về hòa bình ở Stockholm (SIPRI) công bố cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina đã khiến các khoản chi tiêu dành cho quốc phòng của Nga và các nước ở Đông Âu buộc phải thay đổi.
Mộp lễ duyệt binh ở Rumani. Ảnh: AP
Theo thống kê của SIPRI, Mỹ vẫn là quốc gia dành đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng. Nhưng những chi phí này trong năm 2014 đã giảm 6,5% so với năm 2013, chỉ còn 610 tỷ USD. Mặc dù có giảm nhưng mức đầu tư vào quốc phòng của Mỹ vẫn cao hơn 45% so với thời điểm trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001.
Ngay sau vị trí của Mỹ là Trung Quốc với  số tiền 216 tỷ USD dành cho quân sự, tăng 9,7% so với năm trước. Còn Nga đứng vị trí thứ 3 với số tiền 84,5 tỷ USD. Nhưng có vẻ như các khoản ngân sách dành cho quân sự của xứ sở Bạch Dương vẫn còn tăng lên nữa, nhất là khi tình hình chiến sự ở miền đông Ukraina chưa được giải quyết dứt điểm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ trong năm 2014, các khoản chi phí dành cho việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Nga tăng 8,1%. Trong mấy tháng đầu năm 2015, các khoản đầu tư cho quân sự ở Nga tiếp tục tăng thêm 15%. Dường như cuộc xung đột ở Ukraina khiến cho nhiều quốc gia ở Trung Âu, ở vùng Baltic và ở cả Bắc Âu đang phải xem xét lại chính sách quốc phòng của mình.
Ông Sam Perlo Freeman, một trong những chuyên gia của SIPRI cho biết “Cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã thay đổi căn bản tình hình an ninh ở châu Âu”. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà quan sát mới chỉ ghi nhận các nước láng giềng của Nga thay đổi về chi tiêu quân sự.
Về các nước Đông Âu, trong năm 2014, Ukraina đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 4 tỷ USD, tương đương tăng 23% so với năm trước đó. Con số này được sự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015. Ba Lan cũng cho tăng chi tiêu quốc phòng lên 13% vào năm 2014, đồng thời dự kiến tăng lên 38% vào năm 2015.
Trong khi đó, nhìn chung các nước trên thế giới đều đang giảm các khoản chi tiêu quốc phòng của nước mình. Đây là năm thứ 3 liên tiếp SIPRI ghi nhận việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của các nước. Bằng chứng là các khoản đầu tư quân sự trong năm 2014 giảm 0,4% so với năm trước, tương đương với 1.1776 tỷ USD. SIPRI cho biết “Các quốc gia như Mỹ và Tây Âu liên tục cắt  giảm các khoản chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, nhưng phần còn lại của thế giới vẫn duy  trì trong năm 2014, mặc dù các khoản chi tiêu quốc phòng tại Mỹ Latinh vẫn không thay đổi đáng kể”.
Tại châu Phi, chi tiêu quân sự tăng 5,9% trong khi ở châu Á và châu Đại Dương tăng 5%. Riêng tại châu Á, Trung Quốc được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng chi tiêu dành cho quốc phòng tại khu vực khi nước này dành khoảng 2% và 2,2% GDP dành cho quốc phòng trong 10 năm vừa qua.
Chu Thanh 
Theo Le Monde 13/4
TIN LIÊN QUAN