Cuộc gặp lần này ở Bắc Kinh diễn ra ngay sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và đúng 1 năm sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong khi vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nâng lên một tầm cao mới sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước thì chuyến công du châu Á lần này được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để ông Donald Trump kéo tỷ lệ ủng hộ trong nước đang ở mức thấp kỷ lục sau đúng 1 năm đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tại Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên được đánh giá là dễ chịu nhất trong chuyến công du châu Á dài ngày lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng ký lên chiếc mũ có ghi dòng chữ “Làm cho liên minh vĩ đại hơn nữa” (Make Alliance Even Greater), tựa như khẩu hiệu tranh cử của ông là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again).
Tại Hàn Quốc, ông Trump cũng ca ngợi sự hợp tác “vĩ đại” (great) giữa Washington và Seoul.
Nhưng đó là với 2 đồng minh cốt cán của Mỹ ở Đông Bắc Á, còn cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay (8/11) đến giờ vẫn còn là một ẩn số.
Mặc dù vậy, có điều chắc chắn rằng lãnh đạo 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này có một điểm chung, đó là cả 2 đều muốn đất nước của mình “vĩ đại trở lại”.
Ba lần gặp gỡ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân tới Bắc Kinh hôm nay (8/11) và đây là lần thứ 3 lãnh đạo 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp nhau trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang tuần trước đã tiết lộ rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ “sẽ có ý nghĩa đặc biệt” và cam kết sẽ biến nó trở thành cuộc gặp lịch sử.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuyên bố đã thiết lập một “tình bạn” từ cuộc gặp đầu tiên ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump ở Florida hồi tháng 4/2017 bất chấp việc đôi bên vẫn còn những ý kiến trái ngược về thương mại và cách thức xử lý vấn đề Triều Tiên.
Tình bạn đó có lẽ được xây dựng trên cơ sở chia sẻ chủ nghĩa dân tộc, giữa một bên là chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump với bên kia là tuyên bố của ông Tập Cận Bình trong phát biểu bế mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua rằng, sẽ “nỗ lực không mệt mỏi và dốc sức trên hành trình hiện thực hóa việc đưa Trung Quốc trẻ trung trở lại”.
Ông Donald Trump vốn là người có thói quen thể hiện sự “trên cơ” của mình bằng những cái bắt tay dứt khoát và mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo thế giới. Song có lẽ Tổng thống Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi gặp lại Chủ tịch Tập Cận Bình, người vừa được bầu lại làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần này.
Bản thân ông Donald Trump cũng phải thừa nhận rằng ông Tập Cận Bình đã được ‘nâng lên tầm phi thường” (extraordinary elevation), đến mức Tổng thống Mỹ ví von rằng một vài người có thể gọi Chủ tịch Trung Quốc là “Ông Hoàng Trung Hoa” (King of China).
Bên “như hổ thêm cánh”, bên “nặng gánh giang sơn”
Thực tế, giới quan sát cũng phải nhận định rằng ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông đến nay. Trong khi đó, ông Donald Trump đang phải vật lộn với tỷ lệ ủng hộ “lẹt đẹt” liên miên và đã chạm xuống mức thấp nhất trong suốt 7 thập kỷ qua.
“Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và sau đó là sự hỗn loạn của Nhà Trắng dưới thời ông Donald Trump đã tăng thêm sự tự tin, thậm chí là ngạo mạn của Trung Quốc, rằng cuối cùng thì thời khắc của họ cũng đã đến” – chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, ông Orville Schell nhận định với AFP.
Chuyên gia này chỉ ra rằng, “ông Tập Cận Bình đã cải thiện đáng kể sự giàu có và quyền lực của Trung Quốc và điều đó càng khiến ông ấy khó thỏa hiệp”.
Theo Schell, đối với ông Donald Trump, “chiến thắng là tất cả mọi thứ trong cuộc đời này”. Ông cho rằng Tổng thống Mỹ “chưa có được nhiều chiến thắng, vì thế nếu ông ấy có thể mang về nhà một chiến thắng ở Trung Quốc thì điều đó cực kỳ có ý nghĩa”.
Ông Donald Trump là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Trung quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh đã hứa hẹn rằng sẽ dành sự tiếp đón trọng thể “hơn cả chuyến thăm cấp nhà nước” và điều này là liều “thuốc tăng lực” đáng kể cho Tổng thống Mỹ trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông khá bi đát. Không chỉ có duyệt đội danh dự và quốc yến, Bắc Kinh dự kiến ký hàng loạt thỏa thuận nhiều tỷ USD với Washington nhân chuyến thăm lần này của ông Donald Trump.
Nhưng “ông Tập Cận Bình cũng có thể ‘lái’ được [Tổng thống Mỹ – ND] nếu ông ấy [Donald Trump – ND] không cẩn thận”, ông Schell cảnh báo, đồng thời cho rằng tất cả những động thái tiếp đón xa hoa trên có thể nhằm đánh lạc hướng Mỹ khỏi vô số những vấn đề còn nhiều tranh cãi với Trung Quốc, từ thâm hụt thương mại đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Đối với ông Tập Cận Bình, tất cả lại xoay quanh hình ảnh của chính ông ấy và nỗ lực nhằm khiến ông Donald Trump phải tỏ ra thân thiện với Trung Quốc”, Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu có tên Hội đồng Đối ngoại có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định.
Đến nay, chiến lược đó dường như có hiệu quả khi những tuyên bố gay gắt của Tổng thống Mỹ về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử 1 năm trước bỗng nhường chỗ cho những lời ca ngợi “có cánh” dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Tôi rất thích ông ấy, gọi ông ấy là bạn và ông ấy cũng xem tôi là bạn. Ông ấy đại diện cho Trung Quốc còn tôi đại diện cho nước Mỹ” – Tổng thống Donald Trump chia sẻ hôm 6/11 khi đang ở thăm Tokyo, Nhật Bản. Các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định rằng 2 nhà lãnh đạo có “tình bạn cá nhân tốt đẹp”.
Nhưng Bắc Kinh sẽ không chủ quan
“Hiện giờ, ông Donald Trump tỏ ra khá thân thiện với Trung Quốc nhưng rút cuộc ông ấy vẫn là một doanh nhân”, chuyên gia chính trị Trung Quốc Hu Xingdou nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, giờ đây Trung Quốc không còn thấp thỏm như khi 2 nhà lãnh đạo lần đầu gặp nhau ở Mỹ bởi “vận may đã đảo ngược” khi vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình đang lên từng ngày.
Mặc dù vậy, giới quan sát Trung Quốc vẫn cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ cẩn trọng.
“Mỹ đang ở vị thế chiến lược ‘2 bước tiến, 1 bước lùi’ và rõ ràng Washington vẫn đang hoàn toàn dẫn dắt thế giới”, chuyên gia về các vấn đề đối ngoại của trường đại học Hong Kong Xu Guoqi nhận định. “Trung Quốc vẫn chưa thể sánh được uy lực đó”./.
Theo VOV