Ngôi nhà nhỏ giản dị, xanh mát của cựu binh Phạm Ngọc Ánh, nguyên cán bộ Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng), Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội, nằm trong một con ngõ thuộc khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò. Nơi ông ở cách cảng Cửa Hội không xa, cũng là địa điểm trước đây Trạm Kiểm soát BP Cửa Hội đóng quân. Đây cũng là đơn vị mà suốt cuộc đời người chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Phạm Ngọc Ánh gắn bó, đặc biệt là quãng thời gian từ năm 1963 đến 1979 - giai đoạn chiến tranh ác liệt, cán bộ, chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội cùng nhân dân địa phương đã chiến đấu nhiều trận oanh liệt chống lại bom đạn của giặc Mỹ.
Nay, tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhiều nhưng mỗi lần nhớ lại những năm tháng ấy, ông vẫn không khỏi xúc động. Hình ảnh về những sự kiện cùng bao đồng đội năm nào lại hiện về rõ mồn một trong tâm trí ông. Ông kể: Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân cả hai miền Nam - Bắc có những chuyển biến quan trọng. Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" thất bại hoàn toàn, nên đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", đẩy mạnh các hoạt động của không quân, hải quân, tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc.
Ở Nghệ An, từ tháng 2/1965 không quân Mỹ gia tăng đánh phá các điểm trọng yếu, đặc biệt trên các khu vực biên phòng, chúng hoạt động liên tục suốt ngày đêm để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Ngày 31/3/1965, trận địa trực chiến của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội (gọi tắt là Trạm Cửa Hội) phát hiện 2 máy bay phản lực của Mỹ từ phía biển bay vào vùng trời Cửa Lò, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (lúc bấy giờ là sỹ quan Công an nhân dân vũ trang) cùng dân quân xã nghi Thủy đã chặn đánh quyết liệt, 1 chiếc F105 của giặc bị bắn hạ tại vùng biển Cửa Lò.
Ông Phạm Ngọc Ánh chia sẻ những kỷ niệm một thời chiến đấu tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội. Ảnh: Hoài Thu Vào lúc 13 giờ này 10/5/1965, máy bay Mỹ từ phía biển lao vào oanh tạc dữ dội Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội và các xóm Hải Giang, Hải Nam, cả một vùng rộng lớn trúng bom Mỹ, lửa cháy ngùn ngụt. Các đồng chí Lưu Đình Thơi, Phạm Văn Bút, Nguyễn Đình Nho, Nguyễn Trường Dật của Trạm Cửa Hội được lệnh liền lao đi cứu chữa. Tại đây, một ngôi nhà lớn 6 gian bị cháy, sập đè lên một hầm trú ẩn, trong đó vọng ra những tiếng rên của trẻ nhỏ. Đồng chí Nho đã cùng các đồng chí khác lao vào bốc dỡ, lần lượt đưa 16 cháu may mắn còn sống ra ngoài. Tiếp đó, các đồng chí trong tổ xông vào cứu chữa một kho lưới đánh cá của hợp tác xã thoát khỏi đám cháy, cứu 1 nữ công nhân và nhiều tài sản khác của nhân dân Cửa Hội.
Lúc đó, tại trận địa phòng không của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội gồm các đồng chí Nguyễn Thanh Trường, Nguyễn Khắc Yên, Nguyễn Văn Phú, Lưu Đình Thơi căng mắt theo dõi từng chiếc máy bay địch. Từ xa chiếc F105 bay đâm nhào vào trận địa của trạm rồi phóng rocket.
“Ngay lúc đó các chiến sỹ ta đã chớp thời cơ cùng đồng loạt nổ súng quạt “roi lửa” vào mặt kẻ thù, 1 máy bay Mỹ đã phụt lửa cháy phừng phừng và lao ra biển, nhân dân ở hai bên cửa lạch reo hò cổ vũ tinh thần chiến đấu mưu trí, quả cảm của các chiến sỹ biên phòng” - bồi hồi nhớ lại.
Ông Phạm Ngọc Ánh
Ngày hôm sau, 13/5/1965, giặc Mỹ lại cho nhiều tốp máy bay đánh phá tới tấp với mật độ dày hơn vào các xóm Hải Giang, Hải Triều, xã Nghi Hải. Cán bộ, chiến sỹ Trạm Cửa Hội đã phối hợp cùng đơn vị C280 của Tỉnh đội Nghệ An cùng chiến đấu, hạ 1 chiếc máy bay F105. Cùng lúc đó, trận địa trực chiến của Đồn Biên phòng Cửa Lò cũng đã bắn hạ được 01 chiếc F105 của Mỹ. Và ngay trong đêm 15/4/1966, Thượng sỹ Nguyễn Khắc Yên - Đội phó Đội vũ trang Đồn 96 Cửa Lò lại tiếp tục lập công, một mình với khẩu súng trung liên đã bắn hết 09 viên đạn, hạ được 1 máy bay của Mỹ.
Cùng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Hoài Thu Nhớ lại những ký ức xưa, ông Phạm Ngọc Ánh dẫn chúng tôi đến thăm địa điểm ngày xưa Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội từng đóng chân.
Nhìn ra lòng sông, ông Phạm Ngọc Ánh lại nhớ những lần phá ngư lôi giặc Mỹ. Không chỉ ném bom phá hoại, máy bay Mỹ còn phong tỏa cảng biển Cửa Lò bằng bom mìn, thủy lôi. Quyết tâm phải dùng mọi biện pháp giải phóng luồng lạch để tàu thuyền ra vào thông suốt, an toàn, cán bộ, chiến sỹ Trạm Kiểm soát BP Cửa Hội đã nghiên cứu dùng một tấm bìa cứng hình tròn, trên chu vi của hình tròn chia và đánh dấu thành 360 độ để thể hiện khu vực Cửa Trạm.
Hình tròn có chia độ này được đặt cố định trong một căn hầm, giao cho một người thường trực, khi địch đánh bom, mìn thì người trực có nhiệm vụ đánh dấu trên hình tròn để ghi nhớ. Căn cứ vào các vị trí bom, mìn đó, trạm có thể xác định được luồng lạch, ra vào cửa lạch.
Ngày 23/7/1968, giặc Mỹ cho hàng chục máy bay đến ném bom và rải vô số bom từ trường xuống lạch Cửa Hội. Trong lúc đó, ngoài biển một đoàn thuyền gồm 24 chiếc chở hàng chi viện đang tiến vào cửa sông, trước tình thế đó CBCS Trạm Cửa Hội đã quyết định dùng nam châm để kích nổ 4 quả bom đã đánh dấu trên chiếc "La bàn bom từ trường" tự tạo của trạm. 4 quả bom này ở chính giữa dòng sông, để giải phóng mở một đường nước cho tàu, thuyền, sau gần 3 giờ đồng hồ CBCS đã kiên trì rà đi, quét lại nhiều lần, 3 quả bom đã nổ, còn lại 1 quả dù đã cọ đến lần thứ 18 vẫn không nổ, tổ rà soát của trạm kết luận là "bom bị tịt" và cho đoàn thuyền tiến vào.
“Lúc đó tôi đã lên chiếc thuyền đi đầu để dùng sào cắm xuống lòng sông đánh dấu vị trí quả bom chưa nổ. Song do lòng sông hẹp, nhiều thuyền phải đi gần vị trí quả bom nên đoàn vẫn không yên tâm, vì vậy Trung sỹ Nguyễn Đình Nho đã lội ra đứng vào vị trí quả bom chỉ huy đoàn thuyền lần lượt đi qua. Một lần khác, trong tình thế cấp bách, tôi và đồng đội đã lặn xuống lòng sông trực tiếp gỡ ngư lôi để tàu thuyền kịp thời lưu thông. Hành động đó của cán bộ, chiến sỹ Trạm Cửa Hội đã làm cho công nhân của Công ty Vận tải đường biển Nghệ An khâm phục, nhiều người đã viết thư cảm ơn cán bộ chiến sỹ trực chiến phòng không của trạm” - cựu binh Phạm Ngọc Ánh chia sẻ.
1 giờ sáng ngày 29/5/1972, có hàng chục máy bay Mỹ ập đến thả pháo sáng và đánh phá ác liệt vào khu vực Cửa Hội. Vùng cửa trạm mù mịt khói lửa, các trận địa pháo phòng không của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân của dân quân hai xã Nghi Hải và Nghi Hòa, trận địa trực chiến của Trạm Cửa Hội phối hợp chiến đấu. Trận đánh diễn ra ác liệt hơn 1 giờ đồng hồ, 1 chiếc F4 của địch bị bắn rơi bốc cháy lao ra biển, những chiếc còn lại ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Sau đó, ngày 31/5/1972 tổ trực chiến của Trạm Cửa Hội lập công xuất sắc hạ 1 máy bay AD6 ngay từ loạt đạn đầu.
Đồng chí Lưu Văn Chang dùng bàn phương vị để đánh dấu bom từ trường rơi vào cửa lạch năm 1966. Ảnh: Phòng truyền thống BĐBP Nghệ An cung cấp Đêm 4/6/1972, Trung sỹ Nguyễn Hữu Tiếp, Nguyễn Đình Hữu, Nguyễn Văn Sang mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt đã anh dũng xông vào dập tắt đám cháy để cứu kho gạo, giữ an toàn cho 78 tấn gạo. Đến ngày 4/9/1972, sau khi cứu chữa giải quyết hậu quả của một trận máy bay đánh phá vào xóm Hải Giang, xã Nghi Hải, trên đường quay về, các chiến sỹ của trạm bị một tốp máy bay AD6 của Mỹ đánh phá. Mọi người tìm hầm trú ẩn đánh trả thì một quả bom rơi trúng hầm khiến các đồng chí Lưu Văn Chang, Ngô Đình Nhật, Phan Văn Chiến, Hồ Văn Lộc hy sinh, đồng chí Phạm Văn Vinh bị thương nặng.
Tiếp nối truyền thống
Bộ đội Biên phòng tuần tra trên biển. Ảnh: Hoài Thu Ngày nay, vững bước cùng những “hành trang” mà các thế hệ cán bộ chiến sỹ dày công vun đắp, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội vẫn luôn giữ vững ý chí sẵn sàng chiến đấu, công tác, luôn giữ mối đoàn kết, tương trợ cùng nhân dân địa bàn đóng quân.
Hàng năm, trạm đã kiểm tra, kiểm soát hàng ngàn lượt người và phương tiện vào ra làm ăn sản xuất trên địa bàn; đảm bảo chặt chẽ các yêu cầu của pháp luật; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện qua lại làm ăn, khai thác hải sản.
Ngoài ra, trạm còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân và chính quyền địa phương phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời đối với các phương tiện và nhân dân trên địa bàn khi có tin bão trên Biển Đông. Sẵn sàng các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Để ghi nhận công lao cống hiến của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội đã được tuyên dương 2 lần danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang" vào ngày 25/8/1970 và ngày 3/9/1973.
Ông Phạm Ngọc Ánh gặp gỡ, trò chuyện ôn lại truyền thống Anh hùng cùng cán bộ, chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội. Ảnh: Hoài Thu Những thế hệ cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi đây người tóc đã bạc trắng, người còn trẻ tuổi, nhưng cùng chung một tấm lòng sắt son, tự hào và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.