(Baonghean.vn) - Ngược ngàn ăn Tết dương là một ý tưởng không tồi. Thế nhưng mãi tôi mới có một dịp như thế.
Đó là ngày bóc tờ lịch cuối cùng của năm cũ. Cậu em tôi có chuyến đi thăm vợ dạy học ở huyện Kỳ Sơn cách nhà gần 200 cây số. Tôi được cho ngồi ké trên chiếc xe máy cà tàng ngược quốc lộ 7A quanh co đèo dốc. Những chuyến đi về đại ngàn đã quá quen với tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi có được trải nghiệm về một kỳ nghỉ có vẻ “ngược đời” như thế.
Ngày nghỉ lễ thời nay người ta có xu hướng về với nơi đô hội hay một điểm du lịch mới nổi nào đó. Chẳng thế mà công sở, cơ quan, trường học ngày thường là trung tâm náo nhiệt nhất, khiến làng bản kém phần buồn tẻ cũng vắng hiu vắng hắt.
Trên cung đường vắng lặng qua bản Phà Bún nằm trên chóp một ngọn núi miền cao nguyên Huồi Tụ, những ngôi nhà Mông chìm nghỉm trong sương núi. Lúc này bản làng trở về với sự tĩnh tại vốn dĩ. Bầy trẻ nhỏ mải miết với trò chơi bất tuyệt trước căn nhà đóng kín cửa, trong cái rét như dao cứa thịt da. Cha mẹ của bầy trẻ không có ngày nghỉ lễ. Họ đang ở trên rẫy hay một góc rừng nào đó. Những người đàn ông bản Phà Bún có thể đang rong ruổi trên nhưng bản xa mua bò gầy về vỗ béo. Ngày nghỉ lễ, chỉ có trẻ nhỏ ở bản là được nghỉ ngơi.
Màn sương thưa dần khi chúng tôi đi trên đèo Phà Bún qua Bắc Lý. Đến xã Mỹ Lý cảm tưởng như bước vào một bầu trời khác. Màn sương giá và cả cái rét căm căm như tan biến. Theo góc nhìn của những nhà địa lý, sự chênh lệch về độ cao quả là một trải nghiệm thú vị. Chỉ trong phút chốc, nền nhiệt đã thay đổi hoàn toàn. Hai vùng khí hậu, nơi cư ngụ của cộng đồng người Mông ở chóp núi và làng bản người Thái ở dưới thung sâu thuộc hai vùng khí hậu.
Vào những ngày nghỉ lễ này, ở xứ người Mông trên núi cao hay tại các làng bản người Thái dưới hẻm núi đều chung bầu không khí vắng lặng. Với người vùng cao, Tết Dương lịch cũng là một ngày bình thường. Chiếc gùi vẫn đè nặng trên vai những phụ nữ Thái dọc con đường đất lởm chởm dốc núi vào bản Xằng Trên.
Trong câu chuyện thoáng qua, tôi nghe người ta kháo nhau chuyện về cô gái nọ cân nặng chỉ 39kg mà cái gùi trên lưng gần sáu chục ký. Những ngày này, dân bản vào rừng gùi một thứ gỗ lạ về bán cho tư thương. Cây to, nhỏ, gỗ tươi hay sắp mục nát đều được mua với giá 5000đ/kg. Dân bản thường ngồi thuyền ngược sông Nậm Nơn, chở gỗ về tập kết bên mép sông rồi chuyển băng gùi về bản. Mỗi ngày, một người gùi khỏe được chừng một tạ. Vậy là thu nhập cũng nửa triệu bạc rồi. Ai chăm lên rừng, tết này chắc sẽ rủng rỉnh tiền tiêu xài, sắm sửa.
Ngày cuối năm ở bản vùng biên qua đi êm đềm và tĩnh lặng như thế.
Bản Xằng Trên là điểm đứng chân của một trường mầm non và một trường tiểu học. Ngày thường, nơi đây nô nức tiếng trẻ học bài. Trong ngày nghỉ lễ, một vài chú trò nhỏ đua nhau ra tập đi xe đạp. Một hình ảnh hiếm thấy ở những bản xa như Xằng Trên. Chẳng là một con đường đất được mở bằng máy đào đã vươn vào đến bản.
Từ gần một năm nay, đường ngang ngõ tắt đều đã được bê tông hóa. Người ta bắt đầu đua nhau sắm sanh xe máy thay cho xuồng máy. Dù đi học gần hay xa, bầy trẻ cũng đã có thể dùng xe đạp. Trong những vòng xe chập chững của bầy trẻ, tôi thấy được giấc mơ “thoát núi” là nỗ lực bao đời nay của người dân những bản xa.
Anh Lương Văn Năm, giáo viên trường TH Mỹ Lý 2 mở một quán cà phê cho chị vợ bán cạnh trường. Ngày nghỉ lễ anh ở nhà phụ vợ trông con, nấu ăn. Ngày nghỉ, anh em giáo viên ở xa không về nhà nghỉ lễ chọn nơi đây là chốn sum họp. Vào buổi sáng khi người ta bóc tờ lịch đầu tiên của năm 2017, anh cũng mổ thịt một con ngan mời bạn bè ăn tết. Bữa ăn có thêm món canh ột và một vài món ăn bản địa.
Trong bữa cơm, thầy giáo Lầu Bá Thông, có 23 năm gắn bó với đất Mỹ Lý kể về những đổi thay của bản làng. Lầu Bá Thông vào nghề giáo từ năm 1993, đã đến 12 trong số 13 bản của xã Mỹ Lý để dạy chữ cho bầy trẻ. Nhiều người giờ đã là đồng nghiệp của anh về cùng chung một mái trường. Anh bảo “Từ thời khoác ba lô đi 2 ngày trời mới đến nơi dạy học đến giờ đã là một sự thay đổi lớn. Bây giờ chỉ còn vài bản nữa là không đi xe máy được thôi”.
Nhớ lại quãng đường dốc lồi lõm tôi đã ngồi xe máy đi qua hai ngày nay, tôi chợt hiểu rằng khó khăn vẫn còn đầy rẫy ở miền đất này. Nhưng với những người dân nơi đây, miền đất này đang chuyển mình. Chỉ một vài năm nữa một công trình thủy điện mới sẽ mọc lên.
Dân bản mong thủy điện thì ít, mong con đường vào nhà máy sẽ đi qua bản để được thuận lợi hơn trong việc đi lại thì nhiều. Một vài nhà đã thuê máy múc đất làm nền nhà để chuyển ra ở gần đường. Trong suy nghĩ của nhiều người có thể cho rằng bà con vùng cao cũng thực dụng quá. Tôi lại thấy ở đó là nỗi khát khao về một còn đường giao thông thuận lợi đã đeo đẳng suốt bao nhiêu năm nay.
Bản làng như tẻ nhạt hơn trong những ngày nghỉ này. Cả bản chỉ có cô nữ sinh Lương Thị Thu Hoa về nghỉ Tết vừa để thăm mẹ ốm. Hoa là niềm tự hào của cả bản. Nhà nghèo nhưng học chăm. Dù ở trường huyện hay trường cô đều là gương mặt tiêu biểu cho chí vượt khó. Đó quả là một điều đáng để vui ở nơi mà cơn lốc ma túy đang tràn qua. Chỉ riêng bản Xằng Trên đã có dăm chục con nghiện. Cô bảo: Tương lai chưa biết thế nào nhưng cô sẽ chọn một tương lai khác hơn so với nhiều thanh niên ở xứ núi này.
Kỳ nghỉ của tôi trôi qua với những câu chuyện vui nho nhỏ. Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, những cậu trò ở bản người Mông tên gọi Nhọt Lợt ở sát biên giới Việt Lào bắt đầu dắt xe đạp, chở gạo về trường. Vậy là túi gạo đã được chuyển từ nhưng tấm lưng còng tra suốt bao năm nay qua chiếc xe đạp. Âu cũng là một sự thay đổi. Giáo viên ở xa đã bắt đầu trở lại trường. Chỉ ít giờ nữa thôi, những điểm trường vùng cao trở lại với vẻ náo nhiệt của ngày thường.
Trên cổng trời vẫn đầy mây trắng như trong thế giới chiêm bao. Những áng mây ngàn năm vẫn mải miết rong chơi bất định trên chóp núi. Dẫu rằng cuộc sống con người đang ngày một đổi thay./.
Hữu Vi