(Baonghean) - Thực hiện chủ trương dồn, điền đổi thửa (DĐĐT) theo Chỉ thị 08-CT/TU của BTV Tỉnh ủy, huyện Diễn Châu đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ. Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt, kết quả thu được vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương lúng túng, chưa quyết liệt nên tiến độ còn chậm...
 
Xã Diễn Tân (Diễn Châu) có diện tích tự nhiên 494,8 ha, với  9 xóm dân cư. Hiện toàn xã có 1.902 hộ có đất sản xuất với tổng diện tích cần thực hiện (dồn điền đổi thữa) là 260ha. Mặt bằng diện tích ruộng canh tác chủ yếu là bậc thang, dộc vàn và dộc trũng; bình quân mỗi hộ có từ 4 - 5 thửa sản xuất trên 4 xứ đồng, cá biệt có hộ lên đến 9 thửa (thửa nhỏ nhất dưới 200m2 ) nên không thể đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, dẫn đến giá trị sản xuất nông nghiệp thấp.
 
Xác định được điểm yếu này, trong Chương trình xây dựng NTM, xã đặt ra 2 nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung DĐĐT, quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao giá trị đất canh tác. Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tân cho biết: "Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên ngay từ khi có chỉ thị của Tỉnh ủy  về chủ trương dồn điền, đổi thửa, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, chính quyền xã Diễn Tân đã nhanh chóng triển khai tới từng xóm để bàn phương án tổ chức thực hiện. Xã đã thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể và phân kỳ công việc cần ưu tiên thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, xã đã lên kế hoạch số diện tích đất làm giao thông thủy lợi là 154.586,2m2, với tổng khối lượng đào đắp là 77.627 m3; tổng kinh phí dự trù hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó huy động nhân dân hơn 2,3 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn khác.
 
Theo kế hoạch đề ra, Diễn Tân sẽ hoàn thành công tác DĐĐT trong năm 2013, nhưng hiện mới triển khai được ở các xóm 1, 2, 3, 4, 5, theo phương thức tự nguyện nhận ruộng và bốc thăm. Trong đó có 160 hộ tự nhận ruộng sản xuất trên 1 thửa duy nhất, số hộ còn lại tiến hành ghép dây, 1 dây gồm 10 sào có cả đất tốt- xấu, xa - gần. Sau khi chuyển đổi bình quân 1 hộ sản xuất trên 2 thửa, thửa nhỏ nhất 1 sào, lớn nhất lên đến 7- 8 sào trên 1- 2 xứ đồng. Tại các xóm này đã chia đất thực địa cho người dân cơ bản xóa xong bờ vùng, bờ thửa và đang tiến hành đắp đường giao thông nội đồng. Khó khăn nhất là đang ở các xóm 6, 7, 8, 9 thuộc 2 làng Phú Linh và Hậu Hòa; hiện chưa thể tiến hành được DĐĐT do còn nhiều vướng mắc về đất đai chưa được giải quyết".
 
Những ngày này về làng Hậu Hòa, vấn đề đang được bà con bàn luận xôn xao là chuyện chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Làng Hậu Hòa có diện tích cần dồn đổi là 52,5 ha cả đất lúa, đất màu nằm trên 26 xứ đồng; hộ sản xuất ít nhất là 4 thửa, có hộ lên tới 9 thửa. Sau khi tiếp nhận phương án DĐĐT của xã, làng Hậu Hòa đã thành lập tiểu ban chỉ đạo, thực hiện các bước như tuyên truyền vận động, điều tra đánh giá đất hiện trạng, tổ chức họp dân được thực hiện khá bài bản nhưng đến nay tiến độ vẫn "dẫm chân" trên giấy, chưa  tiến hành giao đất được cho bà con.
 
 Ông Đàm Văn Xuân - Chủ nhiệm HTX Hậu Hòa cho biết: Ngay từ khi tiến hành chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 02 ở làng này đã gặp vướng mắc, chưa tích tụ được ruộng đất, hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp vẫn đang là đất giao theo Nghị định 64. Khó khăn là giao thông nội đồng, khắc phục cầu cống, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Nguồn ngân sách của tỉnh, huyện hỗ trợ hạn chế nên phải dựa vào đóng góp của nhân dân. Trong khi đó, đời sống của người dân khó khăn nên việc huy động cũng không dễ.
 
Nhưng bức xúc lớn nhất hiện nay của người dân làm chậm tiến độ thực hiện DĐĐT là làm sao phải giải phóng được mặt bằng, trả lại diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 mà một số hộ đã dân ồ ạt lấn chiếm để tách hộ cho con cái, xây nhà ở, xưởng lán từ năm 2008 đến nay. Hiện chính quyền xã bất lực, không giải quyết được. Trong các cuộc họp dân bà con đều kiến nghị phải trả lại công bằng thì mới tiến hành dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy. Hiện nếu tính cả 2 làng hậu Hậu Hòa và Phú Linh thì có tới 46 hộ dân đang lấn chiếm đất sản xuất bám theo đường Lạch (là tuyến đường chính của xã), hộ nhiều nhất là 2 sào, hộ ít nhất 250m2 "...
 
Ngoài xây dựng nhà ở trái phép, một số hộ dân còn làm chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc xả chất thải trực tiếp ra đồng khiến hơn 4 sào đất ruộng của 4 hộ dân nằm sát kề bị nhiễm mặn phải bỏ hoang. Ông Đàm Đình (ở xóm 7- xã Diễn Tân) chia sẻ: "Gia đình tôi được chia 1 sào đất lúa bám theo đường Lạch, nhưng phải bỏ hoang hơn 2 năm nay không sản xuất được vì ruộng bị ô nhiễm nặng do hộ ông Phan Đức ở xóm 6 tự ý xây nhà kho và khu trại chăn nuôi cho hệ thống thải trực tiếp xuống đồng”. Riêng từ đầu năm đến nay, tại làng Hậu Hòa vẫn có 4 hộ lấn chiếm đất sản xuất phục vụ mục đích riêng, như hộ ông Phan Thành, ở xóm 6 (lấn chiếm 250m2 ), hộ ông Phan Tùng ở xóm 7 (lấn chiếm 500m2)... Mong muốn của chúng tôi hiện nay là huyện, tỉnh cần nhanh chóng vào cuộc giải phóng các hộ lấn chiếm, trả lại đất sản xuất nông nghiệp thì việc chuyển đổi ruộng đất mới công bằng cho người dân".
 
Còn tại xã Diễn Thành, ruộng đất manh mún nên chưa thể áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất khiến chất lượng sản phẩm thấp và khó hình thành vùng sản xuất chuyên canh để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Đó là lý do để Diễn Thành quyết tâm DĐĐT, tuy nhiên cuộc "cách mạng" đó hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp cần tháo gỡ. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 377 ha, trong đó có 288,77 ha đất màu, 77,2 ha đất lúa và 10,8 ha đất 5% công ích; hiện trung bình 1 hộ sản xuất từ 4- 5 thửa (thửa nhỏ nhất 80m2, thửa lớn nhất 1.500m2). Theo anh Nguyễn Duy Hùng (ở  xóm 10): "Gia đình tôi hiện đang có 4 sào đất màu nhưng phải sản xuất trên 5 thửa ở nhiều xứ đồng, chúng tôi cũng rất mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để quy về một mối cho thuận lợi trong sản xuất và canh tác. Nhưng ruộng đồng ở đây nơi cao nơi thấp, nhiều xứ đồng sâu sục, đất chua phèn, giờ chuyển đổi sợ "gắp" phải thửa đất xấu nên chúng tôi cũng lo lắng". 
 
images900786_1dsc_0210.jpgSản xuất rau màu ở cánh đồng thu nhập cao tại xóm 10 - xã Diễn Thành (Diễn Châu).
 
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết thêm: Ngoài vướng mắc do tâm lý người dân ngại "rũ rối" đất khi đã sản xuất ổn định, muốn đảm bảo hệ số an toàn cho gia đình mình vì đồng đất ở địa phương không đồng đều, diện tích đất phèn, đất rộc trũng chiếm nhiều. Cộng với việc, tại Diễn Thành trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới đang có nhiều dự án chưa thực hiện như mở rộng đường liên thôn lên 36m tại các xóm 1, 2, 5, 7; đường liên xã lên 60m xuống khu du lịch biển; dự án xây nhà chung cư trên diện tích 40 ha từ xóm 1, xóm 4 và xóm 6... Một vướng mắc nữa khiến người dân còn ngần ngại trong việc chuyển đổi là đối với những xóm làm cánh đồng thu nhập cao, chuyên canh cây rau màu như ở các xóm 4, 6, 7, 11 người dân đã bỏ tiền đầu tư kéo đường điện và khoan giếng (hộ ít nhất là khoan 3 giếng, nhiều nhất là 5 giếng), khi tiến hành DĐĐT những hộ không có nhu cầu thâm canh rau màu nếu bắt trúng diện tích đó sẽ rất  khó tính toán trong việc đền bù cơ sở hạ tầng mà người dân đã đầu tư...
 
Để hoàn thành việc DĐĐT theo đúng kế hoạch, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải thích, tuyên truyền vận động cho người dân nắm rõ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã về các xóm để họp dân và giải quyết những thắc mắc, nghi ngại cho nhân dân hiểu. Xã chọn xóm 4 và xóm 11 làm chỉ đạo điểm trước khi làm đại trà ở các xóm còn lại. Ở xóm 4 chọn phương thức bốc thăm, xóm 11 là dồn đổi đất cho nhau. Mục tiêu sẽ giao đất thực địa cho người dân 11 xóm kịp sản xuất vụ hè thu 2014...
 
Thực hiện Chị thị 08- CT/TU của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp, trước khi triển khai ra diện rộng, năm 2012 UBND huyện Diễn Châu đã chọn 3 xã Diễn Cát, Diễn Minh, Diễn Thắng làm chỉ đạo điểm để các xã khác học tập, đúc rút kinh nghiệm. Trong quá trình xây dựng phương án ở 3 xã, những ý kiến đóng góp hay những thắc mắc của người dân được giải đáp cụ thể. Vì thế, hầu hết người dân ở 3 xã đồng tình cao và chấp hành đúng chủ trương. Sau khi chuyển đổi, quy mô bình quân là 1.300m2/thửa, trung bình 1,75 thửa/hộ và 1,75 xứ đồng/hộ. Theo kế hoạch đề ra, trong năm 2013 huyện sẽ hoàn thành việc DĐĐT tại thực địa cho 34 xã còn lại. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương việc triển khai công tác này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, tính đến đầu tháng 12/2013 vẫn còn 7 xã chưa hoàn thành tiến độ triển khai thực hiện, gồm các xã: Diễn Trường, Diễn Tân, Diễn Thành, Diễn Kỷ, Diễn Đồng, Diễn Hạnh, Diễn Xuân. 
 
Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Diễn Châu thẳng thắn nhìn nhận: Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, phong trào DĐĐT trên địa bàn đã và đang được người dân hưởng ứng tích cực, song ở một số xã, cán bộ và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của công tác DĐĐT. Có nơi người dân mới chỉ thấy lợi ích nhỏ trước mắt mà chưa "nhìn xa, trông rộng", làm ảnh hưởng đến phong trào của địa phương. Cán bộ, lãnh đạo, nhất là chính quyền, chi bộ thôn, xóm chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân; đội ngũ cán bộ một số xã ngại việc, không muốn làm do phải tiến hành một khối lượng công việc lớn đã tìm cách kéo dài thời gian để hết nhiệm kỳ... Có xã chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này ngay từ đầu, dẫn đến không thực hiện được theo đúng kế hoạch UBND huyện giao. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, đặc thù đồng đất một số xã không được thuận lợi, có cả đồi gò và vùng bãi phân tán, địa hình ruộng đồng bậc thang nên khó dồn đổi; trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh cũng gây tâm lý lo ngại trong dân... 
 
Dồn điền, đổi thửa không phải là một tiêu chí cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng có tác động đến các tiêu chí như nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất... Bởi DĐĐT không những giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà còn là điều kiện cần để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất hàng hóa, là cơ sở để phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM... Tuy nhiên, công tác DĐĐT không dễ thực hiện bởi có liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người nông dân. Vì vậy, các địa phương cần trao đổi học tập tại các xã đã hoàn thành tốt để áp dụng vào địa phương mình; các ban chỉ đạo, tiểu ban chỉ đạo công tác DĐĐT phải lựa chọn người có uy tín, nhiệt tình để chỉ đạo hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đẩy nhanh tiến độ chương trình. Có như vậy mới có sự ủng hộ của nhân dân và chắc chắn sẽ có sự tác động tích cực cho công tác xây dựng nông thôn mới.
 
Ngọc Anh