Chị Oanh, anh Hạnh thể hiện trích đoạn ca khúc "Xin trả nợ người". Clip: Thành Cường

“Xin trả nợ người”


Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (giảng viên Triết học, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An) biết đến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi chị còn là một cô sinh viên năm nhất, lúc tình cờ đi qua cửa hàng băng đĩa. Chị nhớ lại: “Ban đầu, tôi bị ấn tượng bởi giọng hát của ca sỹ Khánh Ly. Về nhà, tôi tìm lại bài hát đó để nghe và nhận ra lời bài hát cũng như giai điệu thật sự đi vào lòng người. Tôi yêu nhạc Trịnh từ đó”.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh: Thành Cường

Thời đó, gia đình khó khăn, chị Oanh phải bán bánh mì để có thêm tiền học phí, băng đài để nghe nhạc với chị là một món đồ xa xỉ. Vì vậy, khi được một người họ hàng tặng cho chiếc đài các-sét và chiếc băng “Sơn ca 7”, chị hạnh phúc nâng niu như báu vật. Chị nghe nó mọi lúc mọi nơi, nghe đến thuộc lòng, nghe đến đứt cả dây băng, chị tẩn mẩn lấy mủ cây dán lại để nghe tiếp. Cái thời thiếu thốn thông tin ấy, cứ tìm được tờ báo, bức ảnh nào có hình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chị lại cắt ra, dán kín một cuốn sổ dày cộp.

Từ tình yêu này, chị Oanh viết được một bài thơ được ghép bởi 39 tên bài hát của nhạc sỹ họ Trịnh, khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Chị thổ lộ: “Cho đến bây giờ, sau bao năm tháng, cảm xúc trong tôi mỗi lẫn nghe nhạc Trịnh vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Tôi nghe nhạc Trịnh chỉ để nghe, không phân tích, bình phẩm, yêu nhạc Trịnh chỉ để yêu, không săm soi đời tư hay những chuyện bên lề”.

Những nhạc phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gắn bó với chị Oanh như một phần không thể thiếu. Chị nghe nhạc Trịnh cả khi buồn lẫn khi vui, khi hạnh phúc và khi thất vọng, khi thăng trầm hay khi thong dong... “Tôi cảm giác như người nhạc sỹ này đã cô nỗi buồn của mình thành những giọt trong vắt, gọi tên cảm xúc bằng những ca từ rất đỗi bình dị và thái độ nâng niu. Nhạc Trịnh buồn thật nhưng nghe nhạc Trịnh lại không thấy mình buồn hơn, mà nỗi buồn đó như được san sẻ, tan ra, nhẹ nhàng và đẹp đẽ” - chị Oanh chia sẻ thêm.

Từ đam mê nhạc Trịnh, chị kết nối với những người bạn tâm giao, tìm thấy cho mình những người tri kỷ. Dường như với chị Oanh, nhạc Trịnh không đơn thuần là sở thích, là đam mê, mà ngấm vào chị như máu thịt, trở thành chất liệu không thể thiếu để vẽ nên bức tranh cuộc đời. Có lẽ vì thế mà bạn bè thích nghe chị hát nhạc Trịnh, dù chị hát rất mộc mạc, đơn thuần, không kỹ thuật cao siêu.

Năm 2013, ý tưởng viết một bài thơ sử dụng tên những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn của chị một lần nữa trở lại. Và trong dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sỹ, chị đã hoàn thành bài thơ với 18 khổ, gồm 71 câu thơ, liệt kê 139 tên bài hát của Trịnh Công Sơn.

Là một người yêu văn học, chị Oanh từng sáng tác rất nhiều thơ, nhưng bài thơ lần này khác hoàn toàn những tác phẩm trước đó của chị. Chị Oanh chia sẻ: “Cái khó là bài thơ không đơn thuần chảy theo mạch cảm xúc mà đòi hỏi mình phải tính toán đặt các câu chữ, các tên bài sát sao cho hợp lý, xuôi vần và có nghĩa. Hơn nữa, từng từ thêm vào cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, không phá hỏng “chất Trịnh” của tổng thể. Có những câu thơ khiến tôi suy nghĩ mấy ngày trời, có những khổ thơ không đếm nổi số lần xoay, đảo...”. Suốt 1 tháng sáng tác, chị nghĩ đến bài thơ mọi lúc mọi nơi. Có những đêm, dù đã lên giường đi ngủ nhưng chợt nghĩ ra một ý tứ hay, một sắp xếp hợp lý, chị phải bật dậy ngay để viết ra, đề phòng ngày mai quên mất.

Quả thật, sự hợp lý về ý nghĩa và vần điệu của bài thơ khiến một người ngoại đạo như tôi khó lòng nhận ra đâu là từ của các giả, đâu là tên bài hát. Trong 636 từ của bài thơ, chị Oanh chỉ đặt thêm vào 84 từ của mình, tất cả đều hết sức mềm mại. Ví như khổ thơ:

"Hãy khóc đi em, Chìm dưới cơn mưa

Khói trời mênh mông, Lời thiên thu gọi

Đóa hoa vô thường Biết đâu nguồn cội

Hạ trắngdỗi Mưa hồng, nhắcChuyện đóa quỳnh hương"

Cả khổ chỉ có 2 từ “dỗi” và từ “nhắc” là của chị Oanh thêm vào, nhưng tuyệt nhiên, ý tứ thơ rất hợp lý, vừa vặn.

Cho trọn tình yêu

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, lớn lên cùng những bản Thánh ca nơi giáo đường, anh Bạch Duy Hạnh (chồng chị Oanh) có khả năng sáng tác và chơi piano dù công việc hiện tại của anh là giám đốc dịch vụ của công ty buôn bán ô tô. Anh yêu nhạc Trịnh một phần vì cảm nhận chất triết học và trầm buồn của nhạc Trịnh rất gần với triết lý nhà Phật và những giai điệu của Thánh ca.

Mặc dù làm công việc liên quan đến kinh doanh và kỹ thuật nhưng anh Bạch Duy Hạnh lại có tình yêu lớn đối với âm nhạc. Ảnh: Thành Cường

Anh Hạnh chính là người đã phổ nhạc cho bài thơ “Xin trả nợ người” của chị Oanh. Động lực để anh hoàn thành nhạc phẩm này không chỉ là tình yêu dành cho cố nhạc sỹ tài hoa mà còn vì tình yêu mà anh dành cho người vợ của mình. Để đến được với nhau, ở cùng nhau cho đến hôm nay, anh chị đã nắm tay nhau vượt qua rất nhiều sự ngăn cản, trải qua vô vàn thử thách.

Năm 2013, khi chị Oanh hoàn thành bài thơ, anh Hạnh đã ấp ủ ý định phổ nhạc cho tác phẩm này. Tuy nhiên, vì bài thơ quá dài, đòi hỏi rất nhiều công sức, nghiên cứu, công việc của anh lại bận nên anh đành gác lại. Cho đến năm ngoái, sau khi viết tặng vợ bài hát nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới, anh quyết tâm trở lại với ý nguyện phổ nhạc cho bài thơ. Suốt 7 tháng trời, anh dành toàn bộ tâm huyết, quyết tâm phải làm xong trọn vẹn cho tác phẩm này.

 
7 tháng phổ nhạc của anh Hạnh là 7 tháng những giấc ngủ luôn chập chờn giai điệu, đầu óc luôn lẩm nhầm ca từ. Anh chia sẻ: “Khi phổ nhạc cho những bài thơ khác, nhiều nhạc sỹ có thể cắt bớt từ để phù hợp hơn với giai điệu. Nhưng với bài thơ này, tôi phải giữ trọn vẹn toàn bộ câu chữ, không thêm bớt hay thay đổi dù chỉ 1 từ. Thêm nữa, tôi muốn bài hát của mình phải hoàn toàn phù hợp với Oanh. Oanh không thể hát quá cao hoặc quá thấp, vì thế những nốt thanh hay trầm cần phải vừa đủ. Đó cũng là lý do nhiều bạn bè của tôi cảm thấy nhạc điệu của bài hát mang âm hưởng trầm, đều của Thánh ca”.



Suốt thời gian phổ nhạc, bất cứ khi nào tìm được giai điệu phù hợp, dù là khi chuẩn bị ngủ hay khi đang lái xe trên đường, anh Hạnh phải lưu lại ngay trong điện thoại để về nhà viết thành bản nhạc. Vì bài thơ quá dài nên càng về sau, tìm nhạc càng khó. Những lúc quẩn quanh, bế tắc, anh nghỉ một vài ngày rồi lại tiếp tục công việc. Những ngày chị đi công tác, qua điện thoại, anh đàn - chị hát, anh viết - chị góp ý, cứ đồng hành với nhau như vậy trên từng câu chữ.

Anh Hạnh hoàn thành tác phẩm trước dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chỉ vài ngày. Khoảnh khắc lắng nghe chị Oanh thể hiện trọn vẹn ca khúc của mình, ngay sau khi nốt nhạc cuối cùng hoàn thành, anh đã vô cùng hạnh phúc. Anh xúc động: “Có thể bài hát này chưa chuẩn mực và trọn vẹn về chuyên môn nhưng nó là một tác phẩm trọn vẹn yêu thương mà tôi gửi gắm”.

Dẫu chẳng thể đánh giá hay bình phẩm tác phẩm này dưới góc nhìn của một chuyên gia, nhưng với tôi, bài hát của chị Oanh, anh Hạnh vô cùng đặc biệt. Bởi, nó không chỉ thể hiện sự rung cảm dành cho nghệ thuật, sự trân quý trước tài năng, mà còn kể câu chuyện yêu thương dung dị, bền bỉ giữa những con người.