(Baonghean) - Trong một lần về dự đại hội Chi hội Nghệ sỹ múa Nghệ An, tôi bị “thu hút” bởi lời giới thiệu của ông Phạm Hùng Thoan, Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp điệu về Đội Văn nghệ phường Quang Trung, Thành phố Vinh. Rằng đó là đội văn nghệ có số lượng hội viên cao tuổi nhiều nhất và là có nhiều tên gọi nhất…
Ông Phan Ngọc Quế, Đội trưởng cho hay: “Trong một lần Đại hội Hội Cựu chiến binh phường Quang Trung, ban tổ chức mời một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng không được nên hội đã cử ra một số hội viên có năng khiếu văn nghệ đứng ra dàn dựng và thành lập Đội Văn nghệ Hội CCB từ đó. Chỉ với 10 thành viên ban đầu, đội hoạt động rất sôi nổi với nhiều tiết mục đặc sắc nên Hội CCB Thành phố Vinh cũng thường xuyên mời đi diễn và chuyển thành Đội Văn nghệ Hội CCB Thành phố Vinh, Đội Văn nghệ Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Thành phố Vinh, Đội Văn nghệ CCB quân tình nguyện và chuyên gia công tác tại Lào. Tên gọi nào cũng đúng, cũng được nhưng chúng tôi thường hay gọi là Đội Văn nghệ phường Quang Trung vì tất cả anh em trong đội đều sinh sống ở phường Quang Trung. Không có hoạt động văn hóa, văn nghệ nào của phường thiếu chúng tôi cả”.
Gần 10 năm kể từ ngày thành lập, tinh thần hăng say, nhiệt tình của các thành viên trong đội dường như vẫn trọn vẹn. Không một thành viên nào “xin” nghỉ, dù công việc gia đình ai nấy đều bận rộn với chợ búa, cháu con, dòng họ. Những ông, những bà đầu hai thứ tóc nhưng vẫn say sưa trong từng lời ca, điệu múa. Không phân biệt hèn sang, tuổi tác... tất cả họ đều là đồng chí, đồng đội, đều trở về từ bom đạn chiến tranh, đều nếm trải đủ đầy những dư vị cuộc đời.
Những hoạt cảnh như đi cấy, san đường, kéo pháo, thồ đạn... được tái hiện rất sinh động. Trong thoáng chốc, họ quên đi tuổi tác, quên hết mọi nỗi niềm riêng để sống lại một thời “Tiếng hát át tiếng bom”. Họ là những o du kích, những anh giải phóng quân... trẻ trung, lãng mạn dẫu bước di chuyển trên sân khấu không còn được uyển chuyển như trước. Với họ, ngoài niềm yêu thích văn hóa, văn nghệ đó còn là niềm hạnh phúc được sống lại một thời son trẻ sục sôi ý chí và quyết tâm đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Là một đội văn nghệ không chuyên, nhưng các tiết mục của họ mang đến cho khán giả đều được dàn dựng công phu. Một số hạt nhân tiểu biểu của đội là những cây văn nghệ của các đoàn chuyên nghiệp về hưu như: Nghệ sỹ múa Phan Ngọc Quế từng ở Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh (thời kỳ chưa tách tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh), nay là hội viên Chi hội nghệ sỹ múa Nghệ An; Nghệ sỹ Minh Trí ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 về hưu, nghệ sỹ Hồng Dung từng là thành viên của Đoàn Dân ca Nghệ An… Các thành viên còn lại cũng đều là những cây văn nghệ của các cơ quan nhà nước. Vì thế, mọi người luyện tập với nhau rất nhanh.
Ông Phan Ngọc Quế - Đội trưởng và là biên đạo chính của đội chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình nên tôi xin nghỉ hưu sớm (từ năm 1992). Xoay vần với gánh nặng cơm áo gạo tiền nhưng nỗi nhớ về những năm tháng đi biểu diễn dưới mưa bom bão đạn, phục vụ đồng chí, đồng bào khắp nơi luôn thôi thúc tôi. Đội Văn nghệ Hội CCB phường Quang Trung thành lập, tôi xung phong ngay. Nhờ vậy mà tôi được thỏa niềm đam mê của mình…”. Phan Ngọc Quế từng là cây văn nghệ của đội tuyên truyền thuộc Tổng đội 57 ở Hà Tĩnh. Ông được thừa hưởng “máu” nghệ sỹ từ người cha đáng kính, một tài năng đánh đàn, kéo nhị của gánh hát nổi tiếng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông từng nhận vai trong các vở tuồng lớn như “Thăng Long thất thủ”, “Hoàng tử bé”...
Năm 1977, ông được cử đi học trung cấp diễn viên ở Trường Múa Việt Nam và trở thành một trong những nghệ sỹ gạo cội của Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen (Hà Tĩnh). Bao nhiêu năm gắn bó với sân khấu với biết bao kỷ niệm buồn vui dường như vẫn còn vẹn nguyên. Những chuyến lưu diễn dài cả tháng trời, hết huyện này sang huyện khác, những buổi diễn bị đứt quãng vì đạn bom... được ông nhắc lại rành mạch như vừa mới ngày hôm qua. Có lẽ cũng vì thế mà những tiết mục do ông dàn dựng đều mang hơi thở chiến tranh. Quá khứ hào hùng của dân tộc được tái hiện lại rất tự nhiên, sâu sắc và đậm nét. Bởi lẽ, không chỉ mình ông Quế, những cựu chiến binh này đều từng đau đáu quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ý chí ấy, bản lĩnh ấy vẫn vẹn nguyên trong con người họ. Người xem, nhất là những người từng đi qua chiến tranh đều hết lời ngợi ca, bởi các “nghệ sỹ” diễn thật quá, xúc động quá!
Nhiều địa phương ở các huyện miền núi như Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành… mỗi lúc có ngày lễ, hội đều mời đội văn nghệ của phường đến diễn. Đến nay, Đội Văn nghệ phường Quang Trung đã có 20 thành viên. Bên cạnh những CCB, còn có một số bạn trẻ tham gia. Mỗi đợt luyện tập vở mới hoặc biểu diễn là bà con khối phố lại nô nức, nhộn nhịp đến xem và cổ vũ. Niềm lạc quan, yêu đời của những CCB đã trở thành chất keo thắt chặt tình đoàn kết dân tộc…
Nguyễn Lê