Trước khi sang Hà Nội, đá trận thứ 3 liên tiếp với ĐT Việt Nam trong vòng chưa đầy 1 năm trung vệ Shahrul Saad tỏ ra phấn khích: “Nhưng chẳng có gì phải ngại khi đến Hà Nội bởi chúng tôi đã quen với không khí ở đó. Chúng tôi biết, họ là một đội bóng mạnh. Chúng tôi đang háo hức đối đầu với ĐT Việt Nam”.
“Cửa trên” lấm lưng
Điểm chung của 2 trận đấu trên sân Mỹ Đình, các học trò của HLV Tan Chang-Hoe đều là đội kiểm soát bóng nhiều hơn chủ nhà. Tại vòng bảng AFF Cup 2018, đội tuyển Malaysia cầm bóng 69%, có tới 622 đường chuyền (ĐT Việt Nam chỉ 292) còn trận chung kết, tỷ lệ này là 58%, có 457 đường chuyền (ĐT Việt Nam chỉ 339).
Như vậy, ông Tan Chang-Hoe và BHL đội tuyển Malaysia phải có cuộc đấu trí với ông Park Hang-seo là có nên cầm bóng, ban chuyền nhiều đến thế khi đá sân khách hay không? Một thực tế là ông Park luôn tìm được cho ĐT Việt Nam một cầu thủ có sức rướn, tốc độ và đường kiến tạo chất lượng khi đối đầu với Malaysia.
Trong 3 bàn thắng trên sân Mỹ Đình tại AFF Cup 2018 thì Quang Hải, Văn Đức, Anh Đức là những người tham gia kiến tạo. Như vậy, các cầu thủ hàng công của ĐT Việt Nam ngoài nhiệm vụ ghi bàn, có thể làm tốt nhiệm vụ kiến tạo. Điều này giúp cho các tiền vệ trung tâm giảm tải nhiệm vụ tấn công, tránh dâng lên quá cao hở sườn.
Đặc điểm chung của 2 trận thắng là chúng ta ghi bàn vào thời điểm khá sớm, tại vòng bảng Công Phượng mở tỷ số ở phút thứ 11. Trận chung kết lão tướng Anh Đức ghi bàn ở ngay phút thứ 6. Việc thua sớm sẽ khiến cho các cầu thủ của đội tuyển Malaysia khó đá hơn nhiều, giúp cho ĐT Việt Nam chơi ngón phản công sở trường.
Dưới thời HLV Park, các cầu thủ Việt Nam nhập cuộc nhanh hơn. Ngay cả thi đấu trên sân khách thì sau 25 phút, chúng ta cũng có 2 bàn thắng ngay trên chảo lửa Bukit Jalil, còn 2 trận trên sân Mỹ Đình, vào trận là chúng ta chơi pressing tầm cao ngay từ đầu.
Ông Tan gọi thêm viện binh
Dường như ông Tan đã phát hiện ra điều mới mẻ của ĐT Việt Nam tập luyện trước trận đấu nên đã bất ngờ bổ sung thêm hai cầu thủ là tiền vệ Abdul Halim Saari và trung vệ Aidil Zafuan ở đợt tập trung lần này. Trong đó, Aidil Zafuan được đánh giá là một trong những hậu vệ kỳ cựu của bóng đá Malaysia, hiện đang khoác áo Johor Darul Ta'zim, đội đang dẫn đầu BXH ngoại hạng Malaysia.
Trước đây, Aidil Zafuan xác nhận chia tay sự nghiệp quốc tế, nhưng rồi chấp nhận tiếp tục thi đấu cho Malaysia. Hậu vệ 32 tuổi này đã có 82 trận khoác áo Malaysia, và ghi 3 bàn thắng. Ở trận đấu gần nhất với Terengganu, Aidil cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có vẻ như ông Tan cần cầu thủ này với tư cách là thủ lĩnh tinh thần cho đội bóng trong trận đấu quyết định.
Trong khi đó tiền vệ trung tâm 24 Abdul Halim Saari là trụ cột của Selangor, đang đứng thứ 3 BXH ngoại hạng Malaysia. Điểm mạnh của cầu thủ đã 19/22 lần ra sân trong màu áo Selangor là khả năng đánh chặn và tự tổ chức tấn công như Đặng Anh Tuấn của SHB.Đà Nẵng.
“Chúng tôi cần cải thiện sức mạnh nơi hàng tiền vệ. Chúng tôi biết Việt Nam là một đội bóng mạnh, đặc biệt trong khâu phòng ngự. Bởi vậy, Malaysia cần thêm người để trợ giúp nơi tuyến giữa và gây áp lực lên hàng thủ đối phương", HLV trưởng đội tuyển Malaysia nói.
Theo như báo chí Malaysia phân tích, ông Tan Chang-Hoe thấy cần bổ sung hàng tiền vệ 1 cầu thủ có thể ngăn chặn “ngòi nổ” của ĐT Việt Nam, cầu thủ là cầu nối chuyển hóa từ phòng ngự sang tấn công. Đội khách thấy sự nguy hiểm của Văn Toàn, với những cú nước rút dọc biên phải cùng Trọng Hoàng.
Đây là lần đầu tiên Abdul Halim Saari, người cùng đội bóng với Nguyễn Michal (cựu cầu thủ của B.Bình Dương) được gọi lên đội tuyển Malaysia. Dự kiến cầu thủ này sẽ được tung ra sân trận giao hữu với Sri Lanka vào ngày 5/10, trước khi bay sang Hà Nội để chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình 5 ngày sau.
Chắc chắn, ông Park sẽ có bài mới để đối đầu với ông Tan. Đây là trận đấu mà ai cũng muốn thắng, nhưng rốt cuộc chỉ có 1 người được mỉm cười sau khi trận đấu kết thúc. Liệu ông Tan có tiếp tục đá kiểu “cửa trên” rồi chuộc lấy thất bại như 2 lần trước khi rời sân Mỹ Đình hay không?