Câu chuyện trụ cột chấn thương vẫn liên tiếp được gọi lên tuyển, tuyến giữa là nơi có nhiều nỗi lo nhất của đội tuyển… là những vấn đề nổi cộm được xem xét, mổ xẻ khá kỹ.

bna___hai_que_66009801_682021.jpgĐT Việt Nam tích cực tập luyện. Ảnh tư liệu của Hải Hoàng

Một trong những “người trong cuộc” của những chủ đề bàn luận sôi nổi đó là trung vệ Đình Trọng đã lên tiếng với chủ ý phản bác dư luận đồn thổi và khẳng định không có điều gì xảy ra khi “chấn thương của tôi đã khỏi lâu rồi”. Với một cầu thủ có tư cách tốt, chuyên môn giỏi, từng có thực tiễn thi đấu xuất sắc, sự lên tiếng của anh có thể sớm đem lại niềm tin trước hết cho dư luận và người hâm mộ. Chuyện chuyên môn sau khi lành chấn thương phải là thực tế tập luyện và đánh giá cuối cùng của ban huấn luyện trước khi “quyết” danh sách cuối cùng.

Dù với khả năng nào diễn ra thì đó cũng là tin vui cho ĐTVN trước khi bước vào vòng loại thứ 3 đầy khó khăn phía trước. Một hàng thủ được coi là chắc chắn, tin cậy nhưng trong trận gặp UAE ở lượt cuối vòng loại thứ 2, trong 40 phút để thủng lưới tới 3 bàn trắng là một con số biết nói rõ ràng và cần tức tốc chấn chỉnh lại. Và cứ cho rằng, Đình Trọng đang trở lại và “lợi hại như xưa” thì câu chuyện sẽ ra sao? HLV trưởng Park Hang-seo sẽ tính toán như thế nào để sử dụng Đình Trọng, nghĩa là phải loại bỏ ai trong số các trung vệ Quế Hải, Tiến Dũng hay Duy Mạnh vốn được coi là đang ổn định?

Hiện tại, người chơi vị trí trung tâm/giữa của 3 trung vệ là Quế Ngọc Hải. Chưa có bất kỳ lý do gì để “phế” đội trưởng ĐTVN nếu không có sự cố đặc biệt hay bất ngờ nào và tin chắc điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ai cũng biết, Đình Trọng chơi tốt nhất ở vị trí trung tâm, tất nhiên vẫn có thể chơi lệch khi cần thiết. Nhưng sẽ không có việc ông Park Hang-seo làm mới hàng thủ bằng cách đưa Đình Trọng vào giữa, rồi đẩy Ngọc Hải chơi lệch hoặc thay thế hẳn?

Chắc chắn ông Park Hang-seo cần một mẫu trung vệ chơi tỉnh táo, thông minh, liên kết tốt 3 trung vệ như kiểu Đình Trọng nên nếu trung vệ này thực sự trở lại thì bài toán “đau đầu dễ chịu” của ông thầy sẽ phải có lời giải thấu đáo. Khi đó, rất có thể Tiến Dũng hoặc Duy Mạnh sẽ chịu sự hoán đổi, tạm chờ thời cơ đến không sớm thì muộn hoặc làm việc theo “ca, kíp” chẳng hạn? Cũng biết đâu, khi đó Ngọc Hải sẽ được đôn lên như một tiền vệ trung tâm thực thụ, là người chơi thấp nhất ở tuyến giữa như từng chơi ở SLNA những lúc cần thiết, trong bối cảnh tuyến giữa của ĐTVN đang “có vấn đề”?

Trong khi một trung vệ có khả năng lớn trở lại thì lại cũng có một người khác có nguy cơ vắng mặt vì chấn thương chưa hoàn toàn bình phục, đó là Văn Hậu. Ai cũng biết lý do vì sao ông thầy “kết” Văn Hậu đến thế nhưng gần như đã đến lúc phải tìm giải pháp có thể để bảo vệ sự nghiệp lâu dài của các cầu thủ trẻ tài năng. Văn Thanh và Hồng Duy đều cho thấy sự sẵn sàng nếu được tin cậy giao nhiệm vụ bên hành lang trái của ĐTVN trong vai trò lên công-về thủ vô cùng quan trọng.

Các bài tập gần đây của ĐTVN cho thấy hình dung về một đội bóng sẽ lấy phòng ngự làm nền tảng trước các đối thủ hàng đầu châu lục. Vậy thì những ai sẽ được tin cậy khi tham gia vào “khối bê-tông” cơ động và linh hoạt trước khung thành đang là câu hỏi được đặt ra, trong đó có trung vệ Đình Trọng sau khi anh chính thức có “bố cáo” trước bàn dân thiên hạ.

Thực ra chơi phòng ngự - phản công không phải là bài mới của ĐTVN. Vấn đề là bài học rút ra sau vòng loại thứ 2 và thực tế lực lượng. Về cơ bản, hàng thủ và hàng công của ĐTVN vẫn giữ được sự tin cậy cần thiết. Chỉ có tuyến giữa là luôn đặt ra những vấn đề mới về lực lượng (chẳng hạn Hùng Dũng, Tuấn Anh... chấn thương) hay cách thức tổ chức, bố trí đội hình.

Trong trận gặp UAE ở vòng loại thứ 2, ông Park Hang-seo dùng cả Quang Hải lẫn Xuân Trường như hai số 6 và toan tính bằng sự nhanh nhẹn, khéo léo của 2 nhân tố này để vừa đánh chặn, vừa chuyển trạng thái qua cầu nối Văn Đức - Hoàng Đức nhưng không thể thành công. 30 phút vào sân của Minh Vương và kết quả 2 bàn gỡ của ĐTVN có thể là một dữ liệu sáng sủa để ông Park tổ chức lại tuyến giữa phù hợp với yêu cầu cao của những trận đấu sắp tới.

Nói tóm lại, bài toán lực lượng và mọi sự toan tính, thay đổi là chuyện thường ngày ở tuyển. Nỗi mong ngóng sự trở lại của Đình Trọng hay bất cứ tuyển thủ nào đều là điều đáng mừng, đáng hy vọng. Tất nhiên, môi trường tuyển là môi trường cạnh tranh quyết liệt, bình đẳng, vì mục tiêu và nhiệm vụ chung. Đó là sự canh tranh để “tất cả đều thắng”, dù có thể đây đó có câu hỏi đặt ra (và không khó để tìm câu trả lời) kiểu như “Đình Trọng trở lại, Quế Hải đi đâu?".